Tân Phúc âm hóa đời sống xã hội

Thứ bảy - 03/12/2016 15:53  2881
Tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội. “Phúc âm” là “Lời Hạnh phúc”, là Lời Chúa, lời Chúa Giêsu đã loan báo cho con người chúng ta, là những người nghèo, để cho chúng ta được tìm về con đường Hạnh phúc.

Niềm vui Phúc âm thể hiện tự nhiên và hài hòa trong cuộc sống. Một buổi sáng, chúng tôi, các cha giáo Đại chủng viện Mẹ Vô nhiễm, đang cùng nhau uống café nơi phòng khách, cha Tiến Lộc bước vào! A chào ông bạn già, lâu lâu mới có dịp gặp nhau. Thế là niềm vui có dịp nở rộ với các câu chuyện vui cười đây đó. Cuộc đời được tô điểm bằng những ký ức xa xưa gợi lại. Cha giáo Lâm cũng đã từng gặp gỡ con người nổi danh này, có thể nói được là “người ở đâu thì tiếng cười tiếng hát vang lên ở đó!” Cũng thế, Lời Chúa thấm nhập vào đâu thì có Hạnh phúc ở đó!
 
Thế giới ngày nay còn rất nhiều nơi chưa được nghe đến Lời Chúa, và cả những nơi đã được nghe Lời Chúa, nhưng tâm tư nguyện vọng hầu như vẫn còn xa cách, đúng như là chưa được nghe Lời Chúa vậy!

Năm 1975, cách nay đã hơn 40 năm, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết Tông huấn“Loan báo Phúc âm”. Nghe “Loan báo Phúc âm” xem ra vẫn còn có tính cách thụ động, chưa tích cực sống theo Lời Phúc âm. Do đó, người ta đề cập đến từ ngữ “Phúc âm hóa” thì tinh thần của nó đã có vẻ được trở nên mạnh mẽ hơn sống động hơn. Ngài đã định nghĩa Phúc âm hóa là “để mang Phúc âm đến mọi tầng lớp nhân loại, và nhờ ảnh hưởng Phúc âm có thể biến đổi chính con người từ bên trong và đổi mới họ”, hoặc Phúc âm hóa là  “làm cho thấm nhuần tinh thần Phúc âm vào con người, vào xã hội, vào các nền văn hóa”. Lý tưởng là như vậy, nhưng sự thật thì được tới đâu? Tuy nhiên, Lời Chúa vẫn còn như bị lãng quên chưa được thấm vào cuộc sống, con người vẫn còn sống trong cảnh lầm than khốn khó. Nhiều lần Giáo hội đã kêu mời con cái mình đi vào công cuộc canh tân đời sống rập theo tinh thần “Tân Phúc âm hóa đời sống xã hội”.

Hội đồng Giám mục Việt nam trong Thư Chung 2013 đã viết: “Tân Phúc âm hóa, không phải là rao giảng một  Phúc âm mới, vì “Đức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), nhưng là mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp và trong cách diễn tả. Mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giêsu Kitô để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta. Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt: văn hóa, xã hội cũng như kỹ thuật. Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội sứ điệp Phúc âm” (Thư Chung số 4).

Đề tài này được suy nghĩ và xem xét với các phần bài như sau:

Phúc âm hóa.

Tân Phúc âm hóa.

Tân Phúc âm  hóa Đời sống Xã hội.

I. PHÚC ÂM HOÁ

Chúa Giêsu đã ra mệnh lệnh cho các tông đồ:“Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin cùng chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu, còn ai không tin thì  sẽ bị luận tội" (Mc 16,15-16). Rao giảng Lời Chúa để cho người ta được nghe biết, và Lời Chúa sẽ thúc giục sống theo Lời Chúa mà được biến đổi đời sống. Lời Chúa đã xác định:“Không phải những ai nói với Ta: Lạy Chúa, Lạy Chúa là sẽ vào đƣợc Nước Trời, nhưng là kẻ thi hành ý Cha Ta, Đấng ngự trên Trời" (Mt 7,21). Do đó, cuộc đời phải được uốn nắn theo Lời Chúa. Đời sống con người phải được ánh sáng Phúc âm soi chiếu, phải được muối Phúc âm ướp mặn, phải được men Phúc âm biến đổi. Đấy là đời sống theo Lời Chúa, đấy chính là công việc Phúc âm hóa đời sống.
 
II. TÂN PHÚC ÂM HOÁ

Đời sống con người, một là “quen quá hóa nhàm”, hai là bản tính con người “hay thay đổi” hay là không muốn thay đổi, do đó cần phải có những gì mới mẻ hấp dẫn, mới có thể lôi cuốn người ta đi vào công việc. Vì vậy, Hội đồng Giám mục Việt nam đã lên tiếng giải thích rõ lại:“Tân Phúc âm hóa, không phải là rao giảng một Phúc âm mới, vì “Đức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng nhƣ hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), nhưng là mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp và trong cách diễn tả. Và rồi thêm từng phần và từng ý nghĩa: Trước hết, mới về lòng nhiệt thành: Mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giêsu Kitô để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta. Kế tiếp mới về phương pháp: Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt: văn hóa, xã hội cũng như kỹ thuật. Sau cùng là phải mới trong cách diễn tả: Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội sứ điệp Phúc âm”. Nhận biết được như vậy, kể như đã xong về phần lý thuyết. Bây giờ chúng ta hãy đi vào thực tế của cuộc sống xã hội hôm nay. Cuộc sống hôm nay đòi hỏi người giáo dân như thế nào?

III. TÂN PHÚC ÂM HOÁ ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

Người đời thường nói: “Thời nào kim cương ấy” (ca dao).

Chúng ta xác định lại: “Đức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như  hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), nhưng cách sống đạo của chúng ta trong thế giới có nhiều biến đổi hôm nay, cũng cần có những điều cần thích ứng, như là: lòng nhiệt thành, tức là mối tương quan của chúng ta đối với Chúa Kitô, những phương pháp thích hợp để đưa đạo vào trong đời sống, các cách diễn tả để người đời dễ đón nhận Tin Mừng của Thiên Chúa.

1. Chúng ta đặt lại vấn đề “lòng nhiệt thành”

Chúa Giêsu lên Giêrusalem gặp cảnh buôn bán trong Đền thờ, Ngài đã xua đuổi chúng để thanh tẩy Đền thờ, thánh Gioan nhớ lại lời chép:“Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa sẽ nghiến cả mình tôi” (Ga 2,17). Muốn thúc giục và nhắc bảo chúng ta, Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu mến Ta, thì vâng giữ lời Ta, và Cha Ta sẽ yêu mến nó, và Chúng Ta sẽ đến với nó, và sẽ đặt chỗ ở nơi mình nó" (Ga 14,28). Từ tấm lòng yêu mến này, chúng ta sẽ làm gì để bày tỏ sự yêu mến? Yêu mến thì đến với Chúa, mà con đường đến với Chúa là:“Ai muốn theo Ta, thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình, và hãy theo Ta" (Mt 16,24). Chính Chúa Giêsu đã dùng con đường Thập giá để đến trần gian và chuộc tội cho chúng ta, thì đến lượt chúng ta, cũng chỉ có một con đƣờng Thập giá để đến với Chúa và đón nhận Ơn Cứu độ. Chính lòng nhiệt thành này sẽ giúp chúng ta bằng lòng và mộ mến chấp nhận được những hy sinh, để có thể đi vào những ngõ ngách cuộc đời mà tìm và vác thập giá theo Chúa. Đây là lời khuyên bảo: “Hãy vào cổng hẹp. Vì rộng rãi và thênh thang là con đường dẫn đến hư vong, và lắm kẻ đi ngang qua đó. Còn cổng hẹp và đường chật, thì dẫn đến sự sống, và ít kẻ gặp được nó” (Mt 7,13-14).

2. Xem lại những phương pháp thích hợp

Lời nhắc bảo quan trọng hàng đầu, đó là: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn các việc khác sẽ được ban thêm cho các con" (6,33). Vậy chúng ta phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa như thế nào, và phải áp dụng những phương pháp ra sao, để có thể đạt được Nước Trời? Có người thông luật đã hỏi: “Tôi phải làm gì để được sống đời đời? ” Chúa Giêsu hỏi lại kẻ ấy: “Trong Luật, ông đọc thấy gì? ” Ông đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng hết sức hết linh hồn hết trí khôn tôi, và yêu mến người thân cận như chính mình” (Lc 10,27). Chúa Giêsu bảo: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là được sống”. Như thế, sự việc thì đã biết, chỉ còn điều cần là đem ra thực hiện. Phương pháp nào cho thích hợp? Đấy là vấn đề cần được thích ứng. Phương pháp của Chúa Giêsu là di chuyển khắp đó đây. Cách rao giảng là dùng ngôn ngữ bình dân sát với đời thường, và lấy các dụ ngôn mà sánh ví về Nước Trời cho đám đông dễ hiểu. Phong cách sống là gần gũi với dân chúng nghèo hèn và tội lỗi. Người ta ngày hôm nay thì thế nào? Làm việc một mình nhiều lúc cảm thấy lẻ loi, buồn chán, sợ sệt nên không làm được, hoặc là không dám làm. Vậy thì phải đi vào con đường tập thể, cùng nhau cộng tác làm việc như là các đoàn thể trong từ ngữ thông dụng là Công giáo tiến hành. Mỗi một giáo xứ, thông thường đã có các đoàn thể, vậy ước mong các đoàn thể này cố gắng hoạt động mạnh mẽ, trở thành những cơ hội thuận tiện cho người giáo dân có thể tham gia vào các sinh hoạt tôn giáo. Đấy là những phương pháp thích hợp để sống đạo. Đấy cũng chính là những phương cách thực hiện việc Phúc âm hóa đời sống xã hội trong giáo xứ.

3. Áp dụng những cách diễn tả dễ đánh động tâm hồn

Có phương cách nào hấp dẫn để có thể thu hút và lôi cuốn tâm hồn người ta? Chúa Giêsu có phương cách cho người ta nhìn vào Nước Trời, để biết so sánh hơn thiệt giữa Nước Trời và nước trần gian: “Được lời lãi cả thế gian, mà lại thiệt mất mạng sống mình, nào được ích gì! Hay người ta sẽ lấy gì mà chuộc lại mạng sống mình? (Mt 16,26). Hơn  nữa, nếu cần gửi của cải thì gửi ở đâu để được bảo đảm? Dưới đất thì trộm cắp, mối mọt, không có chỗ nào là yên ổn! Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta là quê Trời, Ngài nhắc bảo:“Hãy sắm cho mình những ví tiền không hề cũ nát, kho tàng không hao vơi trên Trời, nơi trộm không lai vãng, và  mối mọt không nhấm nát” (Lc 12,33). Sống ở đời này mà chuẩn bị cho đời sau, đấy thật là thái độ biết khôn ngoan lo cho bản thân mình. Khôn ngoan là người nghe Lời Chúa và đem ra thực hành như người khôn xây nhà trên nền đá (Mt 7,24). Khôn ngoan đề phòng dầu đầy bình để được vào dự tiệc cưới (Mt 25,4). Chúa Giêsu khuyên bảo chúng ta:“Và Ta bảo các ngươi: Hãy dùng tiền của bất lương mà gây thân nghĩa, ngõ hầu khi tiền của táng tận, người ta đón rước các ngươi vào nhà tạm đời đời” (Lc 16,9).

Cuối cùng, cuộc đời chúng ta phải là một cái gì, phải được cái gì?

Mục đích cuối cùng là phải đạt đƣợc Thiên Chúa. Lời Chúa đòi hỏi: “Ai xưng nhận Ta trước mặt người đời, thì Ta cũng xưng nhận nó trước mặt Cha Ta, Đấng ngự trên Trời. Còn ai chối Ta trước mặt người đời, thì Ta cũng sẽ chối nó trước mặt Cha Ta, Đấng ngự trên Trời” (Mt 10,32-33).
 
Lm. Giuse Phạm Văn Chỉnh
ĐCV Bùi Chu, Ra Khơi số 15, tháng 11/2016, tr. 59-65.
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập314
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm292
  • Hôm nay39,395
  • Tháng hiện tại626,277
  • Tổng lượt truy cập70,654,034
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây