Ra đi cho sứ vụ truyền giáo

Thứ bảy - 14/07/2018 12:31  1975
Chúa Nhật XV TN B (Mc 6, 6-13)
Ra đi cho sứ vụ truyền giáo

nuoc troi va su songChuyện kể rằng sau thời gian sống khó nghèo, ẩn mình trong một nhà thờ đổ nát ở ngoại ô Assisi, một hôm trong Thánh lễ, thánh Phanxicô Assisi nghe đọc: Chúa Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi... Người chỉ thị cho các ông không được mang gì khi đi đường, chỉ trừ cây gậy (Mc 6,8). Những lời đó đã thay đổi toàn bộ định hướng cuộc đời thánh nhân. Ngài từ giã cuộc sống ẩn tu, dùng sự khó nghèo làm hành trang, lên đường rao giảng Tin Mừng. Đoạn Lời Chúa biến đổi thánh Phanxicô chính là bài Tin Mừng theo thánh Maccô mà chúng ta vừa nghe. Câu chuyện về thánh Phanxicô và Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta trả lời cho những câu hỏi về sứ vụ truyền giáo: Những ai được Chúa Giêsu kêu mời thi hành sứ vụ truyền giáo? Người đã chuẩn bị cho họ ra sao? và Người muốn họ làm gì? 

Những ai được Chúa kêu mời tham gia vào sứ vụ truyền giáo? Thưa, đó là bất cứ ai mà Chúa muốn. Quả vậy, bài đọc I nói đến ơn gọi ngôn sứ của Amốt. Amốt xuất thân từ vương quốc Giuđa, làm nghề chăn bò và chăm sóc cây sung. Có lẽ ông không thích và chẳng bao giờ mơ tưởng về ơn gọi ngôn sứ như ông đã thừa nhận: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ”. Thế nhưng, chính Đức Chúa đã bắt lấy ông và đã truyền cho ông: “Hãy đi tuyên sấm cho Israel” (x. Am7,14-15). Nhóm Mười Hai được nói tới trong bài Tin Mừng, ngoại trừ Matthêu có chút ít chữ nghĩa, còn lại đa phần là những ngư phủ quê mùa, nhưng Chúa Giêsu đã chọn gọi các ông làm tông đồ, có nghĩa là những người được sai đi. Như vậy, ơn gọi truyền giáo là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa, không phải phát xuất từ bản thân mà là do ý muốn của Thiên Chúa.

Chúa đã kêu mời một người và sai đi thi hành sứ vụ truyền giáo thì chắc chắn Người cũng sẽ chuẩn bị cho họ những gì cần thiết nhất. Chúng ta thấy trong bài Tin Mừng, sau một thời gian các tông đồ đã ở với Chúa, lắng nghe lời Người giảng dạy và chứng kiến những việc Người làm, đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi thực tập truyền giáo. Trước khi các ông lên đường, Chúa Giêsu đã căn dặn các ông thật tỉ mỉ. Có học giả đã cho rằng những lời đó được xem như một thủ bản, một cẩm nang cho các tông đồ cũng như cho mọi nhà truyền giáo.

Chúa Giêsu đã giúp các tông đồ sắp xếp hành trang khi bảo các ông: “không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy, không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép nhưng không được mặc hai áo” (c. 8-9). Nhìn vào gói hành trang đơn giản chỉ với cây gậy, đôi dép và một chiếc áo, chúng ta không khỏi thắc mắc: Các môn đệ sẽ đi được bao lâu, đến được những đâu và có thể làm được gì với hành trang ấy? Ra đi tay trắng, không lương thực, không lộ phí là chấp nhận mạo hiểm, rủi ro có thể xảy đến. Khi làm thế là Chúa Giêsu muốn các môn đệ thực sự tự do, thanh thoát để có thể dễ dàng lên đường thi hành sứ vụ. Quan trọng hơn nữa là Chúa muốn các ông tập phó thác, tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa. Cây gậy trong tay biểu trưng cho sức mạnh của Thiên Chúa, đôi dép ở chân là dấu hiệu của một tư thế sẵn sàng lên đường, chiếc áo mặc trên mình ý nói các tông đồ mặc lấy chính tâm tình của Chúa.

Khi sai các tông đồ ra đi thì Chúa Giêsu muốn họ làm những gì? Chúa Giêsu sai các tông đồ ra đi tiếp nối sứ vụ rao giảng, kêu gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng. Chúa Giêsu ban cho các ông quyền trừ quỷ, xức dầu cho những người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh. Song song với việc rao giảng bằng lời nói, Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải có những hàng động cụ thể. Người ta thường nói: “Lời nói thì lung lay nhưng gương bày mới lôi cuốn”, do vậy sứ mạng loan báo Tin Mừng sẽ thật khiếm khuyết nếu việc rao giảng không được minh chứng bằng những hành động và một đời sống chứng tá.

Chúa Giêsu cũng chỉ cho các tông đồ biết trước những khó khăn trong khi thi hành sứ vụ. Không phải lúc nào các ông cũng được tiếp đón vui vẻ, nhưng nhiều khi còn bị chống đối và xua đuổi như trường hợp ngôn sứ Amốt. Ngôn sứ Amốt khi trung thành loan báo sứ điệp của Thiên Chúa thì bị dân chúng ghét bỏ và vị tư tế Amátgia ở Đền thờ Bết Ên đã trục xuất ông về vương quốc Giuđa. Tuy nhiên, ngôn sứ Amốt đã nhất quyết ở lại Israel để thi hành sứ vụ của mình, ông không từ bỏ sứ vụ đó bao lâu sứ điệp của Thiên Chúa chưa được thực hiện. Cũng vậy, dù gặp khó khăn đến mấy đi chăng nữa thì người tông đồ của Đức Giêsu cũng không bao giờ thất vọng, bỏ cuộc nhưng luôn trung thành với sứ vụ mà Chúa đã trao phó.

Như vậy, sứ điệp Lời Chúa ngày hôm nay nhắc nhở chúng ta về sứ vụ truyền giáo. Theo cuốn Niên giám Giáo Hội Công Giáo Việt Nam 2016, số người Công giáo chỉ chiếm khoảng 7% dân số cả nước trong nhiều thập niên qua. Điều đó có nghĩa là cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội còn bao la bát ngát, cần rất nhiều thợ gặt. Do đó, hoạt động truyền giáo vẫn luôn là sứ mạng thực sự cấp bách. Sứ vụ loan báo Tin Mừng hay truyền giáo không phải chỉ là đặc vụ của các linh mục, tu sĩ, nhưng là công việc của mọi Kitô hữu. Thật vậy, qua Bí tích Rửa tội, các tín hữu được thông phần vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Giêsu.

Mỗi khi tham dự Thánh lễ và trước khi ra về, mọi người được cầu chúc: “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an.” Như thế, Thánh lễ chưa kết thúc mà còn kéo dài suốt cả ngày và đi vào trong cuộc sống. Nói cách khác, đây là lời mời gọi đi loan báo Tin Mừng. Sau đã tham dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, đến lượt mỗi Kitô hữu phải lên đường đem Lời Chúa, đem Đức Kitô đến cho người khác ngay trong đời sống thường ngày của mình.

 Đành rằng không phải ai trong chúng ta cũng có đủ điều kiện và khả năng ra đi truyền giáo, nhưng mỗi người tùy môi trường và hoàn cảnh sống có thể truyền giáo, làm chứng cho Chúa bằng nhiều cách thế khác nhau. Chẳng hạn, chúng ta có thể cầu nguyện cho việc truyền giáo giống như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Dù chỉ là một nữ tu dòng kín, nhưng thánh nữ đã truyền giáo bằng chính lời cầu nguyện và những hy sinh nhỏ bé của mình. Chúng ta cũng có thể đóng góp vào công cuộc truyền giáo bằng việc bớt chi tiêu để đóng góp cho quỹ truyền giáo. Và trên hết, chúng ta có thể truyền giáo bằng chính đời sống chứng nhân, một cách truyền giáo hữu hiệu nhất. Mỗi người, mỗi gia đình có thể truyền giáo qua đời sống đạo đức, chân thành, cởi mở, yêu thương, bác ái chia sẻ với mọi người chung quanh.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa sai các tông đồ ra đi loan báo Tin Mừng. Nhờ lời cầu bầu của các tông đồ, giờ đây xin Chúa ban cho chúng con đức tin mạnh mẽ để chúng con can đảm làm nhân chứng cho Chúa bằng chính đời sống của chúng con. Ước chi chúng con cũng trở nên “muối ướp mặn cho đời và ánh sáng chiếu soi trần gian”, để đem Chúa Kitô đến cho mọi người. Amen.
Thiên Ân
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập307
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm272
  • Hôm nay42,685
  • Tháng hiện tại904,220
  • Tổng lượt truy cập69,964,094
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây