Hướng tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô

Thứ bảy - 16/05/2020 04:30  1930
Tựa đề bài viết là lời Thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu hãy sống hết mình với ơn kêu gọi của Chúa. Thánh nhân mời gọi hãy vươn đến con người trưởng thành là chính những chi thể tuyệt vời của Đức Kitô: Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, hòa thuận với nhau (x. Ep 4,2-3). Bài viết này muốn đóng góp một vài ý tưởng về sự trưởng thành toàn diện theo gương mẫu hoàn thiện của Đức Kitô (x. Ep 4,12-13). Người đã được Chúa Cha xác nhận: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17).

Sự trưởng thành toàn diện thể hiện ở hai phương diện: Tinh thần và cách hành xử. Tâm hồn luôn bình an và thể xác luôn an mạnh là một mẫu mực của hạnh phúc, thánh thiện. Đặc biệt, sự thống nhất đó vẫn giữ được ngay cả khi gặp những thử thách gian nan. Sự trưởng thành như thế làm cho con người “không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm kẻ khác lầm đường” (Ep 4,14).

1. Từ bỏ mình và vác thập giá mình

untitled 1Để đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô, trước hết thái độ nội tâm của người đó là từ bỏ mình và vui vẻ vác thập giá. Đức Giêsu đã mời gọi các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Mt 16,24).

1.1. Từ bỏ mình để có tự do theo Chúa

Làm thế nào để có cuộc sống thanh thản nhẹ nhàng tự do? Xin thưa, đó là từ bỏ. Con người nhiều khi thấy cuộc sống nặng nề không chịu đựng nổi, không vác nổi, thường là do chưa buông bỏ những thứ không thuộc bổn phận của mình. Họ muốn dính bén và bám víu mãi. Từ bỏ là cách để bản thân con người được nhẹ nhàng tự do.

Việc từ bỏ chính mình bao gồm những sở thích, ý riêng của mình, những đam mê của bản thân khi nó hướng đến chiều hướng không tốt, hoặc không phù hợp với ý muốn của Chúa. Khi buông bỏ, con người sẽ có tự do. Tự do hay làm chủ bản thân là điều kiện đầu tiên để có thể hướng đến đời sống thanh thản.

Biết từ bỏ để vượt thắng cám dỗ

Ma quỷ đánh vào điều con người thích, con người cần. Nó lừa con người rất tinh vi, tạo ra cảm giác ảo, độc và hại, nhưng lại làm con người ta thích thú và dễ chịu. Để vượt thắng, người ta cần làm chủ chính mình, từ bỏ những gì mình thích, nhưng lại không tốt cho bản thân hay cho người khác. Khi biết từ bỏ mình, con người có thể làm chủ bản thân trước cám dỗ về: Danh vọng, quyền lực, tiền bạc và tình cảm. Chưa từ bỏ được những thói hư tật xấu, con người bị giằng co, xâu xé, khó được bình an.

Tinh thần nghèo khó

Sống biết từ bỏ còn thể hiện một người có tinh thần nghèo khó. Sự thật là con người chẳng có gì cả, ngay cả bản thân mình cũng là được Thiên Chúa ban cho. Do đó, khi được mời gọi để làm những điều tốt đẹp, chúng ta cần sẵn sàng từ bỏ những ham muốn, đam mê xấu (ngay cả mạng sống mình), để sống theo ý Chúa.

1.2. Vác thập giá của mình

Ai biết từ bỏ mình thì tự do với bản thân, sẽ vui vẻ vác thập giá đời mình và ngược lại. Vác thập giá đời mình là làm theo ý muốn của Thiên Chúa nơi mình. Chúa không bao giờ đặt gánh nặng quá sức con người (x. 1 Cr 10,13). Mỗi người sinh ra đều có một sứ mệnh. Thập giá của mình là ý Chúa và vác thập giá đời mình sẽ nên thánh. Bổn phận nên thánh là việc quan trọng nhất con người cần chu toàn.

Tinh thần vượt khó

Thập giá cuộc đời thì gian nan đau khổ. Người ta muốn bỏ hơn là muốn giữ. Nhưng để trưởng thành, ta chọn từ bỏ mình chứ không bỏ thập giá. Người trưởng thành bỏ thú vui thèm muốn chứ không bỏ bổn phận hay bỏ thập giá đời mình. Có chịu được đau khổ, con người mới có khả năng giúp ích cho cuộc đời. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến: Người trẻ thực sự là người có thể “ở đó cho người khác”, tức là có thể hy sinh và phục vụ.

Không vác thập giá mình sẽ gây gánh nặng cho người khác

Một người không chu toàn bổn phận của mình trong cộng đoàn, trong giáo xứ, trong gia đình sẽ làm cho gia đình, cộng đoàn, xã hội có thêm gánh nặng. Nhiều người thiếu tinh thần vác thập giá mình, Thánh Gioan Vianney gọi là bệnh sợ thập giá. Điều họ ao ước là những lợi lộc, bận tâm hưởng thụ, chứ không phải là chu toàn trách nhiệm của mình. Những người đó thực sự chưa trưởng thành, vẫn cần phải ăn thức ăn mềm, chưa thể chịu đau khổ và giúp ích người khác được.

2. Hiền hòa và kính trọng

Một người biết từ bỏ mình và vui vẻ vác thập giá mình thì sẽ có thể trả lời bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng hay ơn gọi của mình bằng thái độ hiền hòa và kính trọng (x. 1 Pr 3,15-16). Cuộc sống khi đó sẽ thật êm ái dễ chịu. Hiền hòa và kính trọng là lời mời gọi của Thánh Phêrô, môn đệ trưởng của Đức Giêsu, và có một câu nói khác của Đức Giêsu cũng mời gọi những người đang mang gánh nặng: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

2.1. Hiền hòa

Người hiền lành cảm nhận sâu xa rằng mọi người đều là anh em. Chúa mới là chủ, còn mình là ai mà lên mặt, khó khăn với người khác. Ai “ở hiền sẽ gặp lành” còn “ác giả ác báo”. Hiền lành thể hiện sự vâng phục và phó thác vào Thiên Chúa như Đức Kitô “bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bằng” (1 Pr 2,23). Thêm nữa, người có lòng kính sợ Chúa là người hiền lành với những người anh em khác. Còn người không kính sợ Chúa, coi trời bằng vung, thì sẽ coi thường và đối xử không hiền lành với người khác. Người hiền lành được chúc phúc: “Phúc cho ai hiền lành, vì họ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5,4).

Hiền lành để đón nhận nhau

Hiền lành sẽ luôn có chỗ ở (Đất Đức Chúa Trời) và sẽ dành chỗ cho người khác. Người đối xử cách hiền lành làm cho cuộc sống nhẹ nhàng và sẽ trở thành một nơi cho người khác có thể nghỉ ngơi, bồi dưỡng (x. Mt 11,28). Đó là nơi thật dễ chịu. Người hiền lành là người đã có tinh thần từ bỏ mình cũng như từ bỏ được những ham muốn giằng co trong lòng. Đồng thời, người hiền lành có tâm hồn đón nhận vác thập giá cách thanh thản, như khi có những khó khăn trong cuộc đời.

Hiền hòa thể hiện thái độ dễ dàng tha thứ, đón nhận nhau. Một người có thể sống hiền hòa với người khác, dù người khác có yếu đuối tội lỗi thế nào, thì chắc hẳn trong đời người ấy đã trải qua kinh nghiệm yếu đuối lỗi lầm và được tha thứ. Khi cảm nhận được tha thứ và chữa lành, con người có thể tha thứ đón nhận những người khác biệt với mình.

Trái ngược hiền lành

2Ngược lại, người không hiền, nóng nảy thì đến chỗ nào là làm phiền chỗ đó, khó xây dựng phát triển. Nóng nảy dẫn đến tự kiêu, khinh thường, sỉ nhục người khác, đó là dấu hiệu chưa trưởng thành, dấu hiệu của bất an. Người không hiền lành, thì sẽ khó có chỗ yên ổn để ở, hay nói vui là dễ bị “chuyển xứ”. Chẳng hạn, một giáo xứ được một chủ chăn hoặc người giúp xứ không hiền lành, thì thường khó được chấp nhận. Cũng vậy, một giáo xứ mà giáo dân không hiền lành, cha xứ sẽ dễ phải “chuyển xứ” dù đáng ra giáo dân giáo xứ ấy mới phải chuyển, nhưng như thế thì rất phức tạp. Cũng như một gia đình bố mẹ khó tính, thì con cái không thích ở nhà.

Hiền lành khác nhu nhược

Người hiền hòa sở hữu bản lĩnh làm chủ cơn nóng giận, có tầm nhìn, chứ không phải nhu nhược ba phải. Một người có tính ba phải a dua thì không muốn thay đổi điều gì cho đỡ phiền vì sợ hãi. Họ chẳng đóng góp được điều gì. Ngược lại, người hiền lành thật, dám gặp gỡ đối thoại với bất cứ ai về niềm hy vọng, về suy nghĩ của mình. Người hiền lành thật thể hiện sự khiêm nhường trong lòng.

2.2. Kính trọng hay lòng khiêm nhường

Cách cư xử của người trưởng thành là kính trọng hay luôn khiêm nhường. Họ tin tưởng rằng mỗi người đều có phẩm giá cao quý và là hình ảnh của Thiên Chúa. Do đó, mọi người bình đẳng với nhau, nên cần có một sự kính trọng đối với nhau. Kính trọng cũng thể hiện sẵn sàng để mình ngạc nhiên trước mầu nhiệm người khác vì mỗi người có những điều đặc biệt Chúa phú bẩm cho. Lòng kính trọng đủ sẽ không bao giờ áp đảo người khác, nhưng chờ đợi câu trả lời của người khác. Mỗi người ta gặp có thể soi sáng cho ta biết ý muốn của Thiên Chúa. Cho nên, ta cần khiêm tốn để kính trọng lắng nghe họ, hình ảnh của Chúa.

Đối xử với sự kính trọng thể hiện niềm hy vọng

Một niềm hy vọng nơi Thiên Chúa sẽ luôn làm con người ta nhìn xa hơn trước những sự kiện. Người biết kính trọng sẽ thấy được đàng sau những sai lầm, những bất toàn là con người, một nhân vị không thể phủ nhận hay át đi. Sự kính trọng hay khiêm nhường dễ thu hút, thuyết phục người khác. Chân lý khi đó sẽ thể hiện sức mạnh thực sự của nó.

Khác với nịnh bợ, áp đảo

Người sống triển nở ơn gọi của mình thì luôn tôn trọng những suy nghĩ, ý kiến của người khác. Nhờ đó, họ có khả năng đối thoại một cách bình an. Họ không lấy mình làm tiêu chuẩn, nhưng biết đặt ý kiến của mình và người khác đúng vị trí của nó. Người có lòng kính trọng người khác, thì không bao giờ lấn át ý kiến và quan điểm một cách bất công, mà khiêm tốn lắng nghe để tìm ra ý Chúa.

*****
Như vậy, sự trưởng thành toàn diện đem đến sự cân bằng giữa tinh thần bên trong và cách cư xử bên ngoài. Tinh thần biết “từ bỏ mình, vác thập giá đời mình”; hành xử biết “hiền hòa và kính trọng”; khiêm nhường đó là con đường nên giống Đức Kitô. Thật vậy, dõi bước Người, cuộc sống sẽ trở nên êm ái nhẹ nhàng (x. Mt 11,30).

Khao khát trở nên người trưởng thành, trở nên thánh là ước mơ của tất cả các môn đệ của Đức Kitô. Người là mẫu gương. Đường đời của mỗi người sẽ gặp nhiều gian nan khốn khó, nhưng đừng nản chí. Hãy vững tin và nghe lời khích lệ của Thầy Giêsu: “Can đảm lên! Thầy đã chiến thắng thế gian” (Ga 16,33).

Tác giả: Tiểu Bôi

Nguồn tin: Tạp chí Ra Khơi số 22

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập199
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm176
  • Hôm nay33,758
  • Tháng hiện tại870,034
  • Tổng lượt truy cập69,929,908
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây