Ánh mắt xót thương

Thứ sáu - 15/01/2016 14:32  2781
“Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”! Ai ai cũng hiểu như vậy, và quả thật là như thế! Qua ánh mắt, chúng ta có thể hiểu được niềm vui hay nỗi buồn. Ánh mắt biểu cảm tâm lý thay đổi nơi con người, nên mọi buồn vui nơi mỗi người thường biểu hiện nơi đôi mắt. Chính Thiên Chúa đã biểu lộ Lòng Thương Xót của Ngài qua ánh mắt yêu thương để qua đó con người biết yêu thương nhau nhờ Lòng Xót Thương của Ngài dành cho nhân loại. Thuật ngữ La-tinh “misericordia” – lòng thương xót, nghĩa là có một trái tim (cor) gần gũi với những người đau khổ (miseri)[1]. Giờ đây bạn và tôi hãy cùng lần theo hành trình lịch sử cứu độ để chiêm ngắm ánh mắt cảm thông yêu thương tha thứ của Thiên Chúa.

Ánh mắt yêu thương khi Thiên Chúa nhìn A-đam E-và bị ma quỷ cám dỗ mà sa ngã khác với ánh mắt kiêu ngạo đắc thắng của Sa-tan. Thiên Chúa nhìn nguyên tổ với ánh mắt từ tâm, ánh mắt xót thương, quảng đại tha thứ đã chiến thắng ánh mắt đắc thắng do lòng xảo quyệt của ma quỷ. Thiên Chúa không dùng sức mạnh để chinh phục con người, nhưng Ngài dùng Lòng Thương Xót để cuốn hút nhân loại. Có thể nói sự “yếu đuối” nơi Thiên Chúa chính là sức mạnh của Ngài, vì Thiên Chúa không thể không yêu thương con người bởi yếu tính của Ngài chính là Tình Yêu. Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng bằng những đường cong (x. St 27) trên hành trình tìm kiếm và yêu thương nhân loại. Sau khi nguyên tổ phạm tội mà xa rời Thiên Chúa, vì tình yêu thương dành cho nhân loại Ngài không thể đứng ngoài cuộc mà luôn dõi theo dấu chân A-đam E-và để yêu thương nâng đỡ. Vì đã bị bóng tối của ma quỷ chế ngự nên lòng trí nguyên tổ cảm thấy xấu hổ và tìm cách lẩn tránh Dung nhan Đức Chúa “Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh nhan?” (Tv 139, 7). Bàn tay Thiên Chúa luôn bao bọc con người cho dù họ có khước từ đi chăng nữa “Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước; bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con” (Tv 139, 5).

Để có thể gần gũi mà yêu thương con người, Thiên Chúa đã “kết ước và kết bạn” cùng họ (x. St 17; Gc 2, 23). Ngài đã đặt thụ tạo thấp hèn lên làm bạn mình qua việc gọi Abraham là người bạn tâm giao hầu con người dễ dàng cởi mở mà thổ lộ những nguyện ước họ đang thao thức. Ánh mắt yêu thương nơi Thiên Chúa không còn trừu tượng xa vời, nhưng Ngài đã ban Ánh mắt đó cho nhân loại qua Chúa Giê-su – Người Con Duy Nhất của Ngài. Chúa Giê-su đã đem Cặp mắt yêu thương của Chúa Cha xuống trần gian hòa với cặp mắt con người để Ngài có thể cảm thông và thương yêu, để Thiên Chúa nhìn nhân loại bằng chính cặp mắt của con người. Hình ảnh logo Lòng Thương Xót đã diễn tả điều đó khi Thiên Chúa và con người cùng chung một con mắt: Thiên Chúa nhìn nhân loại bằng cặp mắt của họ để con người nhìn anh em đồng loại bằng Cặp mắt của Thiên Chúa. Dung mạo Thiên Chúa áp sát mặt con người để đồng cảm, sẻ chia với thân phận kiếp người. Đồng thời, hình logo chỉ có ba con mắt nói lên tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thiên Chúa đã vác con người trên vai với bàn tay mang thương tích do chính con người gây ra. Ngài đã phải chùng người xuống để mang sức nặng con người trên vai.

Ánh mắt Chúa nhìn người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình (x. Ga 7, 53-8, 11) là Ánh mắt xót thương và cảm thông khác với ánh mắt của những người Pharisiêu – soi mói, vị luật thiếu yêu thương. Chúa Giê-su không trách nhóm người thiếu lòng xót thương cách trực tiếp, nhưng Ngài để lương tâm họ tự lên án “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá ném trước đi” (Ga 8, 7). Cuối cùng chỉ còn lại “Lòng Thương Xót và người được xót thương” (T. Augustino). Ánh mắt của Ngài không những chữa lành vết thương thể lý nhưng còn chữa lành chính tâm hồn con người; Ngài đã dành Ánh mắt đó để chữa lành Mat-thêu và Gia-kêu khỏi vòng nô lệ tiền bạc. Bất cứ ai được gặp Ánh mắt Ngài thì đều được an ủi và bình an cõi lòng, con người sẽ cảm thấy an toàn vì chính Ngài là Đấng ban phát bình an. Ánh mắt đó đã dõi nhìn Phê-rô khi chối Thầy mình, không phải để lên án nhưng để yêu thương và tha thứ. Ánh mắt đó đã quay sang hướng nhìn người trộm lành (x. Lc 23, 39-43) biết mở lòng ra đón nhận Lòng Thương Xót.

Dường như đó là những “khuyết điểm” (‘10 khuyết điểm của Chúa Giê-su’ Đường Hy Vọng – ĐHY Fx. Nguyễn Văn Thuận) nơi Thiên Chúa chăng? Khuyết điểm của Thiên Chúa là không thể không yêu thương con người, nên vì tình yêu Ngài đã quên tất cả mọi lỗi lầm nơi con người. Ngài quên tất cả những lỗi lầm mà người con hoang đàng (x.‘Dụ ngôn người cha nhân hậu’ Lc 15, 1-32) đã trót phạm; Ngài quên tất cả tội lỗi của cô gái ngoại tình; Ngài quên tội phản Thầy của Phê-rô; và trên thập giá Ngài đã quên tất cả tội lỗi của kẻ suốt đời ăn trộm mà cho anh làm thánh “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng” (Lc 23, 43). Cả đời anh là tên ăn trộm và rồi anh trở thành thánh “ăn trộm” vì anh đã ăn trộm cả Nước trời. Tình yêu đã bao phủ tất cả mọi khiếm khuyết nơi con người vì “Thiên Chúa chỉ yêu thương chứ không hề kết án, và đó chính là sự mềm yếu trong tình yêu của Thiên Chúa và là sự chiến thắng của chúng ta,….Thiên Chúa đầy uy quyền và sức mạnh, Ngài có thể làm được mọi thứ, nhưng trừ một điều mà Ngài không làm được là: Tách Ngài ra khỏi chúng ta!”[2]

Ánh mắt của Thiên Chúa nhìn con người là thế, còn ánh mắt con người nhìn Đấng tác tạo nên mình và đồng loại thì sao? Sau khi bản tính nhân loại bị tổn thương, con người đánh mất đi sự trong sáng nguyên tuyền mà Thiên Chúa đã ban tặng; con người tìm cách đổ lỗi cho nhau (x. Sa ngã - St 3, 12), ganh tị và tìm cách tiêu diệt nhau (x. Ca-in giết A-ben - St 4, 1-8). Tội lỗi con người tràn lan khắp mặt đất do ánh mắt thiếu yêu thương dành cho nhau đã làm cho trái đất bị nhơ nhớp, nên Thiên Chúa đã phải tẩy rửa bằng Đại Hồng Thủy (x. St 6) hầu ánh mắt con người được trong sáng và tinh tuyền hơn. Thế rồi chứng nào tật nấy, con người vẫn đi vào vết xe đổ của tổ tiên, nhưng Thiên Chúa không thể bỏ mặc con người mà Ngài dấn mình vào trong chính cuộc đời họ qua việc ban Con Một để ở giữa đồng cảm yêu thương và hiến mình vì bạn hữu. Thiên Chúa không coi con người như tôi tớ nhưng là bạn hữu (x. Ga 5, 15) để Ngài dễ dàng đồng hóa và ở với con người qua Bí tích Thánh Thể.

Ngài đến trần gian để làm ơn cho nhân loại nhưng con người đâu đón nhận, họ nhìn cha mẹ Ngài khi phải tìm nơi trọ với ánh mắt khinh thường vì gia cảnh nghèo khó “Ngài đã đến nơi nhà của Ngài, mà người nhà đã không tiếp nhận Ngài” (Ga 1, 11). Con người coi thường nguồn gốc xuất xứ của Ngài vì cho rằng “Từ Na-za-rét, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1, 46), hơn nữa Chúa Giê-su chỉ là anh thanh niên con bác thợ mộc Giu-se và bà Maria nghèo kiếp xác! Họ không thể nhìn ra Thiên Chúa ẩn mình nơi sự nghèo hèn và khiêm hạ, vì trong ánh mắt họ thiếu lòng xót thương. Con người đã nhìn đồng loại mình với ánh mắt kết án, ánh mắt của người đứng trên mà xét xử, coi nhau là những kẻ tội lỗi thấp hèn (x. Đức Giê-su được xức dầu thơm tại Bê-ta-ni-a - Mt 26, 6-13; Mc 14, 3-9; Dụ ngôn người Pha-ri-siêu và người thu thuế - Lc 18, 9-14; Ông Da-kêu – Lc 19, 1-10;….). Con người đang hành xử với nhau bằng ánh mắt thiếu yêu thương, có chăng là ánh mắt thương hại (x. Mt 27; Mc 15; Lc 23; Ga 18-19). Philato đã tỏ ra thương hại Đức Giê-su nhưng khi ảnh hưởng đến quyền lợi riêng của mình, ông đã không dám lên tiếng bảo vệ cho Chân lý mà nhắm mắt để tội ác trà đạp lên Sự thật.

Ánh mắt Thiên Chúa nhìn con người là Ánh mắt xót thương chứ không như ánh mắt thương hại của ái đó! Ánh mắt Thiên Chúa nhìn nhân loại là ánh mắt từ tâm tha thứ mọi lỗi lầm chứ không như ánh mắt thiếu lòng thương xót của con người nhìn Thiên Chúa và đồng loại. Tình yêu Ngài bao phủ tất cả mọi khiếm khuyết nơi thế nhân.
 

[1] X. Tiến Dâng, A.A. Tình thương của Ngài cao ngất trời xanh, (Sống Lời Chúa mỗi ngày số 1-Mùa vọng & Giáng sinh- Tòa TGM Tp HCM), tr.88
[2] X. http://gpbuichu.org/news/Suy niệm cầu nguyện/ĐTC Phanxicô – Thiên Chúa chỉ yêu thương chứ không hề kết án.

Tác giả: Giuse Đỗ QC

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập360
  • Máy chủ tìm kiếm82
  • Khách viếng thăm278
  • Hôm nay38,213
  • Tháng hiện tại698,806
  • Tổng lượt truy cập70,726,563
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây