Níu kéo một bóng hình!

Thứ sáu - 06/11/2015 21:15  2023
Quả kiếp người thật ngắn ngủi như hoa “sớm nở chiều tàn”. Sự chết ngang qua cuộc đời giống như kẻ trộm, chẳng biết khi nào sẽ xảy ra. Sự chết làm thay đổi tất cả suy nghĩ và hành động nơi con người, hôm nay có thể đang cười nói vui vẻ nhưng ngày mai chúng ta đã trở thành một thây ma vô hồn. Thân xác con người có vẻ giống như “cái bóng” của linh hồn, do vậy khi linh hồn rời đi nơi khác thì “cái bóng” đó ắt sẽ phải tiêu tan. Cái bóng đó dựa theo cái hồn để mà tồn tại. Platon – một triết gia lỗi lạc trong làng triết học cổ đại Hy-lạp đã ví “cái bóng thân xác” như chiếc hang giam hãm linh hồn chúng ta trong đó[1]!

Biết là thế nhưng mấy ai không muốn níu kéo “cái bóng” thân thương này chứ! Tôi cũng như bạn đều muốn sống “trường thọ” trên cõi đời này. Tất cả chúng ta đều là những con người tham sống sợ chết mà, đều muốn níu kéo “cái bóng” này mãi. Sự thường mấy ai trong chúng ta lại đi khóc thương một “cái bóng” bao giờ, chúng ta có khóc và thương tiếc thì phải khóc cái làm nên cái bóng đó mới phải chứ! Nhưng thật trớ trêu thay, chính chúng ta lại đang khóc thương và muốn níu giữ “cái bóng”đáng thương này. Bạn và tôi thử tưởng tượng mình đang ngồi quay lưng lại với ánh mặt trời và dùng nhiều loại bút với nhiều màu sắc tô điểm cho cái bóng hình của mình trên nền đất. Chúng ta cứ mải miết tô vẽ và trang trí, nhưng chợt cái bóng bị thay đổi do cái làm nên cái bóng di chuyển, tức khắc “cái bóng đó” không còn tồn tại trên nền đất nữa! Con người cứ mải mê đuổi bắt bóng mình trên mặt đất, và cứ đuổi mãi đến hết cả cuộc đời!

Dường như con người chỉ mải mê “tô vẽ” cho thân xác mà quên làm đẹp cho tâm hồn. Nhân loại cứ mải mê điểm trang cho “cái bóng thân xác hữu hình”, mà quên chăm sóc cho tâm hồn bất tử vô hình. Thân xác hữu hình nhưng chỉ là tùy phụ, còn linh hồn bất tử mới là bản thể của con người[2]. Con người cứ bị ảo tưởng nơi thân xác chóng hư nát này, nên cái chết thân xác đã làm cho con người ngỡ ngàng và tiếc nuối! Dường như đảo điên trước số phận, con người không ngừng tìm kiếm những sự an toàn giả tạo cho thân xác mình. Nhân loại có vẻ như đang đi ngược lại với Lời Chúa dạy trong sách Khôn Ngoan “Người công chính dù phải chết non, cũng vẫn được an nghỉ. Vì tuổi thọ đáng kính không phải bởi sống lâu, cũng không do số tuổi. Đối với con người, sự khôn ngoan còn quí hơn tóc bạc, sống không tì ố đã là sống thọ,….”. Nét đẹp tâm hồn làm nên “người công chính” – người sống thọ. Như vậy, người sống thọ là người biết “điểm tô” tâm hồn mình nên “công chính” trước nhan Đấng Chí Tôn.

Tôi đã chứng kiến nhiều người chết: Có người chết trẻ, có người chết mãi khi về già, và cho dù có chết trẻ hay chết già đi chăng nữa thì đều gọi là “chết” – do cái làm nên cái bóng đã di rời đi nơi khác. Bạn và tôi đã bao lần khóc thương cho cái chết của người thân yêu khi rời bỏ cõi đời này. Chúng ta đã bao lần muốn níu giữ lại cái bóng thân thương và gần gũi đó dẫu cho đó chỉ là cái vỏ bao bọc tâm hồn, mà quên khóc thương cái ẩn giấu trong sâu thẳm cõi lòng là tâm hồn vô hình. Dường như những cái bóng đã đan xen lại với nhau thành một dây xích dài trên cõi trần này, mà chiếc mắt xích nào cũng quan trọng, vì thiếu một mắt dây xích sẽ bị tách rời! Những cái an toàn giả tạo này có vẻ như đang kéo ghì con người lại, muốn giữ lại cho mình những phù phiếm dễ đổi thay. Con người đang cố níu kéo một bóng hình!

Kiếp người sống trên cõi đời này có vẻ giống như trận đấu bóng, mà Thiên Chúa chính là Huấn luyện viên, còn mỗi người chúng ta là những cầu thủ trên sân bóng. Ngài huấn luyện viên có thể “rút” mỗi người chúng ta ra khỏi sân bóng bất cứ lúc nào Ngài muốn, bởi vì Ngài chính là người đã “nắn” con người từ bụi đất – tạp chất hư vô và chóng qua, rồi thổi sinh khí – cái tinh ròng và tồn tại mãi mãi vào thân xác bụi đất kia (x. St 1). Cái từ bụi đất ắt sẽ trở về với hư vô, còn cái phát sinh từ chính Thiên Chúa sẽ trở về với Ngài và tồn tại vĩnh cửu. “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Rọi suốt trăm năm một cõi đi về…..!) lời bài hát Một Cõi Đi Về của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn vang vọng trong tôi như những lời mách bảo cần phải tô điểm và làm đẹp cho cái làm nên cái bóng là linh hồn bất tử. Qua đó, linh hồn sẽ tỏ lộ vẻ đẹp nơi thân xác!

Cho dù “cái bóng” là thân xác hay hư nát nhưng chúng ta không thể thiếu chúng được, thân xác và linh hồn làm nên con người hoàn thiện. Cái bóng và cái làm nên cái bóng phải luôn song hành cùng nhau, vì nhờ đó tâm hồn sẽ tỏ lộ ra nơi thân xác, và chính tâm hồn làm đẹp thân xác để hoàn thiện con người. Ắt hẳn thân xác không thể thiếu linh hồn được, vì thiếu linh hồn con người sẽ trở thành thây ma vô hồn; và linh hồn cũng không thể thiếu thân xác, vì thiếu thân xác con người chỉ là hồn thiêng vô hình. Vì là những sinh vật biết suy tư – mang hình ảnh Thiên Chúa nơi mình, nên điều mà tôi cũng như bạn đang suy tư về sự chết là muốn tìm ra giữa thân xác chóng hư nát và linh hồn bất tử đâu mới là cái chúng ta cần tô vẽ và chăm sóc để làm đẹp cho cùng đích của cuộc đời?

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa rằng chúng ta hạ thấp giá trị thân xác và cuộc sống dương gian. Đức tin Ki-tô giáo không cho phép ta làm điều đó, nhưng tôi và bạn nên biết “dùng” thân xác để tô vẽ cho tâm hồn bất tử, nhờ đó linh hồn sẽ làm cho thân xác tươi đẹp và rực rỡ nơi trần gian cũng như lập công phúc để giành lấy Nước Trời mai hậu.
Nhân dịp tháng cầu cho các linh hồn!  

[1] X. Dụ ngôn về cái Hang – nằm trong tập 7 của ‘The Republic-Cộng hòa’ tác phẩm nổi tiếng nhất của Platon.
[2] X. phần Bản thể và Tùy thể - triết học Aristote

Tác giả: Giuse Đỗ QC

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập272
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm252
  • Hôm nay54,952
  • Tháng hiện tại641,834
  • Tổng lượt truy cập70,669,591
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây