ĐGM Phêrô Maria, món quà quý cho GH Việt Nam

Thứ ba - 22/01/2019 19:57  2404

Trong lễ giỗ lần thứ 31 này của Đức Cha Cố Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, con được Cha Chính trao phó trọng trách giảng lễ hôm nay. Khi ngài qua đời, con mới được 14 tuổi, tuổi đã khôn lớn của một thanh thiếu niên. Nhưng thú thực lúc đó con không hề biết nhiều về Đức Cha Cố Phêrô Maria ngoài việc được chiêm ngắm hình của ngài trong nhà khách của Tòa Giám mục Bùi Chu còn được gọi là Nhà Bông, nơi đó có treo hình các vị chủ chăn của giáo phận từ thời các vị người I-pha -nho cho đến ba Đức Cha người Bùi Chu sau đó là Giuse Phạm Năng Tĩnh, Đaminh Lê Hữu Cung và Giuse Maria Vũ Duy Nhất.

Khi đó, con chỉ biết vọn vẹn rằng ngài là vị giám mục người Việt thứ nhì của giáo phận nhà và ngài đã cùng với đa số giáo dân của Bùi Chu thời đó di cư vào Nam sau hiệp định Genève chia đôi đất nước Việt Nam.

Nhờ các bài viết về ngài, nhờ các lời chứng tại các giáo phận trên khắp đất nước có mối tương quan với ngài, và cả bằng chính bức tâm thư của ngài để lại khi biết mình sắp từ giã cõi đời này, con mới khám phá ra rằng Đức Cha Đức Cha Cố Phêrô Maria là một vị chủ chăn thứ sáu người Việt với tài cao đức rộng. Ngài chính là món quà tặng quý giá mà Thiên Chúa ban cho Giáo hội Việt Nam nói chung và đặc biệt là các giáo phận nơi ngài coi sóc nói riêng.

Đôi dòng về thân thế

Trước hết, con tìm đến lời chứng của giáo phận Đà Nẵng, nơi ngài trong cương vị là chủ chăn tiên khởi ngay từ lúc thành lập giáo phận này cho đến lúc qua đời, có nghĩa là trong suốt 25 năm ròng, thì được biết thân thế của ngài như sau :

ĐC Pet-M« Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đạo đức truyền thống tại giáo xứ Tôn Đạo (Giáo phận Phát Diệm), năm lên 11 tuổi, cậu bé Phêrô đã sẵn sàng nghe lời cha sở Pléneau Kim để “dâng mình cho Chúa” nhập trường Thử Ba Làng (Thanh Hóa) rồi Tiểu chủng viện Phúc Nhạc (Phát Diệm). 6 năm sau, khi chỉ mới 17 tuổi và đang học Trung học, cậu thanh niên Phêrô lại một lần nữa vâng lệnh Bề Trên là ĐGM Marcou Thành, rời Việt Nam sang nước Ý du học tại Trường Truyền Giáo Rôma. 7 năm sau (ngày 23-12-1933), ở tuổi 24, thầy Phêrô can đảm và quyết tâm nhận chức linh mục tại Đại Thánh Đường Thánh Phêrô (Vatican) rồi tiếp tục hoàn tất các học vị tiến sĩ triết học, cử nhân thần học và giáo luật tại Đại học Apollinaire, sau đó (năm 1935) lại qua Pháp theo học văn khoa tại đại học Công giáo Paris. Nhưng chỉ một năm sau, ở tuổi 27, ngài vâng lời Đức Giám mục giáo phận hồi hương để làm giáo sư Đại chủng viện Phát Diệm, dạy chính các bạn đồng song ở quê nhà. Các trách vụ lại tiếp nối được đặt lên vai vị linh mục trẻ trung, năng động và tận tụy với việc huấn giáo tại chính giáo phận bản quán: Phó Giám đốc Đại chủng viện (1944), Chánh án Tòa án Hôn phối giáo phận và thành viên của Hội đồng giáo phận (1946), Cố vấn về luật và các vấn đề xã hội của Đức cha Lê Hữu Từ (1945-1950), Giám đốc Đại chủng viện Phát Diệm (1946). Trong mọi công việc và trách nhiệm được giao phó, vị linh mục trẻ Phêrô đã hết lòng chu toàn với một ý thức vâng lời phục vụ vì lòng yêu Chúa và Giáo hội Chúa » (hết trích).

Giám mục Chính tòa Bùi Chu

Vị linh mục học rộng tài cao ấy được chọn làm Giám mục Bùi Chu. Đây quả là một hồng ân trọng đại đối với giáo phận nhà. Cách đây bốn năm, tức là vào ngày 17/08/2015, dịp giỗ hai năm của Đức Cha Cố Giuse Hoàng Văn Tiệm, khi viết bài « Tri ân các Đức Cố Giám mục Bùi Chu », tác giả có giãi bày như sau : « Có thể nói người đặt nền móng cho tòa nhà Giáo phận theo mô hình đậm chất Việt là vị Giám mục tiên khởi, Đức Cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948). Trong suốt 13 năm coi sóc giáo phận bắt đầu từ năm 1935 cho đến lúc qua đời vào ngày 27/11/1948, với kiến thức uyên bác thuộc giới nhân tài của miền đất Cố Đô Huế, ngài đã làm cho hạt giống đức tin do các đấng tiền nhiệm ngoại quốc gieo vãi càng bén rễ sâu vào mảnh đất Bùi Chu để trổ sinh hoa trái trong môi trường thuần phong mỹ tục mang nét Việt Nam.

Trên nền móng vững chãi ấy, Đức Cha Phêrô Phạm Ngọc Chi (1909-1988) là người xây dựng và tô điểm cho tòa nhà Giáo phận thêm mỹ miều. Với những nén bạc giá trị của kiến thức thu lượm được trong thời gian du học tại Rôma và Paris, Đức Cha Phêrô làm cho chúng sinh lời trong cương vị người quản lý tài ba và trung tín được cất nhắc trông coi Giáo phận bắt đầu từ lúc tấn phong giám mục vào ngày 04/08/1950 cho đến biến cố di cư vào năm 1954, đặc biệt đối với vấn đề nhân sự của Giáo phận » (hết trích). Cách riêng, ngài đã lo lắng để xin Tòa Thánh phê chuẩn cho sự khai sinh Hội dòng nữ Đaminh Bùi Chu và Dòng Trinh Vương với tư cách là Đấng Bản quyền của giáo phận.

Giám mục của thời di cư

Dù vỏn coi sóc giáo phận nhà trong vòng 4 năm trời, di sản của ngài để lại rất đáng trân trọng. Vì thời cuộc chia cắt đất nước mà phải dứt bỏ giáo phận ra đi di cư theo sự vâng phục Tòa Thánh, giáo phận Bùi Chu đã bị mất mát rất lớn. Tuy nhiên, với con mắt đức tin khi nhìn vào biến cố này, chúng ta mới thấy được thánh ý Chúa nhiệm màu : món quà quý giá mà giáo phận nhà nhận được từ Thiên Chúa thì cũng cần được chia sẻ với bao giáo phận khác, để cho Giáo hội Việt Nam được phát triển và trổ sinh hoa trái khắp nơi nơi. Đánh giá về công trạng to lớn này, lời chứng của giáo phận Đà Nẵng đã nêu bật :

« Ngài thực sự đã ghi một dấu ấn rõ ràng trong lịch sử giáo hội Việt Nam, cách riêng với giáo phận Đà Nẵng mà ngài là vị mục tử tiên khởi, với những đóng góp tích cực trong thời gian từ khi khởi đầu thánh vụ giám mục cho đến lúc từ trần. Đó là những giáo xứ toàn tòng Công giáo được gọi là “Bắc di cư” và những ngôi thánh đường đầu tiên tại các vùng đất vắng (Gò Vấp, Hóc Môn… của giáo phận Saigon, những xứ đạo dọc kênh của vùng Cái Sắn, giáo phận Long Xuyên, các xứ đạo nội thành của giáo phận Đà Nẵng…) Đó cũng là các đoàn thể Công giáo tiến hành được tổ chức quy củ từ những năm 1960 trong các giáo phận phía Nam. Đó cũng là Trung Tâm Công Giáo hiện nay, là cơ ngơi mà chính Đức cha Phêrô Maria đã tạo lập cho Giáo hội Việt Nam và là vị giám đốc đầu tiên khi được đặc cử phụ trách Công giáo tiến hành Việt Nam. Riêng tại giáo phận Đà Nẵng, vốn đã được chính Đức cha Phêrô Maria định danh là “Giáo phận của Công đồng” vì được thành lập ngay chính trong thời gian công đồng Vatican II nhóm họp, và được tổ chức theo đường hướng của Công đồng, sự nghiệp của Đức cha Phêrô Maria đã ghi khắc một dấu ấn đặc biệt và vững bền » (hết trích).

Vị Giám mục của khiêm tốn và nhiệt thành

Công trạng là cao dầy như thế, nhưng Đức Cha Phêrô trong di chúc chỉ dám nhận mình là một người tôi tớ mọn hèn. Vì vậy, ngài đặt tất cả nơi Thiên Chúa quyền năng và luôn vâng phục thi hành thánh ý Chúa như khẩu hiệu giám mục được chọn với tâm tình khiêm tốn của vị thánh quan thầy Phêrô dân chài chân quê : « Vâng lời Thầy con xin thả lưới » (Lc 5, 5). Nhiệt huyết này không hề vơi cạn nơi ngài từ lúc xuân xanh tuổi trẻ cho đến già nua tuổi tác và bệnh tật. Ngài làm tất cả vì vinh danh Chúa, ích lợi cho phần rỗi các linh hồn, và cho sự phát triển của Giáo hội như lời trăn trối : « Đối với trọng trách mà tôi đã lãnh nhận, tôi luôn cố gắng làm tròn với hết sức mình. Lòng trung tín và sự tận tình đối với Giáo hội Chúa là quyết tâm của cả đời tôi. Nếu có những điều sơ sót hoặc lỗi lầm, thì chắc chắn không phải là ý muốn của tôi, mà vì sự nhiệt tình nôn nóng muốn lo cho công cuộc xây dựng Giáo hội được sớm thành tựu mà phát sinh » (hết trích).

Kính thưa cộng đoàn,

Với tâm hồn mục tử khiêm tốn và nhiệt huyết, ngài cống hiến 14 năm phục vụ giáo phận quê hương Phát Diệm, 4 năm coi sóc giáo phận Bùi Chu, 3 năm phục vụ di dân thời di cư tại Miền Nam, 6 năm coi sóc giáo phận Quy Nhơn trong vai trò Giám mục tiên khởi và 25 năm coi sóc giáo phận đầu tiên được thành lập Đà Nẵng. Trong ngày giỗ của ngài hôm nay, không chỉ có các giáo phận Bùi Chu, Phát Diệm, Quy Nhơn hay Đà Nẵng tri ân ngài mà còn biết bao nơi khác khắp Việt Nam nữa.

Xin Chúa nhân từ dang tay đón nhận người tôi tớ trung thành suốt cuộc đời chỉ biết phục vụ Giáo hội và tha nhân vào chung hưởng niềm vui với chủ của mình trong nước hằng sống. Được chiêm ngưỡng tôn nhan Chúa đêm này, xin Đức Cha cũng nhớ đến giáo phận Bùi Chu chúng con là phần sản nghiệp mà ngài đã dầy công vun đắp, đến đấng kế vị là Đức Cha Tôma chúng con, đến Hàng Giáo sĩ và Tu sĩ và hết thảy các tín hữu để giáo phận nhà luôn được hiệp nhất và bình an, nhất là để chúng con biết hăng say sống chứng nhân tình yêu Tin mừng.

Bùi Chu, ngày 23 tháng Giêng 2019

Tăng Kỳ Mục

 

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập207
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm176
  • Hôm nay33,350
  • Tháng hiện tại861,127
  • Tổng lượt truy cập69,921,001
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây