CN 17: Hãy xin thì sẽ được, hãy gõ sẽ mở cho

Thứ sáu - 22/07/2016 20:33  2456
St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13

Trong cuộc chiến tranh ác liệt giữa nước Pháp và nước Đức năm 1870, tại một bệnh viện Pháp có một thương binh vốn là một sĩ quan người Đức bị bắt làm tù binh. Một hôm bác sĩ báo tin buồn cho anh là có lẽ anh sẽ không còn sống được bao lâu nữa vì vết thương ngày càng trầm trọng. Viên sĩ quan tỏ ra bất cần một cách ngạo nghễ và can đảm chờ chết.

Thế rồi, có một chị nữ tu y tá Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn chăm sóc anh đã lâu, ân cần khuyên anh nên xin gặp một linh mục để dọn mình trước khi chết. Anh thú nhận mình là người Công giáo, nhưng bỏ đạo từ lâu nên một mực từ chối lời đề nghị chân thành này.

Thế nhưng chị nữ tu vẫn dịu dàng nói: “Nếu vậy, tôi sẽ cầu xin Chúa cho ông mau hồi tầm trở về với Chúa.” Viên sĩ quan tỏ vẻ thương hại mỉa mai: “Tôi nghĩ là chị sẽ chỉ cực nhọc vô ích mà thôi…” Chị nữ tu kiên nhẫn thuyết phục: “Tại sao ông lại hoài nghi về lời cầu nguyện?” Tôi xin thú thật với ông rằng đã 16 năm nay, các chị em trong dòng chúng tôi vẫn đang cầu nguyện cho một người được ơn trở lại cùng Chúa.

Viên sĩ quan ngạc nhiên hỏi lại: “16 năm rồi cơ à? Thế người được các chị cầu nguyện cho ấy có lẽ là một ân nhân của nhà dòng hoặc là người thân của chị?”
Nữ tu trả lời: “Không ông ạ! Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa hề gặp mặt người ấy bao giờ. Trước đây rất lâu, mẹ tôi là người hầu cho một nữ nam tước người Đức. Trong một lần tôi tới thăm mẹ tôi, bà nam tước biết tôi là nữ tu nên đã khẩn khoản nhờ tôi cầu nguyện cho con trai của bà ấy. Anh ta đã mất niềm tin vào Chúa, đã sống một cuộc đời vô tín ngưỡng, phóng túng, đam mê danh vọng và quyền lực… Đã 16 năm trôi qua, tôi và cả nhà dòng vẫn kiên trì tin vào sự quan phòng yêu thương của Chúa mà cầu nguyện cho anh ta không ngừng. Mới đây, tôi nhân được tin của nữ nam tước cho biết anh ta hiện đang tham gia vào cuộc chiến phi nghĩa và man rợ này…”

Người sĩ quan nghe chuyện cúi gục đầu xuống thinh lặng. Rồi bất giác, anh ngửng lên gặng hỏi chị nữ tu: “Chị ơi, thế mẹ của chị có phải là bà Béate không?” Chị nữ tu vô cùng ngạc nhiên hỏi: “Làm sao ông lại biết tên mẹ tôi?”

Đến đây thì viên sĩ quan nghẹn ngào thú nhận tất cả: “Thưa chị, tôi chính là nam tước C-harles, con trai của nữ nam tước mà mẹ chị đã tận tuỵ hầu hạ bấy lâu nay. Và như thế, tôi cũng chính là người mà chị và cả nhà dòng đã cầu nguyện cho trong suốt 16 năm nay mà không biết. Khi tôi lên đường ra trận, biết tôi có tham vọng sẽ trở thành một viên tướng lừng danh, mẹ tôi đã tỏ ra thương xót tôi và tha thiết mong tôi sẽ thay đổi cuộc sống ảo tưởng mà quay về với Thiên Chúa như mẹ tôi đã từng khuyên bảo bao lần. Lúc đó, tôi đã cười lớn mà chế nhạo sự ngu ngơ của mẹ tôi, cho đó chỉ là một sự dị đoan ấu trĩ, nhưng bây giờ tôi thật sự muốn khóc, khóc vì ân hận dày vò…”

Và quả thật, viên sĩ quan đã khóc như một đứa trẻ, để rồi sau đó là những ngày cuối cùng thật hạnh phúc. Người con hoang đàng ấy đã trở về với Thiên Chúa là Cha nhân từ giàu lòng xót thương.

Câu chuyện trên muốn nói với chúng ta rằng nếu chúng ta kiên nhẫn và khiêm tốn cầu nguyện, chắc chắn Thiên Chúa sẽ chấp nhận. Đây cũng chính là sứ điệp mà Lời Chúa hôm nay gửi đến với chúng ta.

Quả vậy, bài đọc thứ nhất trích sách St đã kể lại cuộc “thương lượng” giữa ông Abraham và Thiên Chúa. Thiên Chúa có dự định tiêu diệt thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra vì tội lỗi của họ quá lớn. Ông Abraham đã nài xin Thiên Chúa vì nếu có 50 người công chính, rồi xuống còn 45, 40, 30, 20 và 10 người thì vì số người công chính ít ỏi ấy, Chúa đừng tiêu huỷ cả thành. Những gì Abraham thương lượng đều được Thiên Chúa đồng ý “Vì 50, 45, 40, 30, 20, hay 10 người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm.” Thiên Chúa là như vậy đó. Ngài luôn khoan dung độ lượng và hay tha thứ. Chỉ cần con người khiêm tốn và kiên nhẫn cầu xin, chân thành trở về là lại được Ngài yêu thương tha thứ.

Bài Tin Mừng càng làm sáng tỏ chân lý này hơn nữa. Thật thế, sau khi cầu nguyện, các môn đệ đến xin Đức Giêsu dạy cầu nguyện. Ngài đã dạy các ông cầu nguyện rằng “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho những người có lỗi với cúng con và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” Không chỉ dạy các môn đệ cầu nguyện, Đức Giêsu còn kể một dụ ngôn để khẳng định rằng nếu kiên nhẫn và khiêm tốn cầu nguyện, chắc chắn lời cầu nguyện của ta sẽ được Thiên Chúa chấp nhận.

Dụ ngôn ấy kể về một người bạn nửa đêm đến nhà một người bạn vay ba cái bánh vì có một người bạn ghé thăm, nhưng không còn gì để tiếp đãi. Ban đầu người bạn có bánh từ chối vì ông và các con ông đã lên giường ngủ. Tuy nhiên, người bạn kia vẫn kiên nhẫn nài nỉ, nên cuối cùng người có bánh phải trỗi dậy lấy bánh cho người bạn đang cần cho dù không vì lòng tốt, nhưng để khỏi cuối rầy. Khi kể xong dụ ngôn, Đức Giêsu đưa ra kết luận “Thế nên, Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì nhận được, cứ gõ thì sẽ mở cho.” Thiên Chúa không những trao ban cho chúng ta những gì chúng ta cần mà còn trao cho chúng ta những ơn huệ lớn lao hơn gấp bội. Đó không phải là gì khác mà là chính Thánh Thần “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha anh em trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”

Chính thánh Phaolô tông đồ cũng phải thừa nhận tình thương yêu tha thứ của Thiên Chúa trước sự khiêm tốn và kiên nhẫn của người tín hữu. Quả thế, vì Đức Giêsu đã chết và sống lại vì chúng ta nên chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta cùng được chết với Đức Giêsu và cùng được sống lại với Người. Nhờ tin vào quyền năng tha thứ của Thiên Chúa mà chúng ta được cùng chết và sống lại với Người “Thưa anh em, anh em đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa”. Nhờ cùng được chết và sống lại với Đức Giêsu mà chúng ta được tha thứ hết mọi lỗi lầm “Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta, đã xoá sổ nợ cho chúng ta, đã huỷ bỏ nó bằng cách đóng đinh nó vào thập giá”.

Kiên nhẫn và khiêm tốn cầu nguyện cách đúng đắn, chắc chắn lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được Thiên Chúa chấp nhận. Thiên Chúa đã đồng ý với lời cầu xin tha thiết của Abraham là sẽ không tiêu diệt thành Xơ-đôm nếu chỉ có 10 người công chính trong thành. Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện và kể một dụ ngôn để chứng minh giá trị của cầu nguyện. Thử nhìn lại đời sống của mình và tự hỏi tôi đã khiêm tốn và kiên nhẫn cầu nguyện ra sao? Tôi đã cầu nguyện theo cách thức và nội dung kinh nguyện mà Đức Giêsu đã dạy các môn đệ năm xưa chưa? Nguyện xin Chúa tha thứ mọi lỗi lầm, sự lười biếng và thiếu kiên nhẫn trong cầu nguyện của chúng con. Xin cho chúng con thêm xác tín rằng nếu chúng con cầu nguyện đúng, đủ kiên nhẫn và khêm tốn, chắc chắn Chúa sẽ biến lời cầu nguyện của chúng con thành hiện thực. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập127
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm94
  • Hôm nay25,476
  • Tháng hiện tại543,979
  • Tổng lượt truy cập69,603,853
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây