Bài học quý giá từ việc Chúa chịu phép rửa

Thứ sáu - 08/01/2016 04:08  2184
LỄ CHÚA CHỊU PHÉP RỬA

Is 40,1-5.9-11; Tt 2,11-14;3,4-7; Lc 3,15-16.21-22

Anh chị em thân mến,

Hòa vào dòng người đến xin Gioan làm phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa hoàn toàn vô tội, cũng đến xin Gioan làm phép rửa cho. Ngài lãnh nhận phép rửa không phải để như bao nhiêu người bày tỏ lòng sám hối hầu đón nhận ơn cứu độ vì Ngài hoàn toàn thánh thiện. Ngài lãnh nhận phép rửa cũng không phải để chuẩn bị tâm hồn đi gặp gỡ và đón tiếp Đấng Mêsia cứu thế vì Ngài chính là vị cứu tinh muôn dân đang mong đợi. Vậy việc Ngài lãnh nhận phép rửa của Gioan tại sông Giođan có mục đích gì và gợi lên cho chúng ta những bài học nào?

Trước hết, việc Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan cho chúng ta hiểu được thế nào là sự liên đới của Con Thiên Chúa với nhân loại. Ngài liên đới với con người một cách trọn vẹn thẳm sâu vượt lên trên và ra ngoài tầm suy biết của chúng ta. Ngài không chỉ liên đới bằng việc hóa thân làm người, chia sẻ thân phận kiếp người mà còn liên đới trong cả tội lỗi nữa đến nỗi chúng ta có cảm tưởng Ngài cũng có lỗi có tội như chúng ta. Ngài làm thế là để nói với chúng ta rằng mọi lỗi lầm của chúng ta đều được Ngài thấu tỏ và mang lấy trong thân thể Ngài. Không có gì của con người không được Ngài đón nhận và sẻ chia để cuối cùng tiêu diệt nó trong đau khổ thập giá và cái chết, đem lại vinh quang chiến thắng cho con người.

Từ sự liên đới sâu thẳm tuyệt vời của Đức Giêsu đối với nhân loại, chúng ta được mời gọi liên kết với Ngài và với nhau. Chúng ta không thể lớn lên trong đời sống tự nhiên nếu chúng ta không liên đới với người khác vì chúng ta được sinh ra là để sống cùng, sống với và sống cho người khác. Một em bé được sinh ra bởi cha mẹ và được lớn lên nhờ sự nuôi dưỡng của cha mẹ. Một học sinh có được kiến thức và đạo đức, trưởng thành trong nhân cách là nhờ việc học hành và rèn luyện ở trường với thầy cô và bạn bè. Người nông dân làm ra hạt gạo bát cơm và người làm việc trí óc trong các cơ quan hay xí nghiệp cần đến nhau để trao đổi hàng hóa phục vụ cuộc sống văn minh tiến bộ. Kitô hữu càng không thể lớn lên trong đời sống đức tin nếu không liên đới với nhau, đặc biệt là liên kết với Thiên Chúa. Nếu Đức Giêsu đã làm tất cả để liên kết với con người cách bền vững, thì chúng ta cũng phải nỗ lực làm như vậy để mối quan hệ giữa con người với nhau và với Thiên Chúa mỗi ngày một bền chặt hơn.

Thứ đến, việc Đức Giêsu chịu phép rửa dạy chúng ta bài học khiêm hạ đến tột độ. Là người đến sau Gioan, cao trọng hơn Gioan đến nỗi Gioan không đáng cởi quai dép cho Ngài, không đến làm phép rửa bằng nước mà làm phép rửa bằng Thánh Thần và lửa, nhưng lại đến xin Gioan làm phép rửa cho, một hành động tự hạ tuyệt vời. Ngài đến từ Chúa Cha, là ánh sáng, sự thật và sự sống của nhân loại, nhưng lại chấp nhận trở nên giống tội nhân “chịu phép rửa tỏ lòng sám hối.” Là Con Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, là Ngôi Lời Thiên Chúa cao cả có từ đời đời, là nguồn gốc và cùng đích của tạo thành, vậy mà chấp nhận trở nên giống con người trong mọi sự ngoại từ tội lỗi vậy mà nên như tội nhân. Ôi! tấm lòng khiêm nhường thẳm sâu và sâu đến tột cùng, không một trí khôn nhân loại nào dò thấu.

Bài học này cũng là lời mời gọi dành cho mỗi môn đệ của Đức Giêsu “Anh em hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” Chúng ta chẳng là gì trước mặt Thiên Chúa và tha nhân, chẳng có gì vì tất cả những gì chúng ta có đều là của Thiên Chúa. Cái chúng ta thực sự có chỉ là giới hạn, yếu đuối, sa ngã và lỗi lầm. Vậy mà không ít lần chúng ta vênh vang với anh em, tự hào về những gì chúng ta có với chị em. Thậm chí rất nhiều lần chúng ta trì trích, kết án, đoán xét người khác, cứ như thể tất cả đều là của chúng ta, do công lao chúng ta tạo lập vậy. Đức Giêsu đã khiêm nhường hạ mình xuống như một tội nhân đúng nghĩa thì không lý nào chúng ta lại khăng khăng chối bỏ tình trạng thực của mình mà vênh vang tự mãn.

Sau cùng, việc Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan dạy chúng ta bài học sống thân phận làm con. Người làm con đúng nghĩa không phải là người muốn gì làm nấy theo ý mình, nhưng là người biết quan tâm đến cha mẹ. Đức Giêsu là con Chúa Cha nên mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm của Ngài luôn hướng về Chúa Cha. Từ việc nhập thể làm người đến việc chịu phép rửa tại sông Giođan hay việc chấp nhận chết trên thập giá đều nằm trong kế hoạch của Chúa Cha. Vì thế, Đức Giêsu đã vâng phục tất cả. Mọi việc Ngài làm đều làm đẹp lòng Chúa Cha “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con.” Lời xác quyết của Chúa Cha về Đức Giêsu trong tư cách là con làm đẹp lòng cha còn được lặp lại trong cuộc biến hình trên núi Tabor “Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người.”

Sống đúng thân phận làm con trong gia đình, làm con Thiên Chúa là lời mời gọi dành cho mọi kitô hữu vì nhờ bí tíchThánh tẩy do Đức Giêsu thiết lập mà tất cả chúng ta đều được tái sinh bởi nước và Thánh Thần trở nên con Thiên Chúa. Là con, chúng ta phải vâng phục, nhất là vâng phục Thiên Chúa vì việc vâng phục làm đẹp lòng Thiên Chúa. Việc vâng phục ấy được thể hiện qua việc “mở cho Chúa một con đường, vạch cho Chúa một con lộ thẳng băng, lấp đầy những thung lũng, bạt xuống những núi đồi, san phẳng những gồ ghề” nơi tâm hồn chúng ta bởi vì biết bao nhiêu lần tâm hồn chúng ta để hoang vắng, quanh co, gồ ghề, lỗi lõm, khúc khuỷu vì những đam mê lỗi lầm. Nói theo thánh Paul tông đồ, chúng ta phải “từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, đạo đức và công chính ở thế gian này” vì Đức Giêsu, Đấng Cứu độ chúng ta, đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta, cho chúng ta thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta nên dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.

Anh chị em thân mến,

Qua việc chịu phép rửa tại sông Giođan, Đức Giêsu đã dạy cho chúng ta bài học về sự liên đới sâu xa với nhân loại, lòng khiêm nhường thẳm sâu của một Thiên Chúa làm người và thái độ sống tuyệt vời của người con thảo. Chúng ta nhìn lại đời sống của mình và tự hỏi: tôi đã liên kết với Chúa và liên đới với anh chị em mình ra sao? Tôi đã khiêm tốn nhìn nhận mọi sự tôi có là do Chúa ban để không còn tự cao tự đại và đoán xét anh em chưa? Nhờ bí tích Rửa tội, tôi được thanh tẩy bởi nước và Thánh Thần trở nên con Thiên Chúa, tôi đã sống thân phận của người con hiếu thảo đối với Thiên Chúa thế nào và sống tình anh em với những người xung quanh ra sao? Tôi có làm mọi việc để Thiên Chúa là cha tôi vui lòng hay vẫn còn làm nhiều việc chẳng ra gì làm phiền lòng Ngài? Nguyện xin Chúa ban ơn nâng đỡ để mỗi người chúng ta liên kết chặt chẽ với Chúa và tha nhân, biết khiêm tốn trong mọi hoàn cảnh và nhất là luôn sống tình con thảo đối với Thiên Chúa là Cha. Amen!

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập207
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm168
  • Hôm nay25,468
  • Tháng hiện tại873,090
  • Tổng lượt truy cập70,900,847
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây