Thành công của cha xứ đến từ đâu?

Thứ tư - 30/12/2015 09:09  3089
Người ta thường nói: “Đằng sau một người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ đảm đang”. Quả là như vậy, nếu không có người phụ nữ đảm đang lo việc nhà, việc con cái, người đàn ông khó có thể yên tâm lo cho sự nghiệp. Một cách so sánh tuy hơi khập khiễng, song ta vẫn có thể nói “Đằng sau thành công của một cha xứ là hoa trái của ơn thánh và sự hỗ trợ tích cực của giáo dân”.

Quả thật, một giáo xứ muốn có nhà thờ, nhà giáo lý, nhà mục vụ khang trang, tiện nghi, phù hợp..., thì mọi thành phần trong giáo xứ phải cùng với cha xứ nỗ lực xây dựng. Họ cần quảng đại góp tiền bạc, công sức, thời gian, trí tuệ... Một mình cha xứ dù có tài giỏi và tích cực đến mấy đi nữa nếu không có sự cộng tác đắc lực của giáo dân thì cũng không thể làm gì hơn được ngoài việc chán nản, ngán ngẩm và thất vọng. Những tấm lòng quảng đại của giáo dân trong việc dâng cúng cho nhà thờ là động lực khích lệ các cha xứ nhiệt thành dấn thân cho giáo xứ.

Một giáo xứ muốn có đức tin sống động, lòng mến nồng nàn, niềm cậy trông bền vững thì không thể không cần đến sự cộng tác hết mình của giáo dân trong các chương trình đức tin do cha xứ hoạch định. Giả sử cha xứ chăm chỉ ngồi toà, giáo dân không đến, thì cha xứ cũng không thể làm cầu nối hoà giải tốt giữa đoàn chiên với Chúa được. Nếu cha xứ có một kế hoạch tốt để thăng tiến đời sống đạo cho đoàn chiên mà các tín hữu lại không tích cực hưởng ứng thì nỗ lực của cha xứ dường như sẽ trở nên vô nghĩa. Chẳng hạn cha mở lớp thăng tiến hôn nhân, giáo lý cho người người trưởng thành, các buổi nói chuyện chuyên đề cho các hội đoàn mà các đối tượng ấy không tham dự thì những chương trình, những buổi nói chuyện chuyên đề kia nào có ích gì!

Một giáo xứ muốn hiệp nhất yêu thương để qua đó diễn tả sự hiệp nhất Ba Ngôi Thiên Chúa, hiệp nhất đoàn chiên với Chúa, hiệp nhất mọi người trong giáo xứ với nhau, mỗi người không thể không cố gắng xây dựng, củng cố sự hiệp nhất từ trong gia đình cho tới môi trường khác. Điều này đỏi hỏi cha xứ và đoàn chiên phải ăn ý với nhau trong việc điều hành, xây dựng giáo xứ cũng như trong việc nỗ lực sống và thể hiện đức tin. Một giáo xứ mà trong đó cha xứ không tin giáo dân, giáo dân không tín nhiệm cha xứ, các tín hữu không đón nhận giáo huấn của Giáo hội qua cha xứ thì giáo xứ ấy không thể lớn lên trong yêu thương hiệp nhất được và thay vào đó là chia rẽ, bất hoà, mâu thuẫn, xích mích, bất đồng...

Cuộc đời linh mục không thiếu bóng dáng của thập giá, khổ đau, giới hạn và yếu đuối. Do đó, hơn bao giờ hết, các linh mục cần thiết biết bao sự cảm thông, nâng đỡ, khích lệ của chính giáo dân. Những cuộc viếng thăm, những lần hỏi han, những bữa cơm thân tình, những món quà nho nhỏ với tấm lòng chân thành là động lực khích lệ các cha xứ vui vẻ dấn thân không biết mệt mỏi cho đoàn chiên. Về mặt nguyên tắc, đi tu là để tìm niềm vui, nguồn hạnh phúc, ơn bình an từ Thiên Chúa, nhưng trong thực tế thì linh mục lại cần đến sự cộng tác đắc lực của các tín hữu biết bao. Sự đón nhận, lòng cảm thông, việc góp ý chân thành, đóng góp các sáng kiến... vô cùng cần thiết trong việc nâng đỡ các cha xứ trước những khó khăn, những đòi hỏi của sứ mạng mà đôi lúc tưởng chừng vượt quá sức người của các cha xứ.

Các tín hữu của Chúa Kitô vẫn còn thật tốt bụng! Không thiếu các tín hữu âm thầm giúp đỡ các cha xứ về mọi mặt. Có người giúp cho cha phương tiện để làm tông đồ một cách không so đo tính toán, không cần ai biết đến, chẳng mong được tiếng khen, chỉ một mình Thiên Chúa biết là đủ. Có những người âm thầm cầu nguyện cho cha xứ, đón nhận mọi kế hoạch, dự định của cha, đem hết sức mình thực hiện. Có những người rất chân thành góp sáng kiến để chương trình mục vụ của cha tốt hơn và hiệu quả hơn. Có những người rất thật thà dành cho cha những lời khen tặng, đúng việc, đúng lúc, đúng chỗ... Dù ít dù nhiều, những việc làm khác nhau ấy của anh chị em giáo dân cho cha xứ không ngoài mục đích giúp cha chu toàn sứ mạng cao cả Chúa trao phó đều đem lại cho các mục tử nguồn sức mạnh lớn lao để các ngài cố gắng nên thánh ngay từ những bổn phận thường ngày của mình.

Tuy nhiên, không thiếu những lần các mục tử phải đắng đót trước những phản hồi thiếu xây dựng từ phía cộng đoàn các tín hữu. Những xì xào, những toan tính, những lợi ích phe nhóm, những so đo hẹp hòi... có thể làm cho các cha mất đi nhuệ khí, lòng nhiệt thành với đoàn chiên. Những lần như thế, có lẽ hơn bao giờ hết, các cha cần ý thức rằng thập giá hay bóng tối của cuộc đời linh mục là thế. Có lẽ hơn bao giờ hết, các linh mục, môn đệ thân tín của Chúa Giêsu, phải chân nhận rằng theo Chúa không phải là đi trên con đường thênh thang dễ dài, không thập giá, không đắng cay, nhưng theo Chúa là bước vào con đường thập giá khổ đau để đạt tới vinh phúc quê trời “Ai muốn theo tôi, muốn làm môn đệ của tôi, phải bỏ mình, vác thập giá mình mỗi ngày mà theo”.

Như vậy, để có thành công trong cuộc đời này, bất cứ ai cũng cần sự hỗ trợ cộng tác của người khác; đó có thể là người thân, bạn bè, học trò... Hơn bao giờ hết, để gạt hái những kết quả tốt đẹp trong sứ mạng, các mục tử của Chúa Giêsu trước tiên cần đến ơn Chúa và sau đó là cần sự cộng tác tích cực, vô tư, chẳng toan tính của giáo dân. Ước mong cho giáo dân hiểu được điều ấy để cùng với các mục tử xây dựng giáo xứ của mình mỗi ngày một lớn lên về mọi mặt, nhất là lớn lên trong lòng tin, lòng mến và niềm hy vọng. Nhờ thế mà mỗi người đều có thể cảm nếm được hoa trái ơn cứu độ từ hôm nay, ngay trong mọi biến cố và hoàn cảnh của cuộc sống hiện tại.

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập201
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm177
  • Hôm nay33,758
  • Tháng hiện tại872,543
  • Tổng lượt truy cập69,932,417
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây