CN2 PS: Tại sao Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra?

Thứ sáu - 26/04/2019 21:33  1169

TUẦN II Mùa Phục Sinh

Cv 5,12-16; Kh 1,9-11a.12-13.17-19; Ga 20,19-31

download 7Đọc những chương cuối của các Tin Mừng, chúng ta đều nhận thấy điều hết sức quan trong là Chúa Giêsu đã thực sự sống lại. Ngài đã hiện ra nhiều lần trước mặt các môn đệ với nhiều mục đích khác nhau, nhưng trên hết và căn bản nhất vẫn là củng cố đức tin cho các ông để các ông trở thành những chứng nhân sống động cho Ngài giữa trần gian này. Tin Mừng hôm nay được thánh Gioan ghi lại cũng theo chiều hướng ấy. Ngài hiện ra ban cho các môn đệ ơn bình an, sai các môn đệ ra đi như Chúa Cha đã sai Ngài, trao ban Thánh Thần và quyền tha tội, và kiện toàn đức tin cho Thôma, để nhờ đức tin kiên vững mà các môn đệ chu toàn được sứ mạng.

- Chúa ban cho các ông ơn bình an “bình an cho anh em”. Lời cầu chúc bình an được lặp lại tới ba lần trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Hơn bao giờ hết, lúc này các môn đệ rất cần ơn bình an, bởi vì nỗi kinh hoàng vẫn chưa nguôi ngoai trong tâm trí các ông. Lòng các ông đang còn bề bộn nỗi âu lo và sợ hãi vì cái chết quá đau thương tủi nhục Thầy mới trải qua, vì tâm địa độc ác của các thủ lãnh Do thái, vì thái độ ganh ghét đáng sợ của các thượng tế và kinh sư… Các môn đệ cũng hoang mang vì những tin báo Chúa đã sống lại và hiện ra. Các ông chưa hiểu những gì Chúa Giêsu nói trước về cái chết và sự sống lại của Ngài. Thấy được tâm trạng và nhu cầu cấp thiết của các môn đệ, Chúa Giêsu đã thực hiện lời đã hứa ban bình an cho các môn đệ lúc sinh thời, một thứ bình an sâu thẳm, không ai có thể lấy mất, một thứ bình an vượt trên mọi gian nan thử thách, không ai có thể trao ban ngoài một mình Chúa.

- Chúa sai các môn đệ đi làm công việc của Chúa “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Chúa Cha sai Chúa Giêsu vào trần gian để cho thấy rằng Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Ngài thì không phải luận phạt, nhưng được sống đời đời. Chúa Giêsu thực hiện thánh ý Chúa Cha bằng mang lấy thân phận kiếp người, chấp nhận khổ đau, nói về Chúa Cha và mạc khải chính mình cho nhân loại. Chúa còn tự nguyện chết trên thập giá để làm chứng cho tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa. Trước khi về trời, Chúa trao lại sứ mạng ấy cho các môn đệ. Từ đấy, các ông có bổn phận đón nhận và thực thi sứ mạng ấy giữa lòng thế giới cho đến khi Nước trời được thiết lập, chương trình cứu độ được hoàn tất.

- Chúa Giêsu thổi hơi ban Thánh Thần và trao quyền tha tội cho các môn đệ “Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” Việc trao ban Thánh Thần của Chúa Giêsu và việc lãnh nhận Thánh Thần của các môn đệ tối cần thiết vì nhờ Thánh Thần mà các môn đệ được thánh hóa và kiện toàn trong đức tin, đức cậy và đức mến; nhờ Thánh Thần mà các môn đệ giảng dạy, làm chứng, cử hành việc tha tội, và phân phát ân sủng. Thánh Thần giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu thế nào thì cũng giữ vai trò ấy trong Giáo hội. Nếu Thánh Thần dã làm cho Đức Giêsu nhập thể, xức dầu tấn phong Ngài vào ngày chịu phép rửa, thúc đẩy Ngài vào trong sa mạc, ban sức mạnh giúp Ngài uống cạn chén đắng thập giá, làm cho Ngài trỗi dậy từ cõi chết thế nào thì cũng khai sinh Giáo hội, thánh hóa, ban sức mạnh… cho Giáo hội như vậy. Theo sách Cvtd, cửa nhà các môn đệ được mở tung vào ngày lễ Ngũ Tuần, ai nấy đều sẵn sàng ra đi rao giảng Tin Mừng và làm chứng Chúa đã phục sinh, các môn đệ còn tự hào khi bị bắt bớ, bị tù đày, bị đánh đập vì danh Chúa Giêsu.

- Chúa Giêsu phục sinh hiện ra củng cố và kiện toàn lòng tin cho các môn đệ và cụ thể là lòng tin của Thôma. Lần thứ nhất Chúa hiện ra không có mặt Thôma, nên ông này nói với các môn đệ khác: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt tay vào cạnh xườn Ngài thì tôi không tin.” Chúa Giêsu thật kiên nhẫn nên 8 ngày sau cũng trong căn nhà đóng kín cửa ấy với sự có mặt của Thôma, đã hiện ra và nói cùng Thôma: “Hãy đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy; đưa tay đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Vừa bất ngờ, vừa cảm nhận được tình thương Chúa, Thôma chỉ biết thưa với Chúa Giêsu “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.” Lời của Thôma là lời tuyên xưng đức tin chắc chắn. Thôma không còn nghi ngờ nữa vì Chúa đã thực sự sống lại, hiện ra với ông, tha thứ tội cứng tin của ông và chúc phúc cho ông “Vì đã thấy Thầy nên con tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin.” Như thế, đức tin của các tông đồ nói riêng và của mọi kitô hữu nói chung cùng có một nền tảng là Chúa đã sống lại và hiện ra nhiều lần, một đức tin được củng cố bằng những bằng chứng xác thực.

Trước khi về trời, Chúa Giêsu phục sinh đã nhiều lần hiện ra với các môn đệ, ban cho các ông ơn bình an vĩnh cửu không ai có thể lấy mất, ban Thánh Thần tha tội, sai các môn đệ ra đi tiếp tục sứ mạng của Ngài, và kiện toàn lòng tin cho các môn đệ. Giáo Hội của Chúa Giêsu chỉ tồn tại và thi hành tốt sứ mạng nhờ Chúa phục sinh, nhờ sức mạnh Thánh Thần và một đức tin kiên vững. Giáo Hội đã thi hành sứ mạng ấy suốt chiều dài lịch sử dưới sự hiện diện sống động của Chúa phục sinh và sự dẫn dắt của Thánh Thần nên đã gặt hái được những thành quả tốt đẹp. Chúng ta cầu xin Chúa củng cố đức tin và lòng yêu mến sứ mạng của Giáo Hội và xin cho mỗi người trong chúng ta cùng với Giáo Hội hăng say thi hành sứ mạng Chúa trao bằng một niềm tin mạnh mẽ, lòng cậy vững vàng và lòng mến yêu tha thiết. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập262
  • Máy chủ tìm kiếm54
  • Khách viếng thăm208
  • Hôm nay33,758
  • Tháng hiện tại885,145
  • Tổng lượt truy cập69,945,019
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây