Phép rửa, khởi đầu sứ vụ người tôi trung

Thứ bảy - 09/01/2016 14:35  2299
Lễ Chúa Giê-su chịu Phép rửa (Is 40, 1-5. 9-11/ Tt 2, 11-14; 3, 4-7/ Lc 3, 15-16.21-22)
 
Victor Frankl đã sống sót trong số hàng triệu người Do-thái bị Đức quốc xã tống giam trong các trại tù trung thân những năm 30 và 40. Mặc dù phải đối mặt với những điều khủng khiếp và xung đột, nhưng ông đã thoát nạn. Xung quanh ông, bên cạnh ông, mỗi ngày ông phải đối mặt với những thử thách, hàng tá, hàng trăm, hàng triệu người Do-thái bị chết. Hầu hết trong số họ đã bị chết trong các lò đốt, tuy nhiên cũng có những người bị chết vì họ đã đánh mất niềm tin và hy vọng; xung quanh luôn tràn ngập những điều ghê rợn, sợ hãi và vô vọng. Frankl đã sống sót nhờ hai động lực thúc đẩy ông: Một là nhờ tình yêu mà vợ ông dành cho ông; hai là nghị lực nội tâm thúc đẩy ông viết lại bản thảo của cuốn sách mà ông đã hoàn thiện sau những tháng năm nỗ lực trong lao tù – cho đến khi Đức quốc xã bị đánh bại. Những tháng năm tù đày của Frankl đã bừng sáng lên nhờ những cuộc đối thoại tưởng tượng với vợ ông và nhờ những mảnh giấy viết nghuệch ngoạc để bây giờ hợp thành cuốn sách quý giá. Giờ đây Frankl đã dám hùng hồn viết lên hai trải nghiệm để đối mặt với cuộc sống: Thứ nhất, sự khám phá và sự chắc chắn được yêu thương, và thứ hai là có mục đích rõ ràng và quân bình trong đời sống. Cả hai điều trên là những thông điệp mà chúng ta lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội Ki-tô giáo.
 
Mùa Giáng sinh kỷ niệm việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại qua Đức Giê-su Ki-tô kéo dài đến lễ Chúa chịu Phép rửa. Giáng sinh là lễ Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân Do-thái, và việc cử hành lễ Hiển Linh là việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại. Với Phép rửa ở sông Gióc-đan, Chúa Giê-su đã tỏ mình ra cho những người tội lỗi biết ăn năn thống hối. Phép rửa của Chúa Giê-su là biến cố vĩ đại mà Giáo hội Đông Phương cử hành vào lễ Hiển Linh vì đó chính là việc tỏ mình cách công khai đầu tiên của Ba Ngôi Thiên Chúa, và tỏ mình chính thức của Chúa Giê-su – Con Một Thiên Chúa được Chúa Cha ban cho nhân loại. Đồng thời, đó cũng là biến cố mà cả bốn sách Tin mừng miêu tả, biến cố này đánh dấu sự khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giê-su. Mùa Phụng vụ Giáng sinh kết thúc vào Chúa Nhật này với Lễ Chúa Giê-su chịu Phép rửa. 
 
Không phải ông Gio-an hay Chúa Giê-su đã lập ra Phép rửa, nhưng nghi thức này đã xuất hiện hàng nhiều thế kỷ trong dân Do-thái như là một nghi thức tương tự với Bí tích giao hòa của chúng ta ngày nay. Nghi thức này đã trở thành thông dụng đối với người Do-thái mãi đến khi xụp đổ Đền thờ Giêrusalem vào năm 70 sau CN, họ dùng một bể nước đặc biệt được gọi là Mikveh – theo nghĩa đen là một “nơi chứa nước” biểu hiện tẩy rửa đời sống thiêng liêng: để tẩy trừ tội lỗi và ô uế phần hồn. Người đàn ông phải tắm rửa sạch sẽ vào tối hôm trước ngày Sa-bát hàng tuần; còn phụ nữ thì hàng tháng. Đồng thời, những người hoán cải cần tắm rửa sạch sẽ trước khi gia nhập Đạo Do-thái. Những người Do-thái chính thống vẫn còn giữ nghi thức này cho đến ngày nay. Thánh Gio-an dạy rằng việc thanh tẩy là một sự chuẩn bị cần thiết cho việc đón Đấng Mêsia đang đến. Chúa Giê-su đã liên kết nghi thức này thành một hành động dứt khoát mà chúng ta khởi đầu bằng Đức tin. Ngài đã liên kết ơn thánh với nước và nghi thức.
 
Một vài câu hỏi: 1) Tại sao Chúa Giê-su - Con Một Thiên Chúa vô tội lại chịu Phép rửa như những tội nhân? 2) Tại sao Chúa Giê-su lại chờ đợi mãi đến 30 năm sau mới bắt đầu sứ vụ công khai của mình? Câu trả lời gây ngạc nhiên cho câu hỏi thứ nhất được rút ra từ cuốn sách ngụy “Tin mừng theo những người Do-thái – the Gospel according to the Hebrews” rằng Chúa Giê-su đã chịu Phép rửa của ông Gio-an để làm hài lòng Mẹ và những người họ hàng của Ngài. Trong sự tùng phục khiêm hạ này, chúng ta thấy một điềm báo trước Phép rửa về cái chết đẫm máu của Ngài trên thập giá. Phép rửa mà Chúa Giê-su chịu bởi tay ông Gio-an là sự ưng thuận và khởi đầu sứ vụ của mình như là Người tôi trung đau khổ của Thiên Chúa. Ngài đã chấp nhận liệt mình vào hàng tội nhân. Chúa Giê-su đã hoàn toàn phục tùng ý muốn của Chúa Cha. Vì tình yêu, Ngài đã ưng thuận Phép rửa tức là sự chết để xóa bỏ tội lỗi cho chúng ta. Nhiều Giáo phụ trong Giáo hội giải thích rằng Chúa Giê-su đã chịu Phép rửa để đồng hóa với nhân loại. Lời rao giảng của ông Gio-an giúp dân Do-thái ý thức về tội lỗi và nhu cầu sám hối của mình. Từ xa xưa, người Do-thái đã có tư tưởng truyền thống rằng chỉ dân ngoại theo Đạo Do-thái mới cần phải sám hối và thanh tẩy. Họ coi mình là dân được Thiên Chúa tuyển chọn, dân tộc Do-thái là dân thánh. Chúa Giê-su – Đấng được mong đợi phải xuất phát từ dân Do-thái để bắt đầu sứ vụ công khai của mình. Các Giáo phụ chỉ ra rằng những lời mà Giọng nói của Thiên Chúa Cha từ trời cao phát ra giống với Thánh vịnh 2, 17, tỏ lộ căn tính của Chúa Giê-su (“Đây là Con Ta yêu dấu”) và từ sách Isaiah 42, 1 liên quan đến “Người tôi trung đau khổ” (“Người mà Ta hài lòng”), tỏ lộ sứ mạng cứu độ nhân loại của Chúa Giê-su bằng cái chết của Ngài.
 
Bước ngoặt: Việc Chúa Giê-su chịu Phép rửa là một trải nghiệm huyền bí mà Chúa Giê-su đã cảm thấy đau buồn tột bậc trong lòng trước cuộc khổ nạn là một bước ngoặt trong cuộc đời Ngài. Các tầng trời mở ra, Thánh Thần tựa chim bồ câu đậu xuống trên Chúa Giê-su, và một Giọng nói tuyên bố về Ngài rằng “Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người” là mạc khải của Thiên Chúa dành cho nhân loại về Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi Phép rửa ở sông Gióc đan tỏ lộ sứ vụ và bản tính đích thực của Chúa Giê-su. Các tầng trời mở ra  cũng chỉ ra rằng đây là thời điểm can thiệp đầy uy quyền của Thiên Chúa vào trong lịch sử nhân loại và cuộc sống của Ngôi Hai. Việc Chúa Giê-su chịu Phép rửa là một biến cố hết sức quan trọng trong cuộc đời Ngài. Trước hết, đó là một bước quyết định. Điều này đánh dấu việc chấm dứt đời sống ẩn dật của Chúa Giê-su – bước đệm chuẩn bị cho sứ vụ công khai của Ngài. Thứ đến, đó là thời điểm Ngài đồng hóa và dấn mình cho nhân loại khởi đi từ Phép rửa của ông Gio-an theo ý định của Thiên Chúa Cha. Thứ ba, đó là thời điểm Ngài được Chúa Cha chứng thực. Chúa Giê-su – Đấng phải đến được mong đợi trong dân Israel cần một dấu chỉ tôn nhận của Chúa Cha từ trời cao, và trong lúc chịu Phép rửa Ngài đã được Chúa Cha chứng thực “Con yêu dấu của Chúa Cha”. Thứ tư, đó là thời điểm Ngài cam kết cùng Chúa Cha. Trong Phép rửa, Chúa Giê-su đã tiếp nhận những điều chắc chắn từ trời cao về căn tính và sứ vụ của Ngài: a) Ngài là “Người được chọn” và là “Con Một yêu dấu của Chúa Cha”; b) Sứ vụ cứu chuộc nhân loại của Ngài sẽ được hoàn tất, không phải chinh phục như kiểu người Roma nhưng bằng cách trở nên “Người tôi trung đau khổ của Thiên Chúa” qua con đường thập giá. Thứ năm, đó là thời điểm Ngài được trang bị sức mạnh quyền uy, khi Thánh Thần đậu xuống trên Chúa Giê-su dưới hình chim bồ câu (biểu tượng của sự hiền hòa), Chúa Thánh Thần đã trang bị cho Chúa Giê-su quyền năng loan báo Tin mừng - Good News, (mà Thiên Chúa là Cha nhân từ muốn cứu chuộc tất cả nhân loại thoát khỏi vòng tội lỗi nhờ Chúa Giê-su - Con Một yêu dấu của Ngài), trái ngược với “cây rìu”“ngọn lửa” mà ông Gio-an loan báo về ngày phán xét của Thiên Chúa đối với tội nhân.
 
Vua thánh Louis IX của nước Pháp ở thế kỷ 13 đã nhất định tổ chức sinh nhật của mình vào ngày chịu Phép rửa tội chứ không tổ chức vào ngày sinh của mình. Vua lý luận rằng Bí tích Thánh tẩy chính là sự khởi đầu của đời sống mới vĩnh cửu trong Nước Trời.
 
Những thông điệp cuộc sống: 1) Phép rửa Chúa Giê-su chịu nhắc nhở chúng ta về căn tính và sứ mạng của mình. Trước hết, Phép rửa nhắc nhở chúng ta biết mình là ai và thuộc về ai. Nhờ Bí tích Rửa tội, chúng trở nên con cái Thiên Chúa, là anh chị em của Chúa Giê-su, là thành phần của Hội Thánh, chi thể của Chúa Ki-tô và là Đền thờ của Chúa Thánh Thần. Do đó, “Bí tích Thánh tẩy là cổng dẫn vào toàn bộ đời sống Ki-tô hữu, là nền tảng sự hiệp thông giữa các Ki-tô hữu và của mọi Bí tích khác” (sách GLGHCG no 1213). Mỗi khi chúng ta bước vào nhà thờ, việc chấm nước phép làm dấu Thánh giá là chúng ta đã được ban ân sủng. Tại sao như thế? Thưa mỗi khi chúng ta làm như vậy là nhắc nhở chúng ta nhớ lại Bí tích Rửa tội mà mình đã lãnh nhận. Và khi tôi được ân phúc nhờ nước Thánh, tôi thâm tín một điều chắc chắn rằng tôi là con Thiên Chúa; tôi cũng được cứu độ nhờ thập giá của Đức Ki-tô; tôi được trở nên thành viên của gia đình Hội Thánh và tôi đã được rửa sạch, được tha thứ, và nên tinh tuyền nhờ Máu của Con Chiên.
 
Thứ đến, Phép rửa Chúa Giê-su chịu nhắc nhở chúng ta về sứ mạng của mình: a) Để cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa nơi ta, để nhận biết phẩm giá mình là con cái Thiên Chúa, và để thấy rõ sự hiện diện của Thiên Chúa nơi người khác bằng việc tôn trọng, yêu thương và phục vụ họ với tất cả sự khiêm hạ; b) Để sống như con cái Thiên Chúa cả trong tư tưởng, lời nói và việc làm, có như thế Cha trên trời mới nói với chúng ta như Ngài đã nói với Chúa Giê-su: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”; c) Để đạt đến một đời sống Ki-tô hữu trong sáng và thánh thiện để không làm ô uế lòng mình (Đền thờ của Chúa Thánh Thần và chi thể của Chúa Ki-tô) như bất công, hận thù, ghen ghét; d) Để đón nhận cả những trải nghiệm tốt cũng như xấu trong cuộc đời như quà tặng của tình yêu Thiên Chúa để chúng ta lớn lên trong ân sủng; e) Để lớn lên hằng ngày trong mối dây thân tình với Thiên Chúa bằng những lời kinh chung cũng như cá nhân với Ngài qua việc đọc Lời Chúa, tham dự Thánh lễ, và thường xuyên lãnh nhận Bí tích Giao hòa; f) Để được trở thành người đồng sáng tạo với Thiên Chúa trong việc xây dựng Nước Chúa ở trần gian này, một Vương quốc của thứ tha, công bình và tình yêu, hầu trở nên muối và ánh sáng cho gian trần. 
 
2) Lễ Chúa Giê-su chịu Phép rửa là dịp cho chúng ta nhớ đến những ân sủng mà chúng ta đã nhận được trong Bí tích Rửa tội và để làm mới lại những lời hứa trong ngày lãnh Bí tích Thánh tẩy của mình, như ĐTC Gio-an Phaolo II đã diễn giải: “Vào ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội của mình, chúng ta được xức Dầu Dự Tòng, dấu chứng sức mạnh của Chúa Ki-tô để chống trả lại sự dữ. Nước Thánh được đổ lên đầu chúng ta, một dấu chỉ hữu hiệu sự tẩy rửa tâm hồn nhờ Thần Khí. Sau đó, chúng ta được xức Dầu Thánh để được thánh hóa nên giống Đức Ki-tô. Nến được đốt từ ngọn Nến Phục Sinh là dấu chỉ ánh sáng Đức tin mà cha mẹ chúng ta và người đỡ đầu có bổn phận che chở và nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng nơi chúng ta”. Đây còn là ngày để chúng ta làm mới lại những lời cam kết trong Bí tích Rửa tội, hiến dâng thân mình cho Thiên Chúa và hứa “từ bỏ tà thần và tất cả những lời dụ dỗ của nó” nơi thế gian trần tục này đang không ngừng lôi kéo chúng ta qua những phương tiện truyền thông. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta trung thành với những lời hứa khi chịu Phép Rửa tội. Đồng thời, chúng ta hãy cảm tạ Ngài về những đặc ân mà Ngài đã ban cho chúng ta qua Tin mừng: Tình yêu, lòng thương xót và thứ tha. 
 
Khi bệnh phong lan ra nhiều người trên quần đảo Hawaii vào giữa thế kỷ 19, các nhà chức trách đã thiết lập một trại những người mắc bệnh phong hủi trên một hòn đảo xa xôi ở Molokai. Các nạn nhân bị gia đình họ bắt ép và gửi tới hòn đảo này để cho chết dần chết mòn. Tuy nhiên, trên chuyến bay khiếp sợ đó, một linh mục trẻ người Bỉ - Đamien De Veuster đã xin bề trên cho phép đi để chăm sóc họ. Không một chút do dự, cha đã nhận ra rằng chỉ có một cách hữu hiệu để làm điều này, đó là đi và sống cùng họ. Khi đã được phép bề trên, cha đã tới Molokai. Lúc đầu cha đã cố gắng để chăm sóc những người phong hủi trong khi vẫn giữ một khoảng cách nhất định. Nhưng cha đã sớm nhận ra rằng cha phải dấn thân giữa họ để lấy được lòng tin tưởng nơi họ. Và kết quả là cha đã bị lây bệnh phong từ họ. Ngay lập tức những người mắc bệnh phong hoàn toàn tin tưởng cha. Họ ôm ghì lấy cha, và giờ đây cha là một người trong số họ, cha chẳng cần gì phải giữ khoảng cách, chẳng cần gì phải đề phòng nữa. Những người phong hủi đã có một người để cảm thông về bệnh phong, về nỗi đau, sự hắt hủi và nỗi tủi hổ với xã hội. Tin mừng hôm nay giúp chúng ta hiểu hơn điều đó. Qua việc đón nhận Phép rửa, Chúa Giê-su đã trở nên đồng hóa với tội nhân để qua đó Ngài cứu độ họ.
 
Tony Kadavil
Giuse Đỗ QC chuyển ngữ
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập374
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm358
  • Hôm nay73,711
  • Tháng hiện tại661,744
  • Tổng lượt truy cập70,689,501
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây