CN5 PS: Cách để nhành nho sinh nhiều trái ngon

Thứ bảy - 28/04/2018 07:00  1083
Cv 9,26-31; 1Ga 3,18-24; Ga 15,1-8

Grapes on vine Beit Jimal tb062807457 bibleplacesChúa Nhật tuần trước, Tin Mừng đã dùng hình ảnh người mục tử nhân lành để diễn tả mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa Giêsu và Chúa Cha. Chúng ta là đoàn chiên của Chúa Cha, đã được qui tụ bởi cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là mục tử nhân lành của tất cả chúng ta, người mục tử hy sinh mạng sống mình để chiên được sống dồi dào. Chúa Giêsu không chỉ chăm lo cho đàn chiên khi còn sống mà khi đã phục sinh về trời với Chúa Cha, Ngài vẫn còn lo lắng cho đàn chiên của mình. Cụ thể là Lời Chúa vẫn còn đó và không ngừng được rao giảng. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu còn ở lại với nhân loại cho đến ngày tận thế và Giáo hội vẫn có bao nhiêu mục tử thay mặt Chúa dẫn dắt đàn chiên. Hôm nay, Tin Mừng lại dùng hình ảnh khác để nói về mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa Giêsu và với Chúa Cha. Đó là hình ảnh cây nho, nhành nho và người trồng nho.

Trong thời Cựu ước, dân Israel, dân Chúa chọn, dân thuộc quyền sở hữu của Chúa, được ví như gốc nho hay vườn nho của Chúa “Vườn nho của Đức Chúa vạn quân, ấy là Israel” (Is 5,1-7), được Thiên Chúa trồng tỉa và chăm sóc “Ta đã trồng ngươi như cây nho tốt” (Gr 2,21), được Thiên Chúa giữ gìn và giải thoát khỏi nô lệ “Gốc nho này Chúa bứng từ Ai cập” (Tv 80,8). Như vậy, cây nho, vườn nho, đã trở thành biểu tượng của Israel. Tuy nhiên, vườn nho, gốc nho Israel này trong Cựu ước đã bị suy thoái vì không chịu gắn kết với người trồng tỉa là chính Thiên Chúa của họ. Vì thế mà tiên Isaia đã so sánh Israel với một vườn nho hoang, Giêrêmia lại than phiền dân tộc ông đã biến thành một cây nho lạ, thoái hóa thành cây nho khác, Hôsê thì kêu lên “Israel là một cây nho trơ trụi”. Sự thật là thế bởi vì họ đã không thực sự trổ sinh hoa trái tốt tươi trong mối liên hệ với Thiên Chúa, biết bao nhiêu lần họ đã bỏ Chúa, đã phản bội Chúa, Đấng cứu độ, chở che và chúc phúc. Vì thế, Israel không còn xứng đáng là cây nho tốt tươi sinh trái ngọt ngào của Thiên Chúa nữa.

Nếu Israel không còn xứng đáng là gốc nho sai trái của Thiên Chúa nữa, thì đây một gốc nho mới được Thiên Chúa đem trồng giữa chốn nhân loại là Đức Giêsu “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho” (Ga 15,1). Chúa Giêsu là cây nho tốt tươi, cành lá sum suê đầy trái ngọt lành, bởi vì cành nào có trái thì được Chúa Cha cắt tỉa để sinh nhiều trái hơn, cành nào không sinh trái thì bị chặt đi và quăng vào lửa mà đốt đi. Nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra điều ấy. Đức Giêsu sống một cuộc đời luôn lấy thánh ý Chúa Cha làm lý tưởng, làm lương thực “lương thực của Thầy là làm theo ý muôn của Cha Thầy, những lời Thầy nói và những việc Thầy làm đều là ý của muốn của Chúa Cha”. Một cuộc đời luôn nhắm đến hạnh phúc của cả nhân loại mà hành động. Việc Chúa Giêsu chịu chết và sống lại vinh quang cũng là để cho thánh ý Chúa Cha được thực hiện trọn vẹn và ơn cứu độ của nhân loại được thực hiện. Quả thật, nhờ việc Đức Giêsu hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha mà Thiên Chúa được vinh quang và ơn cứu độ đã được trao ban cho cả nhân loại.

Chúa Giêsu là cây nho và mỗi người trong chúng ta đều là cành nho giống như Ngài là mục tử và chúng ta là chiên trong đàn chiên duy nhất của Ngài. Tuy nhiên, không phải mọi cành nho đều trổ sinh trái ngọt như Ngài chờ đợi. Cụ thế là số đông người Do thái, được coi là nhành nho của Chúa đã không chịu nghe, không chịu đón nhận Ngài, nên họ chỉ là những nhành nho khô và vô dụng. Sau những người Do thái là bao nhiêu kitô hữu theo đạo mà chỉ hữu danh vô thực, năng thuyết bất năng thành, chỉ biết nói mà không dám hành động. Bao nhiêu kitô hữu là những nhánh vô dụng, chỉ có lá mà không ra trái, bao nhiêu kitô hữu bội đạo, đã nghe, đã nhận đạo nhưng lại sa ngã, bỏ đạo và trở thành những kẻ phản thầy, phản chủ mà có lần đã thề hứa trung thành phục vụ. Ngay cả chúng ta cũng có thể trở thành nhánh vô dụng nếu chối từ không nghe theo Chúa; nghe và phục vụ Chúa bằng đầu môi chót lưỡi chứ không bằng hành động cụ thể; nhận Chúa làm thầy và làm chủ nhưng khi gặp khó khăn trên đường đời hay bị dục vọng lôi cuốn thì từ bỏ Chúa. Chúng ta nên nhớ rằng nhánh nho nào vô dụng, không sinh trái sẽ bị tiêu diệt, bị cắt lìa khỏi cành, héo khô và quăng vào lửa đốt đi.

Như cành nho muốn sống tươi tốt và sinh nhiều trái thì phải kết hợp với cây nho và chấp nhận chịu cắt tỉa, người kitô hữu muốn không trở nên vô dụng, sinh được nhiều trái ngon cũng phải liên kết với Chúa Giêsu “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” Làm thế nào để ở lại trong Chúa? Thưa, muốn ở lại trong Chúa, ta phải năng tiếp xúc, liên hệ với Chúa bằng cầu nguyện tối sáng, mỗi khi rảnh rỗi, khi được điều lành, khi gặp khó khăn, thường xuyên tham dự thánh lễ, năng lãnh nhận các bí tích, cố gắng tuân giữ giới răn yêu thương và cố gắng làm cho cuộc sống tốt hơn mỗi ngày. Một khi chúng ta luôn ý thức mình đang ở trước sự hiện diện của Chúa thì thật khó có thể phạm tội và hơn nữa chính qua sự kết hợp mật thiết với Chúa mà ta đón nhận dồi dào ơn Chúa.

Chúa Giêsu là cây nho, Chúa Cha là người trồng nho và mỗi chúng ta là cành nho. Cuộc đời của mỗi chúng ta có thực sự luôn ở lại trong sự liên kết sâu xa với Chúa để trổ sinh nhiều hoa trái hay xa Chúa để trở thành những cành nho vô dụng khô héo? Mỗi ngày, từng giây phút, chúng ta có cố gắng giữ mối liên hệ với Chúa Giêsu và tìm mọi cách làm cho mối liên hệ ấy trở nên sâu sắc hơn hay chúng ta lơ là kệ mặc? Mỗi khi chúng ta đến nhà thờ tham dự thánh lễ, hay dành một chút thời gian cầu nguyện, chúng ta có nghĩ rằng tôi đang cải thiện mối liên hệ  với Chúa, đang nỗ lực làm cho nó trở nên sâu sắc hơn bởi vì nếu không liên kết với Chúa thì cuộc đời kitô hữu của tôi không thể trổ sinh hoa trái, hay tôi chỉ làm những chuyện ấy cho qua như là bổn phận phải làm, thói quen vô vị nhàm chán mà thôi? Nguyện xin Chúa giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc kết hợp với Chúa Giêsu trong đời sống đức tin, để cố gắng nhiều hơn nữa trong việc xây dựng mối liên hệ này thật mặn mà bền chặt, hầu cuộc đời ta luôn trổ sinh nhiều hoa trái ngọt lành cho Chúa và tha nhân. Amen. 

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập245
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm213
  • Hôm nay53,224
  • Tháng hiện tại941,688
  • Tổng lượt truy cập70,969,445
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây