Linh mục với 4 D

Thứ hai - 07/09/2015 09:56  2149
Bài giảng lễ nhận nhiệm sở của cha Vinh sơn Mai Văn Bảo hôm Chúa Nhật, ngày 30/08/2015 tại giáo xứ Thánh Mẫu.
 
Anh chị em thân mến,
 
Có ba nhân vật nổi bật trong ba bài đọc hôm nay.
Ở bài đọc I: nhân vật ấy là Môsê
Bài đọc II: Thánh Giacôbê
Bài Tin mừng: Chúa Giêsu.
 
Xem ra ba nhân vật này có một cái gì đó giống nhau. Đó là cả ba đều là những Thầy dạy. Ông Môsê khuyên dân Do Thái là hãy đem lề luật của Chúa ra học hỏi và khi đã được học hỏi  rồi, thì hãy sống theo những điều đã học.

Thánh Giacôbê cũng khuyên dặn các kitô hữu là: hãy đem Lời Chúa ra thực hành chứ đừng nghe xong rồi bỏ đấy.

Chúa Giêsu dạy mọi người là cần phải có tấm lòng mỗi khi thực hành Lời Chúa, chứ đừng làm cách hình thức, làm mà không có tâm tình.
 
Tuy là những Thầy dạy nhưng không phải ai cũng giống ai. Ông Môsê chỉ là hình ảnh của Chúa Giêsu. Ông Môsê là người chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến.
 
Thánh Giacobe chỉ là môn đệ, là học trò của Chúa Giêsu. Thánh nhân không dạy điều gì mới mẻ cả mà chỉ là quảng diễn những điều Chúa Giêsu đã dạy trước đó.
 
Như vậy, Chúa Giêsu mới đích thực là Thầy dạy muôn dân, là Cha và là Chúa của tất cả.
 
Những ai đến trước Chúa Giêsu, ví dụ như Mosê thì chỉ là người chuẩn bị cho Chúa. Còn những ai đến sau Chúa Giêsu, ví dụ như thánh Giacôbê, thánh Phêrô, thánh Phaolô thì chỉ là những người được Chúa sai đi.
 
Nhìn vào lịch sử loài người và lịch sử cứu độ, Chúa vẫn tiếp tục sai các môn đệ của Chúa đến những nơi và gặp những người mà Chúa muốn. Một cách rất cụ thể, hôm nay Chúa sai người của Chúa là Cha Vinh Sơn Mai Văn Bảo đến đây, đến giáo xứ Thánh Mẫu này.
 
Cha Vinh Sơn là ai? Chúng ta trả lời câu hỏi này trong tương quan ân sủng của Bí tích Truyền Chức Thánh. Cha Vinh Sơn là người của Chúa. Cha Vinh Sơn là linh mục của Chúa. Cha Vinh Sơn là người được Chúa sai đến giáo xứ Thánh Mẫu này. Hôm nay, chắc chắn không phải lần đầu tiên ông bà anh chị em đón người của Chúa. Vậy xin hỏi ông bà anh chị em một câu hỏi như sau: ông bà anh chị em hiểu như thế nào về người được Chúa sai đến? Để hiểu người được Chúa sai đến, kính mời ông bà anh chị em xét theo bốn tương quan. Tương quan chiều dài, chiều rộng, chiều cao và chiều sâu với Chúa Giêsu.
 
Xét về tương quan chiều dài: Linh mục là người mang hình hài Đức Kitô. Vì đã mang hình hài của Đức Kitô nên con người linh mục cũng trở nên giống Đức Kitô Thầy của mình. Ấy là người linh mục được mời gọi để trở nên hiền lành, khiêm nhường và nhân hậu. Nhưng người ta lại nói: « Sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đấy ». Nếu đã có mặt phải thì cũng có mặt trái. « Trò không hơn Thầy. Tớ không hơn chủ ». Nếu Thầy gặp những đau khổ thì trò cũng sẽ gặp những khổ đau: hiểu lầm, chống đối, hắt hủi, cô đơn, xua đuổi, v.v.
 
Xét về tương quan chiều rộng: Linh mục là những cộng tác viên của Chúa Kitô. Vì Chúa đã nói: « Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, nhưng Thầy gọi anh em là những bạn hữu của Thầy. Và những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy thì Thầy nói cho anh em biết.» Chúa Giêsu đã nghe được gì nơi Chúa Cha? Thưa đó là Tin mừng về sự yêu thương, khoan dung và tha thứ. Vì là cộng tác viên của Chúa, nên người  linh mục cũng sẽ nói cho người khác biết những điều đã được nghe từ nơi Chúa Giêsu. Đó là tấm lòng yêu thương, khoan dung và tha thứ của Thiên Chúa. Ở khía cạnh này chúng ta thấy linh mục là ngôn sứ của Chúa.
 
Xét về tương quan chiều cao: Linh mục là người ôm thập giá lên đồi cao để chết như Đức Kitô Thầy mình. «Sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đấy mà». Thực vậy, linh mục khi đã mang cái «tu » là tù nơi mình rồi thì ngày đêm sẽ phải ôm lấy thập giá mà hy sinh. Thập giá của mình, thập giá của đoàn chiên. Linh mục phải hy sinh sức khỏe để chăm lo cho đoàn chiên giáo xứ. Hy sinh thời gian để rút lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện cho mình và cho dân chúng. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã chẳng viết: «Linh mục được chọn trong số những người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như lễ vật để đền tội, (...) mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy.» Ở khía cạnh này chúng ta thấy linh mục thực thi vai trò là một tư tế của Đức Kitô.
 
Xét về tương quan chiều sâu: Linh mục là "người đi câu" chứ không phải là "người đi làm dâu" thiên hạ. Vì Chúa đã chẳng nói với Phêrô và các bạn những lời sau đây là gì? «Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.» Nói như vậy để ông bà anh chị em hiểu rằng giáo dân không đòi cho mình cái quyền được làm «mẹ chồng» cha xứ. Và vì thế, cha xứ cũng không có bổn phận phải làm «dâu» các mẹ chồng. Trong chủng viện có môn học thần học mục vụ chứ không hề có môn học thần học làm dâu. Các chủng sinh được học và tu luyện để trở thành những mục tử của Chúa chứ không phải 7 năm sống trong chủng viện để học về cách làm dâu, rồi sau này đi làm dâu thiên hạ. Thực vậy, chỉ có nền thần học mục vụ chứ không có nền thần học về làm dâu. Vậy nên đừng có ai gọi cha xứ của mình là con dâu. Không có đâu. Mọi người phải gọi ngài là mục tử của Chúa. Cha xứ là một người cha. Cha xứ là người của Chúa được Chúa sai đến để chăm lo, coi sóc đoàn chiên trong xứ. Cha xứ là Cha linh hồn của ông bà anh chị em. Ông bà anh chị em hãy kính trọng, lắng nghe, cộng tác và giúp đỡ ngài để ngài chu toàn sứ vụ Chúa trao. Vậy tại sao lại có câu nói: Cha xứ là con dâu của mọi người trong xứ? Và mọi người là những mẹ chồng của cha xứ? Đây chỉ là câu nói vui trong ngày cha xứ mới về nhận xứ mà thôi. Một sự bỡ ngỡ như một nàng dâu xưa kia những ngày đầu mới về nhà chồng. Nàng dâu thì phải hiếu thảo, gắn bó, phụng dưỡng cha mẹ, v.v. Từ hình ảnh nàng dâu ngoan hiền này mọi người liên tưởng tới các cha đi xứ trong vai trò là một mục tử, phục vụ, gắn bó, chăm sóc cho đoàn chiên nên mới gọi vui các cha là người đi làm dâu chứ thực sự các cha là những mục tử được Chúa sai đến. Ở khía cạnh này chúng ta thấy linh mục thực thi vai trò của người mục tử.
 
Kính thưa quý ông bà anh chị em. Từ một vài nhân vật tiêu biểu trong các bài đọc sách Thánh, với một vài suy tư tầm thường, chúng ta hiểu được phần nào con người và sứ mạng của linh mục, người môn đệ của Đức Giêsu. Giờ đây, con kính mong ông bà anh chị em hướng nhìn lên Đức Kitô, Ngài là Chúa, là Thầy và là Đấng ban cho chúng ta sự sống. Xin Ngài chúc lành cho chúng ta và cho cha Tân Chánh Xứ Vinh Sơn được nhiều ơn Chúa để Cha chu toàn sứ mạng Chúa trao. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Vũ Ngọc Tứ

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập187
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm153
  • Hôm nay33,758
  • Tháng hiện tại866,563
  • Tổng lượt truy cập69,926,437
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây