Chờ đợi Chúa đến trong hân hoan

Thứ bảy - 12/12/2020 03:36  1047
TUẦN III MÙA VỌNG B
Is 61,1-2a.10-11; 1Tx 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28

v 2017 cn2tn lambofgod ga1 29 34 2Anh chị em thân mến,
Chúng ta đang sống trong giai đoạn rất khó khăn về kinh tế. Đại dịch Covid-19 đã làm suy thoái nhiều nền kinh tế của toàn thế giới. Tìm kiếm việc làm trở nên khó khăn hơn và thu nhập cũng kém đi. Dù việc làm khó, thu nhập thấp, chúng ta vẫn phải chi tiêu cho những nhu cầu chính đáng. Trước tình trạng này, chẳng mấy ai lại không lo lắng băn khoăn. Mà lo lắng băn khoăn thì làm sao mà phấn khởi được? Vậy mà Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng hôm nay Giáo hội lại mời gọi chúng ta hãy vui mừng và sống một đời chứng nhân cho niềm vui. Tại sao chúng ta lại phải hy vọng trong niềm phấn khởi hân hoan và phải làm chứng cho niềm vui chúng ta đang có?

Người kitô hữu phải chờ đợi Chúa đến trong niềm hân hoan phấn khởi bởi vì chúng ta đang chờ đợi Đức Giêsu đến hoàn tất ơn cứu độ, thực hiện một cuộc giải thoát toàn diện. Năm xưa Isaia đã tiên báo rằng một nhân vật cao trọng sẽ xuất hiện, người sẽ được Thiên Chúa ngự đến, xức dầu tấn phong, sai đi loan báo tin mừng cho người nghèo đói khổ đau. Người có tâm hồn tan nát được băng bó chữa lành, kẻ giam cầm được ân xá, tù nhân được phóng thích, năm hồng ân của Thiên Chúa được công bố. Thiên Chúa mặc cho mọi người hồng ân cứu độ, đức chính trực công minh, làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ngợi ca trước mặt muôn dân. Như thế, được Thiên Chúa cứu độ là hết nghèo đói khổ đau, không còn tù tội giam cầm, không còn tội lỗi thống trị, chẳng còn chết chóc, không còn khóc than, không còn ích kỷ ganh tị… Thay vào đó, chỉ còn giàu sang hạnh phúc, chỉ có giải phóng và tự do, chỉ có công chính thành thiện, chỉ có sự sống và niềm vui, chỉ có quảng đại và tha thứ… Chờ đợi với hy vọng được giải thoát trọn vẹn như thế thì quả là chờ đợi trong vui mừng hân hoan.

Bài Tin Mừng còn cho thấy lý do lớn hơn nữa để người kitô hữu vui mừng là có Đấng Tối Cao, một ngôn sứ vĩ đại, Đấng Kitô giải thoát đang ở giữa nhân loại mà rất nhiều người không nhận ra “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Đấng ấy chính là Đức Giêsu, vị cứu tinh và ánh sáng của trần gian, người giải thoát và ban ơn cứu độ, người đem lại niềm vui và bình an đích thực cho con người. Người không cử hành phép rửa bằng nước mang tính sám hối xin ơn tha tội như Gioan, nhưng cử hành phép rửa bằng nước và Thánh Thần để ban ơn tha tội, thực hiện một cuộc tái sinh đem lại cho nhân loại một đời sống mới, một tinh thần mới và một địa vị mới trong tương quan với Thiên Chúa. Được tái sinh trong phép rửa của Đức Kitô là được trở nên con Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là cha, được đồng thừa tự với Đức Kitô, được thuộc về Thiên Chúa, được làm công dân của Nước trời. Người sẽ đến lần thứ hai hay trở lại trong vinh quang để thực hiện cuộc xét xử cánh chung bằng lòng nhân từ và giàu lòng xót thương. Làm sao lại không vui mừng trong niềm hy vọng như thế được?

Không những chờ đợi Chúa đến trong niềm hân hoan phấn khởi, người Kitô hữu còn phải làm chứng cho Đức Kitô là ánh sáng của trần gian. Chúng ta phải làm chứng thế nào? Gioan Tẩy Giả là một mẫu chứng nhân tuyệt vời “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.” Vâng! Gioan là một nhân chứng về ánh sáng. Ánh sáng ấy là Đức Giêsu Kitô. Gioan làm chứng bằng sống một đời sống đạo hạnh. Ông sống khắc khổ “sống trong hoang địa, ăn châu chấu và uống mật ong rừng, mặc áo lông lạc đà và thắt lưng bằng dây da.” Ông chỉ nhận những gì thuộc về ông, những gì không thuộc về ông, ông từ chối thẳng thắn. Người ta hỏi, “Ông là ai?” ông trả lời rằng ông không phải là Đức Kitô. Người ta hỏi, “Ông có phải là Êlia không,” ông cũng trả lời, “không”. Người ta hỏi ông có phải là một ngôn sứ, ông cũng trả lời không. Ông được sai đến dọn đường thì ông nhận mình là người dọn đường “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn đường cho ngay thẳng, để Chúa đi.”

Gioan còn làm chứng bằng cách nói về Đấng Mêssia, kêu gọi dân chúng chuẩn bị tâm hồn đón Người. Ông chỉ cho dân chúng thấy sự cao trọng của Đức Giêsu và sự cần thiết phải đến với Người. Đức Giêsu cao trọng nhất, Gioan không xứng đáng cởi quai dép cho Người. Ông phải nhỏ đi và Đức Giêsu phải lớn lên. Ông phải mờ đi và Đức Giêsu phải sáng lên để mọi người nhận biết. Vì nhận biết và bước theo Đức Giêsu là nhận biết và bước đi trong ánh sáng thật, ánh sáng đem lại sự giải thoát toàn diện. Khi Đức Giêsu xuất hiện, ông còn chỉ vào Đức Giêsu và nói “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.” Chứng nhân là thế, vừa phải làm chứng bằng cuộc sống, vừa làm chứng bằng lời rao giảng, vừa chỉ cho người khác thấy Chúa. Người Kitô hữu muốn là chứng nhân của Đức Giêsu, chứng nhân của ánh sáng cũng phải làm như Gioan. Không bao giờ được qui hướng về mình, nhưng phải qui hướng về Đức Giêsu. Lời nói của ta, lời rao giảng của ta, hành động của ta phải hướng về Chúa Giêsu và dẫn người khác đến với Chúa Giêsu.

Anh chị em thân mến,
Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta chờ đợi Chúa đến trong vui mừng hân hoan và làm chứng cho niềm vui ấy. Vui mừng vì chúng ta đang chờ đợi Chúa đến thực hiện một cuộc giải thoát toàn diện, vui mừng vì Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện với chúng ta một cách vô hình nhiệm mầu mà nếu tỉnh thức chúng ta có thể nhận ra. Chúng ta phải làm chứng cho niềm vui ấy bằng lời rao giảng và nhất là một đời sống đạo hạnh, làm cho Chúa Giêsu được lớn lên trong cuộc đời của mình bằng việc suy nghĩ, nói năng và hành xử theo cách của Ngài, đặc biệt là yêu thương, tha thứ, phục vụ… Chúng ta hãy thành thật nhìn lại đời mình và tự hỏi liệu tôi có vui tươi chờ đợi Chúa đến và lấy chính cuộc sống tốt lành của tôi để làm chứng cho niềm hy vọng ấy không?

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập307
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm270
  • Hôm nay44,648
  • Tháng hiện tại906,183
  • Tổng lượt truy cập69,966,057
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây