Yếu tính TM và chìa khoá đời sống kitô hữu (1)

Thứ năm - 18/02/2016 21:42  2198

LÒNG THƯƠNG XÓT, YẾU TÍNH TIN MỪNG VÀ CHÌA KHÓA CHO ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

Dẫn nhập

Với con tim nhạy bén trước nỗi đau khổ của anh chị em mình, đặc biệt nỗi chán chường của các nạn nhân xã hội duy vật chất, ngày 11 tháng 04 năm 2015, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô chính thức công bố Tông sắc Misericordiae Vultus - Dung mạo lòng thương xót. Viết Tông sắc này, vị cha chung của Giáo hội như muốn chia sẻ kinh nghiệm bản thân về lòng xót thương vô biên của Thiên Chúa, từ đó ngài đề nghị một phương thuốc “xoa dịu nỗi đau và chữa trị căn bệnh vô cảm” của nhân loại hôm nay bằng chính nguồn mạch Lòng thương xót của Thiên Chúa.

Để cụ thể, Đức Thánh Cha khởi xướng Năm thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, bắt đầu từ 08 tháng 12 năm 2015 và kết thúc vào lễ Chúa Ki-tô Vua (20 tháng 11 năm 2016). Trong Năm thánh này, ngài mời gọi mọi thành phần Dân Chúa đào sâunếm nghiệm lòng xót thương Thiên Chúa. Thật vậy, “việc tái chiêm ngưỡng mầu nhiệm lòng thương xót này vẫn luôn là điều có giá trị. Mầu nhiệm này chính là nguồn cội của niềm vui, của sự thanh thản và bình an. Mầu nhiệm này cũng chính là điều kiện đối với ơn cứu độ của chúng ta” (Trích số 2 của Tông sắc Dung mạolòng thương xót).

Để góp phần nhỏ vào việc “tái chiêm ngưỡng mầu nhiệm lòng thương xót”, chúng tôi chân thành giới thiệu một phần cuốn sách Lòng thương xót – Yếu tính Tin mừng và Chìa khóa cho đời sống tín hữu của Đức hồng y Wal-ter Kasper [x. Wal-ter Kasper, Mercy. The Essence of the Gospel and the Key to Christian Life, New York/ Mahwal: Paulist Press, 2014]. Chính Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhận định rằng: “Cuốn sách này đã đem lại cho tôi biết bao điều thiện hảo”. Những dòng chữ mà quý độc giả sắp đọc, ấy là phần suy tư sâu lắng của Đức hồng y Kasper về Lòng thương xót của Thiên Chúa trong Thánh Kinh (trích từ trang 41 tới 82 của cuốn sách). Cụ thể, ngài sẽ triển khai chủ đề này thành hai phần chính:

Phần I: Lòng thương xót của Thiên Chúa trong Cựu Ước.
Phần II: Lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Tân Ước.

Sau đây là tư tưởng của chính Đức Hồng y, chúng tôi chỉ điều chỉnh một chút tựa đề để cho độc giả dễ tiếp cận bản văn mà thôi [Phần mở đầu và phần kết là bản văn của dịch giả].


PHẦN I

LÒNG THƯƠNG XÓT TRONG CỰU ƯỚC

I. Từ ngữ về lòng thương xót trong Thánh Kinh

Sứ điệp của Thánh Kinh về lòng thương xót có thể gặp thấy trong phần lớn truyền thống nhân loại về lòng nhân ái. Tuy nhiên, sẽ sai lầm khi nghĩ rằng Ki-tô giáo, cùng với Thánh Kinh, chỉ đơn thuần họa lại một chủ trương phổ biến nào đó về lòng thương cảm con người do các triết gia khám phá. Cũng sai lầm coi lòng thương xót chỉ đơn giản là một truyền thống chung chung của nhân loại mà các học giả tôn giáo đã tổng hợp từ các tôn giáo khác nhau. Thực vậy, Ki-tô giáo không hề là «một cảm thức tôn giáo theo kiểu Platon[1]» như Nietzsche đã chủ trương. Dù Ki-tô giáo có đón nhận khá nhiều giá trị truyền thống nhân loại, nhưng luôn mang tinh thần phê bình và làm cho các giá trị ấy trở thành cụ thể hơn và sâu xa hơn. Điều này trở thành rõ ràng hơn khi ta thấy sứ điệp Thánh Kinh không chỉ đề cập tới lòng thương cảm [Mitleid], mà còn đề cập tới Lòng thương xót [Barmherzigkeit] nữa. Tuy có tất cả những điểm chung về mặt triết học cũng như tôn giáo, khái niệm về lòng thương xót của Thánh Kinh luôn bao hàm một ý nghĩa độc đáo mà bây giờ chúng ta sẽ đề cập tới.

Có một ghi nhận khá phổ biến rằng Thiên Chúa nơi Cựu Ước là một Đấng báo thù và giận dỗi, còn Thiên Chúa nơi Tân Ước là một Đấng giầu ân sủng và đầy lòng xót thương. Thực tế cho thấy, có một số bản văn nơi Cựu Ước như thể hậu thuẫn cho lối suy nghĩ trên. Chẳng hạn, một số bản văn Cựu Ước đã đề cập tới việc, theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, người ta phải giết chóc và xua trừ dân ngoại khỏi tất cả các thành thị nơi có dân riêng ở (Đnl 7,21-24; 9,3; Gs 6,21; 8,1-29; 1 Sm 15). Hay một số Thánh vịnh nguyền rủa cũng làm ta nghĩ đến những điều tàn bạo trên (nhất là các Tv 58; 83; 109)[2]. Dù sao thì quan niệm này không hoàn toàn đúng trong tiến trình hiểu biết tiệm tiến về Thiên Chúa, một sự hiểu biết luôn năng động nơi Cựu Ước. Quan điểm ấy cũng không hoàn toàn đúng, bởi vì Cựu Ước không ngừng tiến triển hướng về Tân Ước. Và vượt lên trên tất cả, hai Giao ước đều làm chứng về cùng một Thiên Chúa.

Chân lý này sẽ được thấy rõ ngay từ những quan sát suy tư đầu tiên trong việc Cựu Ước và Tân Ước sử dụng từ ngữ. Đối với Cựu Ước, người ta đặc biệt dùng hạn từ rachamim để diễn tả Lòng thương cảm, và có khi cũng để nói về Lòng thương xót. Thực ra, rachamim phát xuất từ gốc rechem, có nghĩa là khối lòng; từ này cũng chỉ về một cơ quan nội tạng của con người. Cả Cựu Ước và Tân Ước đều coi nội tạng con người là nơi chứa đựng những cảm xúc sâu lắng. Trong Tân Ước, nội tạng hay ruột rà (spla,gcna) diễn tả lòng xót thương đến từ con tim[3]. Bên cạnh đó, từ oiktirmos (oivktirkmo,j) diễn tả cảm xúc đớn đau, thái độ đồng cảm và sẵn sàng giúp đỡ[4]. Cuối cùng, nơi Tân Ước, hạn từ (evleoj) đóng vai trò quan trọng: lúc đầu, hạn từ này diễn tả cảm xúc lan truyền, nhưng về sau thì từ eleos này thực sự được dùng để chuyển dịch ý nghĩa của hai từ gốc Do-thái hesed hen. Chính hai từ này trở thành yếu tố quyết định để diễn tả ý nghĩa Lòng thương xót.

Hiểu về từ ngữ như thế, bây giờ chúng ta tiếp tục thắc mắc: làm thế nào để trình bày một cách đúng đắn về Lòng thương xót? Bởi vì, nơi Cựu Ước, điều khó là làm thế nào để diễn tả cùng lúc hai khái niệm hesed hen. Thực vậy, hai khái niệm này không hề là đứng cạnh nhau hay đối nghịch nhau, nhưng đúng hơn Lòng thương xót của Thiên Chúa nhằm phục vụ và thi hành công lý. Lòng xót thương đúng nghĩa chính là công lý của một mình Thiên Chúa. Thêm vào nữa, chúng ta cần nêu ra những khía cạnh khác nữa của Lòng thương xót. Và ta chỉ có thể hiểu Lòng xót thương khi lưu tâm tới khái niệm về trái tim (leb, lebab, kardi,a) trong Kinh Thánh.

Trong Kinh Thánh, trái tim không chỉ đơn giản là một bộ phận quan trọng cho sự sống; nhưng trên bình diện nhân loại học, nó là chính tâm điểm sâu xa của nhân vị con người, là nơi trú ngụ những tình cảm cũng như khả năng phán đoán. Thánh Kinh đã dành khá nhiều chỗ để mô tả thế giới tình cảm và cái nhìn của con người. Qua đó theo nghĩa bóng, Thánh Kinh muốn diễn tả cái nhìn của Thiên Chúa. Chẳng hạn, các Thánh vịnh than vãn, lời than thở của Giê-rê-mi-a, hay tiếng than phiền đau đớn của Đa-vít trước cái chết của Áb-sa-lom, con ông (2Sm 19). Hoặc, chính Chúa Giê-su đã nóng giận buồn phiền đối với những tấm lòng chai đá (Mc 3,5). Nhưng Ngài lại đầy lòng trắc ẩn, thương xót đối với dân chúng (Mc 6,34) và đối với bà góa thành Na-im trước cái chết của đứa con trai duy nhất (Lc 7,13). Hoặc khi đối diện với cái chết của người bạn La-da-rô, Chúa Giê-su đã thổn thức rơi lệ (Ga 11,38). Như thế, trong Thánh Kinh, lòng trắc ẩn không hề là yếu nhược, hay ủy mị chẳng có giá trị gì đối với một anh hùng mạnh mẽ. Trái lại, theo Thánh Kinh, những con người đích thực thì luôn bộc lộ những cảm xúc, nỗi buồn niềm vui, cũng như đau khổ của họ. Họ cũng than phiền với Thiên Chúa và không hề xấu hổ để những giọt lệ trào dâng.

Trên bình diện thần học, Thánh Kinh sẽ tiến xa hơn một bước nữa khi đề cập tới trái tim Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã chọn lựa con người theo như khối lòng mong ước của Ngài (1Sm 13,14; Gr 3,15; Cv 13,22). Thánh Kinh cũng chứng thực rằng trái tim Thiên Chúa quặn đau trước tội lỗi của nhân loại (St 6,6); hay Thiên Chúa hướng dẫn dân Ngài bằng trái tim chính trực (Tv 78,72)[5]. Có lẽ hiếm có tác giả nào diễn tả con tim Thiên Chúa hay bằng ngôn sứ Hô-sê.  Thực thế, trong một tình cảnh bi đát của dân không thể nói hết được, Hô-sê mô tả rằng trái tim Thiên Chúa thổn thức, ruột gan Ngài bồi hồi (Hs 11,8). Như vậy, tình yêu đích thực đã thôi thúc Thiên Chúa say mê con người[6].

Tiếp theo, thành ngữ quan trọng không thể thiếu để hiểu Lòng xót thươnghesed. Thành ngữ này có nghĩa là tình yêu nhưng không, lòng nhân ái, ân huệ và cũng là ân sủng thánh thiêng cùng Lòng thương xót[7]. Vượt lên trên một cảm xúc đơn chiếc hay một nỗi đau mất mát của con người, hesed có nghĩa là tự do của Thiên Chúa và lòng quan tâm chăm sóc của Ngài hướng về con người. Thành ngữ này gắn liền với ý niệm về một mối tương giao đặc biệt, mà theo đó sự gắn kết không chỉ là một hành động đơn độc, mà còn phải dấn mình đi tới một thái độ sống nữa[8]. Đối với Thiên Chúa, khái niệm hesed diễn tả chính quà tặng ân sủng của Ngài. Quà tặng này vượt quá mọi điều mong ước và hoàn toàn miễn phí, nó vượt lên trên mọi kinh nghiệm của mối tương giao trung thành bình thường. Quà tặng này cũng vượt xa tất cả mọi niềm hy vọng và mọi thao thức của mọi hạng người. Ở đây, hình ảnh về Thiên Chúa toàn năng và cực thánh được nổi bật: Ngài để mình liên lụy với điều kiện sống nặng nề vất vả của con người; Ngài để mắt trông tới nỗi khổ của những người nghèo cùng khốn; Ngài lắng nghe tiếng họ kêu than; Ngài nghiêng mình xuống trên nỗi cơ hàn của họ; Ngài nhìn tới những nhu cầu của con người bất chấp mọi thất tín của họ; dù con người muôn đời đáng bị trừng phạt, Ngài vẫn để mình liên lụy với họ, tha thứ cho họ và tặng ban cho họ một cơ may mới. Tất cả những điều này vượt xa mọi kinh nghiệm thông thường và mọi ước mong của con người; nó cũng vượt lên trên mọi tưởng tượng và mọi suy nghĩ. Như thế, sứ điệp hesed của Thiên Chúa biểu lộ phần nào về chính huyền nhiệm của Ngài: cùng lúc, hesed gần gũi tư tưởng con người và là một mặc khải. Chúng ta chỉ có được những hiểu biết về huyền nhiệm này nhờ chính mặc khải của Thiên Chúa.
 

[1] Friedrich Nietzsche, Beyond Good and Evil, trans. Helen Zimmern (London : Allen & Unwit), 3.
[2] E. Zenger, ‘Fluchpsalmen’, Lexikon für Theologie und Kirche, Freiburg: Herder, 1993-2001, ch. II, n. 62.
[3] Helmut Köster, Theologisches Wörterbuch zum Neuen Testament,  ed. Gerhard Kittell et all., 1949-79, s. 7.553-57.
[4] Rudolf Bultmann, Theologisches Wörterbuch zum Neuen Testament, 5: 162t.
[5] F. Baumgärtel and J. Behm, Theologisches Wörterbuch zum Neuen Testament, 3:609-16.
[6] Abraham Joshua Heschel, The Prophets, New York, 1975.
[7] Rudolf Bultmann, Theologisches Wörterbuch zum Neuen Testament, 2: 474-82.
[8] Walther Zimmerli, Theologisches Wörterbuch zum Neuen Testament, 9:336-77.

Tác giả: Vincent Mai Kim chuyển ngữ

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập342
  • Máy chủ tìm kiếm56
  • Khách viếng thăm286
  • Hôm nay40,466
  • Tháng hiện tại701,059
  • Tổng lượt truy cập70,728,816
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây