Vị thế của Kinh Mân Côi

Thứ bảy - 31/10/2015 06:55  3768
Kinh Mân Côi, một cụm từ rất gần gũi và quen thuộc đối với người tín hữu. Đây là một hình thức đạo đức bình dân và là cách thức cầu nguyện đơn giản nhưng hữu hiệu.
 
Tháng Mân Côi Mân Côi đã khép lại. Chúng ta nên có thái độ nào đối với Kinh Mân Côi, với mệnh lệnh của Mẹ tại Fatima: “ Hãy siêng năng lần hạt Mân Côi” cũng như lời mời gọi tôn kính Mẹ Maria cách đặc biệt qua tràng chuỗi Mân Côi của rất nhiều Đức Giáo Hoàng? Kinh Mân Côi là là gì? Kinh Mân Côi có vai trò nào trong Giáo Hội, trong gia đình cũng như đời sống của mỗi chúng ta?
 
Kinh Mân Côi là gì ?
 
Theo định nghĩa của các từ điển thần học Công Giáo, Kinh Mân Côi, là bộ kinh nguyện kính Đức Mẹ gồm 200 kinh chia làm từng chục. Mỗi chục gồm 01 kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng và 01 kinh Sáng Danh. Đồng thời, mỗi chục kinh để tưởng nhớ một mầu nhiệm liên hệ đến Chúa Giêsu hay Đức Mẹ Maria. Như vậy kinh Mân Côi là kinh suy niệm 20 Mầu Nhiệm, được chia làm 4 phần chính mà đặc ngữ Công Giáo gọi là Mùa: Mầu Nhiệm Mùa Vui, Mầu Nhiệm Mùa Thương, Mầu Nhiệm Mùa Mừng, và Mầu Nhiệm Sự Sáng.
 
Theo thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II:
 
- Kinh Mân Côi là “Một lời kinh tuyệt hảo đơn sơ mà thâm thúy! Trong lời kinh này, chúng ta lặp  lại những lời Đức Trinh Nữ Maria đã được nghe từ nơi đức tổng thần và từ nơi bà Elizabeth. Toàn thể Giáo Hội liên kết trong những lời ấy.
 
- "Kinh mân côi, gắn liền với Đức Mẹ Maria, là một lời kinh lấy Chúa Kitô làm trung tâm. Qua vẻ giản dị, lời kinh có chiều sâu của toàn Tin mừng cứu độ.
 
 -"Kinh Mân côi là bản tóm lược Tin mừng cứu rỗi".
 
 - "Kinh Mân côi vọng lại lời kinh Ngợi khen của Đức Mẹ, về  việc Ngôi Lời Nhập thể cứu chuộc đã khởi sự trong lòng trinh khiết của ngài.
 
Vị thế của Kinh Mân Côi
 
Kinh Mân Côi gắn liền với việc tôn kính Đức Maria và được Giáo hội khuyến khích thực hành dưới nhiều hình thức: tông huấn, thông điệp, tông thư, tông sắc... của các Đức Giáo Hoàng.
 
Ngay từ thời Trung Cổ khi thánh Đaminh (1170-1221) được mời đi giảng cho bè lạc đạo Albigensê, nước Pháp. (Albigensê li khai với Hội thánh, chủ trương vũ trụ có thần thiện thần ác điều khiển, còn Chúa Kitô thì hão huyền không thật). Với nhiều cố gắng, ngài không lôi kéo được ai trở về cùng Hội thánh. Trước khó khăn ấy, thánh nhân và cộng đoàn dân chúa đã kêu cầu Mẹ Maria giúp sức, họ tụ họp cầu nguyện với Mẹ bằng kinh Mân Côi tại nhà thờ ở Toulouse, sau một thời gian ngắn ngủi đã có trên 100 ngàn người lạc giáo dần dần qui chánh, vô số tội nhân trở về cùng Giáo Hội.
 
Theo lịch sử Giáo Hội, vào thế kỷ XVI, người Hồi Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ hùng mạnh, đe dọa xâm chiếm toàn vùng miền đất Công Giáo Châu Âu. Trước nguy cơ đó, Đức Thánh Cha Pio V đã truyền lệnh cho các Giáo phận tổ chức một nghi thức cầu nguyện gọi là “việc cầu nguyện 40 giờ”, gồm các cuộc rước kiệu tôn kính Đức Mẹ và lần chuỗi Mân Côi. Khi thủy quân của Hồi giáo xuống Vịnh Lépante để tràn sang Châu Âu, và trong khi đô đốc Don Juan người nước Áo chỉ huy hải quân Công Giáo ra nghênh chiến thì Đức Thánh Cha Pio V rước kiệu Đức Mẹ và đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho các chiến sĩ Công Giáo. Bỗng nhiên, tại vịnh Lépante gió đổi chiều làm lợi điểm cho các chiến hạm Công Giáo ào ạt tấn công đánh chìm các chiến hạm Hồi giáo, làm cho họ hoàn toàn bại trận ngày Chúa nhật mồng 7 tháng 10 năm 1571. Để ghi nhớ sự kiện lịch sử  này, Đức Thánh Cha Pio V đã ấn định mừng lễ Mẹ Mân Côi vào ngày 07 tháng 10 hàng năm.
 
Đức Giáo Hoàng Pio 11, trong tông thư “Ingravescentibus malis” ban hành ngày 29 tháng 9 năm 1937, viết rằng: “Kinh Mân Côi không những là vũ khí đánh đuổi các quân thù của Thiên Chúa và đạo thánh, mà còn nuôi dưỡng và vun trồng các nhân đức Phúc Âm. Nó làm thấm nhuần đức tin Công Giáo qua việc chiêm ngắm các mầu nhiệm thánh và nâng cao sự hiểu biết của chúng ta về các chân lý được Thiên Chúa mặc khải.” Ngài còn ban ơn toàn xá cho việc đọc kinh Mân Côi trước Thánh Thể.
 
Đức Giáo Hoàng Leo 13 còn gọi “Kinh Mân Côi là  hương thơm hoa hồng và hương thơm ơn thánh”.
 
Thánh Giáo Hoàng Pio 10 thường lặp đi lặp lại rằng: “Sau Thánh Lễ thì không có lời cầu nguyện nào hữu hiệu cho bằng lời kinh Mân Côi”.
 
Theo thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong  Tông thư Kinh Mân Côi – Rosarium Virginis Mariae ban bố ngày  16 tháng 10 năm 2002:
 
- "Kinh mân côi kính Đức Trinh Nữ Maria là kinh được các vị thánh yêu quí và được quyền giáo huấn của Giáo hội khuyến khích".
 
Kinh Mân côi  đơn sơ nhưng sâu sắc, là lời kinh có ý nghĩa lớn lao vào buổi Rạng đông của Ngàn năm thứ ba này, và mang lại hoa quả thánh thiện".
 
 - "Kinh Mân côi  dễ hoà nhập vào cuộc hành trình thiêng liêng của đời sống kitô hữu, đời sống này sau hai ngàn năm vẫn không đánh mất sự tươi trẻ của buổi ban đầu và thấy được Chúa Thánh Thần dẫn  "ra khơi" để hô to lên trước thế giới rằng Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa và Đấng Cứu độ, là đường đi, sự thật và sự sống (Ga 14,6), là mục tiêu của lịch sử nhân loại, là đích điểm mà các khát vọng của lịch sử và văn minh hướng về".
 
 - "Kinh Mân côi, đưa người Công giáo đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên dung nhan của Chúa Kitô và cảm nghiệm chiều sâu thẳm tình yêu của Người.”
 
 - "Nhờ Kinh mân côi, các tín hữu lãnh nhận vô vàn ơn thiêng, qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế".
 
Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy Giáo Hội luôn khích lệ con cái mình siêng năng đọc kinh Mân Côi kính Mẹ. Không chỉ 05 Đức Giáo Hoàng nêu trên mà còn rất nhiều vị Giáo Hoàng khác có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt qua tràng chuỗi Mân Côi. Các Ngài đã yêu mến Đức Mẹ và dạy con cái mình yêu mến Mẹ bằng việc khuyến khích họ gia nhập hội Mân Côi và năng lần hạt Mân Côi. Ngài khuyến khích các giáo hữu: hãy cùng nhau đọc Kinh Mân Côi, để đem lại sự an bình cho gia đình và cho xã hội, gia đình. Trong Tông thư “Ad Augendam”  ngày 18/01/1785 Đức giáo hoàng Clemente  Xlll  đã ban một ơn đại xá cho những ai sốt sắng đọc Kinh Mân Côi. Ơn xá này có thể chỉ cho các linh hồn. Đức giáo hoàng Lêô XIII đã chỉ cho con cái mình cách đọc kinh Mân Côi, kêu gọi các giáo xứ, giáo phận đọc Kinh Mân Côi hằng ngày. Ngài đã thêm câu “Nữ Vương Truyền Phép Rất Thánh Mân Côi” vào Kinh Cầu Đức Bà và ngày 22/12/1885 cũng chính Ngài đã công bố Năm Thánh đặc biệt ban ơn toàn xá cho những ai đọc Kinh Mân Côi.
 
Từ những lý chứng trên, chúng ta đủ thấy tầm quan trọng cũng như vai trò của Kinh Mân Côi trong đời sống Giáo Hội, gia đình cũng như mỗi cá nhân.
 
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II thì được gọi là “Giáo Hoàng Mân Côi” với khẩu hiệu “Totus Tuus” (Tất cả của con là của Mẹ, con hoàn toàn thuộc về Mẹ). Ngài tên thật là Karol Wojtyla sinh ngày 18-5-1920 (tháng kính Đức Mẹ), ngài mới lên 8 tuổi đã mồ côi mẹ. Cho nên Ngài đã nhận Đức Mẹ làm mẹ của mình. Phải nói trong Giáo Hội Công Giáo, ngoài 2 vị Giáo Hoàng nổi tiếng nhất về lòng sùng kính Đức Mẹ, là Đức Giáo Hoàng Pio V, và Đức Giáo Hoàng Leo Xlll,  thì thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo 2, là 1 vị Giáo Hoàng rất nổi tiếng về lòng sùng kính Đức Mẹ. Ngài là vị Giáo Hoàng của Đức Mẹ. Chính Đức Mẹ đã chọn ngài cách riêng. Cả thế giới đều biết ngài, không bao giờ ngài phát biểu lời nào mà không nhắc tới Đức Trinh Nữ Maria. Không một tài liệu nào của thời đại Giáo Hoàng của ngài, mà không kết thúc bằng lời nguyện cùng Đức Mẹ Maria, là Mẹ Thiên Chúa. Người ta luôn thấy ngài tay cầm chuỗi Mân Côi khi đi bách bộ, ngồi trên xe, trên máy bay. Chuỗi hạt Mân Côi đã có 7,8 thể kỷ nay, không 1 vị Giáo Hoàng nào có ý thay đổi. Nhưng được Đức Mẹ soi sáng, ngài dám làm 1 việc hết sức vĩ đại. Đó là Tông thư Rosarium Virginis Mariae nói về ý nghĩa Kinh Mân Côi. Thêm vào tràng chuỗi Mân Côi 5 sự sáng. Nhất là ngài đã lập ra 1 năm Mân Côi để khuyến khích giáo dân năng lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ.
 
Louis Pasteur - Nhà bác học thiên tài, đại ân nhân nhân của nhân loại, con người cầu nguyện, say mê tràng hạt mân côi. Chúng ta cùng đọc lại giai thoại sau:
 
Trên tuyến xe lửa đi về Paris, có một thanh niên trẻ ngồi cạnh một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ rút trong túi áo ra một cỗ tràng hạt và chìm đắm trong cầu nguyện. Người sinh viên quan sát cử chỉ của cụ già với vẻ bực bội. Sau một hồi lâu, xem chừng không thể chịu nổi, anh ta mạnh dạn lên tiếng : “Thưa Ông, Ông vẫn còn tin vào những chuyện nhảm nhí thế à ?”.
 
Cụ già thản nhiên trả lời: “Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao ?”.
 
Người thanh niên xấc xược trả lời: “Lúc nhỏ tôi có tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin vào những chuyện nhảm nhí ấy được, bởi vì khoa học đã mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi và hãy học hỏi những khám phá mới của khoa học, rồi Ông sẽ thấy rằng những gì Ông tin từ trước đến nay đều là những chuyện nhảm nhí hết.
 
Cụ già nhỏ nhẹ hỏi người sinh viên: Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học, liệu cậu có thể giúp tôi hiểu được chúng không ?
 
Người sinh viên nhanh nhẩu trả lời: Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gởi sách vở đến cho Ông, rồi Ông sẽ say mê đi vào thế giới phong phú của khoa học cho mà xem.
 
Cụ già từ từ rút trong túi ra một tấm danh thiếp và trao cho người sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, người sinh viên bỗng xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp ấy có ghi: Louis Pasteur, viện nghiên cứu khoa học Paris.
 
Louis Pasteur Louis Pasteur, một nhà bác học người Pháp sống thế kỷ 19, cha đẻ của lý thuyết lên men, vi khuẩn và vacxin trừ bệnh chó dại. Ông là một trong những nhà bác học thiên tài và có nhiều cống hiến to lớn cho nhân loại. Khi ông mất, chính phủ Pháp tổ chức quốc tang và trên đường linh cữu đi qua, từng đám người quì xuống chan hoà nước mắt. Ngày 28/9/1995, toàn thế giới đã kỷ niệm 100 ngày mất của Louis Pasteur. Trong lịch sử, ít có nhà bác học nào mà nhân loại tỏ lòng biết ơn sâu sắc như vậy (x. Almanach, t.1657).
 
Một cách nào đó, chúng ta có thể nói rằng: Louis Pasteur vĩ đại nhờ cầu nguyện, say mê tràng chuỗi Mân Côi.
 
Các thánh, các Đức Giáo Hoàng, và nhà khoa học thiên tài Louis Pasteur đã trở nên vĩ đại khi các ngài biết chìm đắm trong cầu nguyện, hiến dâng đời mình cho Mẹ và say mê lần hạt Mân Côi mọi ngày và mỗi ngày. Các ngài đã đọc, suy niện Kinh Mân Môi ở mọi nơi (trong nhà nguyện, trên xe, trên tàu, trên máy bay…) và trong mọi lúc.
 
Kinh Mân Côi bản tóm lược tin mừng cứu độ, với đơn sơ nhưng sâu sắc, dễ đọc, dễ học, dễ nhớ, dễ suy. Kinh Mân Côi phù hợp với mọi tầng lớp trong Giáo Hội và xã Hội. Người ta có thể đọc Kinh Mân Côi ở bất kỳ nơi đâu và trong mọi môi trường sống.
 
Giáo Hội được bình yên, gia đình sẽ hòa thuận và tâm hồn ta sẽ bình an khi ta biết chạy đến với Mẹ và suy niệm mầu nhiệm Mân Côi cùng Mẹ. Đó là điều Mẹ đã thực hiện đã hứa trong suốt chiều dài lịch sử.
 
Khi đã biết được phần nào vai trò và giá trị của Kinh Mân Côi, thiết tưởng chúng ta không nên bỏ qua một giây phút nào khi ta có thể đọc Kinh Mân Côi. Còn sứ mệnh của chúng ta không những ta cần siêng năng suy niệm, đọc Kinh Mân Côi kính Mẹ mà còn phải nhiệt thành truyền bá cho mọi người nữa. Là con cái Giáo Hội, con Mẹ, mỗi chúng ta hãy cố gắng thực thi sứ mệnh này trong suốt cuộc đời và đặc biệt trong mọi tháng Mân Côi còn lại của đời ta. Chúng ta không chỉ đọc kinh Mân Côi trong tháng 10 nhưng hãy siêng năng đọc, suy niệm Kinh Mân Côi mỗi ngày và mọi ngày trong suốt đời ta.
 
Nt. M. Ripsimina Bùi Thị Liễu, fmsr
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập360
  • Máy chủ tìm kiếm108
  • Khách viếng thăm252
  • Hôm nay33,758
  • Tháng hiện tại881,845
  • Tổng lượt truy cập69,941,719
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây