Một chút suy tư về truyền giáo

Thứ sáu - 21/08/2015 13:17  3722
“Sinh ra và lớn lên bên lũy tre làng, tôi không thể quên những khoảnh khắc tung tăng vui đùa với chúng bạn. Nó thật đẹp và nên thơ! Tuy nhiên, tôi lại không khỏi chạnh lòng trước những câu bông đùa của các bạn lương giáo: “đi đạo lấy gạo mà ăn” có vẻ khinh thường lắm. Chúng tôi cũng đối lại với những lời cũng không vừa. Hơn nữa, một số bạn còn ra nghĩa địa chà đạp lên mồ mả, và lấy đồ cúng ăn hay vất bỏ. Biết bao nhiêu chuyện bên lương-bên đạo, thật đáng buồn vì có sự phân biệt lương giáo và đố kị quá lớn như vậy. Buồn hơn, khi các bạn trẻ của xứ họ cũng đánh đuổi, đáp gạch, mắng chửi nhau thậm tệ nếu đi tham dự thánh lễ ở nhà thờ của nhau, làm sao có thể gây thiện cảm với những người khác đạo được?
 
Ngày nay, tương quan lương giáo đã hài hòa, thân thiện hơn, nhưng lại xuất hiện trong tôi những ký ức về các gia đình Công giáo đổ vỡ, vợ chồng bất trung, con cái bất hòa bất nghĩa, bè bạn bất tín bất tin: Biết bao vụ người Công giáo cũng chém giết, hành hung nhau một cách thương tâm; bao cha mẹ rên siết trong khổ đau và nước mắt bởi những đứa con sa đà vào các tệ nạn xã hội, phải tù tội hay phải chết một cách thương tâm.
 
Dầu vậy người lương dân vẫn khen ngợi bà con Công giáo rằng: Họ thật đoàn kết, biết làm việc chung, nhất mực vâng lời cha xứ và hiệp thông với nhau, ít có vụ ly dị và các tệ nạn xã hội... Một số có thiện cảm hơn khi con mình lấy được con nhà có đạo, vì sự chung thủy được bảo đảm hơn rất nhiều. Một số không ít cha mẹ lương giáo vẫn ác cảm bởi nghĩ rằng: cho con theo đạo và lấy người có đạo là phạm tội bất hiếu với cha mẹ, bất kính với tổ tiên... Tiếc thay, chính những đương sự đang tìm hiểu để yêu nhau, hay chính bên gia đình Công giáo đã không đủ kiến thức giáo lý, cập nhật những giáo huấn về việc thờ cúng ông bà tổ tiên để nói cho họ hiểu về những vấn nạn này...
 
Là đồng đạo, chúng ta không phủ nhận những thiện cảm mà bà con lương dân dành cho. Tuy nhiên, đó chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài, không thể lay gọi những tâm hồn con người thời đại trở về cùng Chúa. Khi việc cử hành phụng vụ chỉ là những nghi lễ thuần túy bên ngoài, các sinh hoạt Công giáo vẫn chỉ dừng lại theo kiểu lễ hội, rước sách linh đình, không thể truyền tải cái sâu kín mầu nhiệm “Đạo Yêu Thương” thì khuôn mặt Thiên Chúa vẫn chỉ ở nơi nào đó thật xa vời, ở đằng kia mỗi người. Ngài vẫn chỉ có thể đứng đó dõi theo bước chân ta hoang đàng đi về muôn lối, vẫn chỉ đứng ở ngoài mà gõ cửa trái tim ta....
 
Gợi lại như thế không chỉ là để suy nghĩ viển vông, để nhớ về một thời đã xa, nhưng người viết muốn nghĩ về Truyền Giáo ngày nay trong Năm Phúc Âm Hóa giáo xứ và cộng đoàn thánh hiến. "Nỗ lực rao giảng Tin Mừng cho muôn dân" (TG 1) vẫn luôn là mối bận tâm hàng đầu của Giáo Hội: "Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1Cr 9,16).
 
Đến đây, khi trầm tư một chút để chiêm ngắm Đức Ki-tô-mẫu gương tuyệt vời về truyền giáo, thì câu nói của Silisius cứ tra vấn lay gọi tôi đi vào: “Chúa Giê-su sinh ra tại Belem sẽ được gì cho tôi, nếu người không sinh ra trong tôi, không lớn lên trong tôi và không triển nở trong tôi”. 
Từ đó, người viết xin nêu lên một vài gợi ý góp phần nhỏ bé của mình trong việc truyền giáo:
           
Gặp gỡ và kinh nghiệm về Thiên Chúa, Đấng hằng chờ đợi ta mở cửa tâm hồn: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta (Kh 3,20). Như vậy, điều quan trọng hơn hết là kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa, chứ không phải chỉ nghe nói về Ngài, chúng ta chỉ có thể loan báo Đấng mình đã thấy, đã nghe và chạm đến (x.1Ga 1,1-3)
           
Hội nhập Tin mừng vào văn hóa,  như Đức Phao-lô VI đã mời gọi: “Đức Kitô đã hóa nên đương thời với một số người và đã dùng ngôn ngữ của họ mà tự diễn giải chính mình. Trung thành với Ngài nghĩa là làm sao để Ngài vẫn mãi là người đương thời với chúng ta”.
           
Đến với con chiên lạc nhà Itsrael (Mt 10,7). Lời mời gọi của Đức Giê-su thúc đẩy ta hãy đến với những người lương dân bằng cả trái tim để gặp gỡ, sẻ chia với những người cùng khổ, bất hạnh: cho họ một ly nước lã vì Danh Đức Ki-tô, hay đơn giản chỉ là thăm viếng những khi hiếu hỷ gia đình và các dịp khác khi có thể.... “Như Chúa Giêsu bên giếng nước Gia-cóp, Giáo Hội cũng cảm thấy phải ngồi cạnh những người nam nữ thời nay, để làm cho Chúa hiện diện trong cuộc sống của họ, nhờ đó họ có thể gặp Chúa, vì chỉ mình Ngài mới là nước ban sự sống vĩnh cửu đích thực” (Sứ điệp THĐGMTG. Tháng 12/ 2012).

Tác giả: Phạm Quang

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập259
  • Máy chủ tìm kiếm52
  • Khách viếng thăm207
  • Hôm nay14,520
  • Tháng hiện tại842,297
  • Tổng lượt truy cập69,902,171
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây