Tuần Cửu Nhật Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội

Thứ tư - 30/11/2016 21:33  10546
LỜI MỞ ĐẦU
 
Bùi Chu vẫn tự hào là mảnh đất được đón nhận hạt giống Tin Mừng đầu tiên của nước Việt, là nơi có nhiều thánh Tử Đạo, nơi có nhiều đền thánh và là nơi tín hữu có lòng tôn kính Đức Maria cách đơn sơ chân thành. Quả thật, lòng tôn sùng Đức Mẹ của tín hữu Bùi Chu luôn nóng bừng và đã góp phần hun đúc nên các vị thánh tử đạo quê hương. Trong thời loạn lạc cấm cách, Giáo phận vì đức tin đã kiên cường, can đảm dâng hiến máu đào và sinh mạng của mình cho Thiên Chúa và Giáo Hội.

Dọc dài theo năm tháng lịch sử của mình, Giáo phận đã đón nhận được muôn vàn hồng ân diệu kỳ của Thiên Chúa qua bàn tay nâng đỡ phù trợ của Mẹ Maria và các thánh Tử Đạo. Muôn đời cảm tạ Thiên Chúa Tình Yêu cùng ngợi khen Mẹ Maria.

Trong những ngày toàn thể Giáo hội bước vào mùa Vọng, cách riêng Giáo phận Bùi Chu hân hoan chuẩn bị Mừng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội quan thầy, chúng con biên tập lại tuần cửu nhật kính Đức Maria. Các bài viết trong tập tuần cửu nhật này được các cha cố soạn thảo trước đây, chúng con xin được biên tập, tu chỉnh lại một số câu từ, cách hành văn để cố gắng sao cho phù hợp với phong cách Tiếng Việt hiện đại. Tất cả chỉ ước mong cho mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận có tài liệu để suy niệm, cầu nguyện và học hỏi trước ngày đại lễ. Nhờ đó, đức tin của nhiều người thêm vững mạnh và gia tăng lòng yêu mến Đức Mẹ và Thờ phượng Chúa hơn.

Ước mong, qua bàn tay từ ái, Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội sẽ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Trong Mẹ, chúng ta cùng nhau hiệp nhất nên một, đồng tâm nhất trí đi trọn con đường đức tin và dâng lên Thiên Chúa muôn lời cảm tạ.

Ban Phụng Vụ Giáo Phận

 

NGÀY THỨ NHẤT

ƠN VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI CỦA MẸ MARIA

Sau khi Nguyên Tổ phạm tội, Thiên Chúa không ruồng bỏ con người, nhưng vẫn yêu thương lại còn hứa sẽ ban Đấng Cứu Thế sinh bởi một Người Nữ. Người Nữ ấy là “kẻ đầy ơn Chúa” (Lc 1, 28), được yêu thương tuyển chọn trong Đức Kitô (Ep 1, 4-5).[1] Chúa phán cùng con rắn rằng: “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và Người Nữ, giữa dòng dõi mi và dòng dõi Người Nữ. Người sẽ đạp giập dầu mi, và mi sẽ rình cắn gót chân Người” (St 3,15).

Trong chương trình cứu chuộc nhân loại, Đức Mẹ được tạo dựng để làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Nhưng Mẹ Đấng toàn thắng tội lỗi lại có thể một giây phút nào làm nô lệ tội lỗi sao? Một Đấng Cứu Thế quyền năng đến để phá tan xiềng xích tội lỗi, giải thoát nhân loại, lại không giải thoát Mẹ Người trước sao? Và đó chính là lý do ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội đã được Thiên Chúa ban cho Đức Mẹ.

Nếu lời hứa ban Đấng Cứu Thế là lời đầu tiên của Tin Mừng, thì ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ chính là ơn đầu tiên do công cuộc cứu thế của Ngôi Hai giáng trần vậy. Như thế, nếu xét về thiên chức làm Mẹ, thì chức Mẹ Thiên Chúa là cao trọng nhất; còn nếu xét về những hồng ân chuẩn bị cho thiên chức ấy, thì ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội vừa là nguyên uỷ, vừa là hồng ân trọng đại nhất mà Ngôi Hai giáng thế có thể đem lại cho Mẹ của Người.

Chính do ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội mà Đức Mẹ được đầy ơn Chúa ngay từ lúc đầu thai. Chính từ ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội đã phát sinh ơn Đồng Trinh trọn vẹn của Đức Mẹ, như tia sáng phát xuất từ mặt trời. Chính do ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội mà Trinh Nữ Maria xứng đáng làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Chính bởi ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội  mà Đức Mẹ có thể góp phần vào công cuộc cứu thế của Con mình, Đấng là Con Chiên vẹn sạch đã gánh tội trần gian. Chính nhờ ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội mà sau khi Đức Mẹ qua đời, linh hồn và xác Đức Mẹ được kết hợp với nhau mà vào cõi trời theo sau Chúa Giêsu, trước toàn thể nhân loại. Và sau cùng, chính ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội đã làm cho Đức Mẹ được xứng đáng tôn lên chức Nữ Vương trời đất.
 
Lạy Mẹ Maria, chúng con phải hợp cùng Mẹ mà cảm tạ Thiên Chúa biết bao vì hồng ân Vô Nhiễm Mẹ đã nhận được. Thực Mẹ là vinh  quang của Ítraen, là vinh quang của loài người chúng con. Là con cháu Evà, chúng con sung sướng vì hồng ân đó của Mẹ, nhất là vì ơn đó Mẹ đã có thể mang Đấng Cứu Thế đến cho chúng con. Nhờ vậy mà chúng con được làm con của Mẹ, được Mẹ yêu thương chúng con trong Chúa Kitô Con Mẹ. Xin Mẹ lắng nghe lời chúng con tôn vinh và cầu xin trong tuần chín ngày dâng kính Mẹ đây. Ước gì trong tuần chín ngày này, hết mọi người đều được nhờ ơn Mẹ.

 

NGÀY THỨ HAI

GIÁO HỘI VÀ ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM CỦA ĐỨC MẸ

Giáo Hội được Đức Mẹ ấp ủ chở che từ hồi sơ khai, nên ngay từ đầu, Giáo Hội hằng biết ơn Mẹ và không ngừng yêu mến ca tụng Mẹ, nhất là ca tụng đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, vì biết rằng đó là điểm phát xuất làm cho Mẹ sung mãn muôn ơn và xứng đáng làm Mẹ của Giáo Hội.

Trong bút tích của các Giáo Phụ và các Thánh qua các thế kỷ, ta đều gặp thấy vết tích về niềm tin tưởng và lòng sùng kính của Giáo Hội đối với Mẹ Vô Nhiễm: thế kỷ II có thánh Giút-ti-nô tử đạo, thánh Hippolito và thánh Sipriano; thế kỷ III có thánh Deny thành Alexandro, thánh Gregoriô hay làm phép lạ; thế kỷ IV có thánh Ambrosio; thế kỷ V có thánh Augustino v.v. Người ta tính được từ đầu cho tới thế kỷ 17 có tới 400 tác giả, trong đó có 70 vị Giám mục thông minh nhân đức đã viết về Mẹ Vô Nhiễm.

Các Đức Giáo Hoàng đều hô hào mọi tín hữu sùng kính Mẹ Vô Nhiễm, và sau cùng là các Công đồng đại diện cho niềm tin tông truyền, đã không ngừng công bố những điều cần thiết cho lòng tin tưởng và sùng kính này. Năm 431, Công đồng thành Êphêsô gọi Đức Maria là Đấng Vô Nhiễm. Công đồng nói: “Mẹ Maria là Đấng Vô Nhiễm vì không bao giờ một tì vết nào đã vương vào Người”. Các nghị phụ của Công đồng Tri-đen-ti-nô tuyên bố rằng: “Khi nói mọi người sinh ra đều mắc tội tổ tông, Công đồng không có ý bao gồm cả Đức Trinh Nữ rất thánh và Vô Nhiễm là Mẹ Thiên Chúa”. Từ lâu, lễ kính Mẹ Vô Nhiễm đã được mừng riêng trong nhiều Giáo phận. Đến năm 1476, Đức Giáo hoàng Sít-tô IV đã truyền mừng trọng thể trong toàn Giáo Hội.

Nhưng lòng sốt sắng kính mến Mẹ Vô Nhiễm không dừng lại ở đó. Tất cả mọi tín hữu năm châu bốn biển đều mong mỏi niềm tin đó được tuyên bố như một tín điều để làm vinh danh Mẹ. Năm 1854, hơn 300 nghị phụ gồm các Hồng Y, Giám mục, các nhà thần học thông thái đã tề tựu họp Công đồng chung. Sau nhiều phiên hội thảo, toàn thể Công đồng đều nhất trí thỉnh cầu Đức Thánh Cha tuyên bố tín điều Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ngày 8 tháng 12 năm 1854, một ngày rất vui mừng và rất đáng ghi nhớ, trong không khí trang nghiêm, thành kính và hoan hỉ của Đền thờ Thánh Phêrô tại thủ đô Giáo Hội, Đức Thánh Cha Piô IX long trọng tuyên bố tín điều Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mọi tháp chuông đều đổ hồi tưng bừng. Toàn thể Giáo hội cùng vang lời cảm tạ Chúa và tung hô Đức Mẹ. Khắp nơi đều tổ chức những cuộc cung nghinh Đức Mẹ hết sức long trọng, và lòng mến Mẹ Vô Nhiễm trào dâng như những lớp sóng bao la.
 
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ đã xứng đáng được tôn lên đài vinh dự của toàn thể Giáo Hội và giữa nhân loại, thì Mẹ cũng phải được tôn lên đài vinh dự của lòng con. Xin cho con được cùng con cái Mẹ ở khắp Năm Châu hát lên bài ca tụng Mẹ. Ước chi từ đây lòng con sẽ là một thánh điện huy hoàng dâng kính Mẹ mãi mãi. Amen.

 

NGÀY THỨ BA

ĐỨC MẸ XƯNG MÌNH LÀ ĐẤNG VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
 
Giáo Hội tuyên tín Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được 4 năm, thì Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức với em Benadetta và xưng mình là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Ngày 11 tháng 2 năm 1858, Benadetta, một em gái nghèo nàn, đơn sơ và khiêm tốn, cùng với hai em gái khác đi kiếm củi. Khi đến gần hang đá Mátsabiên, bỗng Benadetta xem thấy một Bà tốt lành hiện ra với em. Áo và khăn phủ đầu của Bà trắng như tuyết, dây thắt lưng mầu xanh. Bà đứng trên nhành hoa hồng ngả trên cửa hang đá, hai tay chắp lại như đang cầu nguyện, tay phải cầm tràng hạt sáng chói.

Đó là lần thứ nhất Đức Mẹ hiện ra với em, nhưng em chưa biết đó là Đức Mẹ. Từ ngày ấy cho tới ngày 16 tháng 7 cùng năm, Đức Mẹ hiện ra với em tất cả 18 lần. Lần hiện ra thứ 16, ngày 25 tháng 3 năm 1858, tức chính ngày Lễ Truyền Tin, khi thấy Bà hiện ra, em hỏi Bà: “Thưa Bà, xin Bà cho biết Bà là ai. Tên Bà là gì”. Bà chỉ mỉm cười, không trả lời. Bênađétta thưa lại mấy lần, Bà vẫn mỉm cười, không trả lời. Khi em thưa lại lần thứ bốn, Bà đeo tràng hạt vào cánh tay phải, mở hai tay đưa lên rồi từ từ hạ xuống chắp lại trước ngực, ngửa mặt lên trời mà nói: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Nói xong, Bà biến đi, không cúi chào Benadetta như các lần trước.

Benadetta trở về thưa lại với Cha xứ Lộ Đức, vì ngài đã dặn em hỏi xem Bà là ai. Sau khi nghe Cha xứ giải thích, em mới hiểu câu ấy nghĩa là gì, và mới biết Đấng hiện ra cùng mình bấy lâu chính là Đức Mẹ.

Việc Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức đã được Giáo quyền công nhận và cho phép mọi người đến kính viếng nơi Đức Mẹ hiện ra.

Giáo Hội tuyên tín Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là để làm sáng danh Đức Mẹ, đồng thời là để hướng dẫn, củng cố và thêm công phúc cho Đức Tin chúng ta. Đức Mẹ hiện ra với Benadetta và chỉ có mình em xem thấy Đức Mẹ, nhưng thực ra là qua tâm hồn đơn sơ và khiêm tốn ấy, Đức Mẹ muốn nhắc nhở chúng ta luôn tin tưởng và hướng thẳng về quê trời. Đức Mẹ có làm những phép lạ ở đó cũng là để lôi kéo nhân loại hướng lòng tin vào Chúa, và trông cậy vào tình thương bao la của Đức Mẹ. Nhưng việc Đức Mẹ hiện ra sau khi Giáo Hội vừa tuyên tín Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội như là có thêm một ý nghĩa nữa: Giáo Hội là con Đức Mẹ, Giáo Hội luôn hoạt động dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ, Đức Mẹ như chứng nhận Giáo Hội Công Giáo đích thực là Giáo Hội Chúa Kitô đã lập, là Giáo Hội được Chúa Thánh Thần gìn giữ không thể sai lầm. Đường lối của Giáo Hội là đường lối chắc chắn nhất dẫn về quê trời. Ở trong Giáo Hội, chúng ta không sợ bị sai đường lạc hướng. Liên kết với Giáo Hội qua các Đấng chủ chăn chính thức, là chúng ta liên kết với Chúa Kitô, như những nhành nho gắn liền với thân nho.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ là Mẹ Chúa Kitô. Chúa Kitô đã thiết lập và là Đầu của Giáo Hội. Chúng con sung sướng được làm con của Giáo Hội và như vậy chúng con cũng là con của Mẹ. Xin Mẹ chở che Giáo Hội, chở che Đấng đại diện Con Mẹ dưới thế là Đức Thánh Cha và các vị chủ chăn. Xin Mẹ lấy uy quyền và tình thương Mẹ ấp ủ chúng con luôn luôn. Amen.
 
 

NGÀY THỨ TƯ

MẸ VÔ NHIỄM HẰNG BAN MỌI ƠN LÀNH
 
Chúng ta hằng tung hô và chạy đến cầu xin Đức Mẹ bằng nhiều tước hiệu, và Đức Mẹ cũng hằng thương giúp những con cái thành tâm kính mến, cậy trông Người. Nhưng nếu ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội là một hồng ân cao cả Chúa ban cho Đức Mẹ, thì những ai chạy đến Đức Mẹ, tung hô và cầu xin Người bằng tước hiệu này, cũng sẽ như hợp cùng Đức Mẹ mà cảm tạ chúc tụng Chúa, và chắc chắn Đức Mẹ cũng sẽ dễ nhận lời hơn.

Những phép lạ Đức Mẹ làm ở Lộ Đức, nơi Mẹ hiện ra với em Bênađétta là một bằng chứng. Ngày nay, những phép lạ đó vẫn luôn tiếp diễn đó đây. Tất cả như một lời ca rao lòng Mẹ hằng thương yêu con cái ở mọi nơi, mọi thời. Có một điều làm cho chúng ta càng thấy rõ lòng thương yêu của Mẹ, là bất cứ ai, người Công giáo cũng như không Công giáo, nếu lấy lòng thành kính đến cầu khấn Mẹ, đều được Mẹ thi ân rộng rãi.

Sau đây là một trong muôn vàn phép lạ có chứng cứ chắc chắn, và còn được ghi lại ở Lộ Đức: Có một người không Công giáo, tên là Gácgăng, làm việc ở bưu điện, bị xe lửa đụng phải, gẫy một ống chân. Năm 1904, theo lời người ta mách bảo, anh đến Lộ Đức, nhưng trong lòng không tin tưởng bao nhiêu. Tuy nhiên, khi anh nhúng chân gãy xuống nước suối Đức Mẹ, thì tức khắc chân đó được lành. Thấy phép lạ hiển nhiên Đức Mẹ làm cho mình, anh xin theo đạo Công giáo và đi nhiều nơi để kể lại phép lạ đó mà tạ ơn Đức Mẹ.

Nếu những người không tin tưởng bao nhiêu mà còn được Đức Mẹ đoái thương cứu chữa, phương chi chúng ta là con cái, sao không biết chạy đến cầu xin Đức Mẹ? Những lúc ta gặp gian nan thử thách phần hồn hay phần xác, thì chính là lúc Đức Mẹ muốn thi ân, vì lúc đó ta càng thấy rõ quyền năng và tình thương của Đức Mẹ, để thêm lòng tin cậy yêu mến Đức Mẹ. Cũng có trường hợp Đức Mẹ dùng những nguy nan đó như những tiếng chuông cảnh tỉnh chúng ta, nhắc nhở ta ân cần giữ luật Chúa, nhớ đến Đức Mẹ và chạy đến níu lấy áo Mẹ nhân lành.
 
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm nguyên tội, nhiều lần chúng con không thoát khỏi nguy nan hồn xác, chỉ vì chúng con đã lãng quên Mẹ, lãng quên ơn Mẹ ban. Nhiều lần khi tai qua nạn khỏi, chúng con không nhớ ơn, yêu mến và cầu xin Mẹ nữa. Giờ đây, với tấm lòng thống hối, đến trước nhan Mẹ, chúng con lại cầu xin Mẹ ban thêm ơn mới cho chúng con và cho tất cả những ai cùng hợp với chúng con trong tuần chín ngày này. Xin Mẹ nhắc nhở những ai đang gặp gian nan, nhớ cầu xin Mẹ. Xin Mẹ ban cho tất cả chúng con ơn này là luôn nhớ cầu khẩn danh Mẹ và vững lòng tin cậy ở Mẹ. Amen.

 
NGÀY THỨ NĂM
MẸ VÔ NHIỄM THÁNH THIỆN TINH TUYỀN
 
Khi nói về ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ, các Thánh đều thống nhất dạy rằng: Do đặc ân đó, Đức Mẹ cũng được gìn giữ khỏi những khuynh hướng xấu là dấu vết của Tội Nguyên Tổ, và vì thế, Đức Mẹ được ơn trọn đời không mắc tội riêng nào, dù là rất nhỏ mọn.

Nhiều nhà thần học, nhất là thánh Tôma, dạy rằng: ngay từ phút đầu thai, Đức Mẹ đã được ơn thánh đầy rẫy vượt quá mọi bậc thần thánh, tức là ngay từ lúc đầu thai, Đức Mẹ đã thánh thiện, tinh tuyền hơn hết mọi loài thụ tạo.

Các nghị phụ của Công đồng Tridentino đều quả quyết rằng: do một đặc ân của Chúa, Đức Mẹ được gìn giữ khỏi hết mọi tội dù nhẹ. Giáo lý này còn được nêu rõ trong sắc chỉ của Đức Piô IX, khi tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Thai. Đó là ơn làm cho Đức Maria luôn luôn xứng đáng làm Mẹ Thiên Chúa, và làm cho chúng ta vui mừng vì có một người Mẹ rất thánh thiện và tinh tuyền để noi gương.

Thực vậy, dù Đức Mẹ được Chúa ban cho những hồng ân cao cả như thế, và Đức Mẹ biết rõ mình có những hồng ân đó, nhưng Mẹ luôn luôn giữ mình như là vẫn có thể làm mất ơn Chúa như bản tính mỏng giòn của nhân loại nói chung. Tin Mừng đã ghi lại cuộc đời Đức Mẹ là một cuộc đời âm thầm lặng lẽ, xa lánh vinh hoa thế gian và một niềm kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Cuộc đời Đức Mẹ là tấm gương sáng cho tất cả mọi người, người tội lỗi cũng như người trọn lành.

Là gương sáng cho người tội lỗi, vì Đức Mẹ dù được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, mà Mẹ vẫn lo lắng giữ gìn ơn thánh sủng trong linh hồn mình; còn chúng ta, những người yếu đuối, với những khuynh hướng xấu rất mạnh, sao chúng ta lại dám liều mình trong những dịp treo leo?

Là gương sáng cho người trọn lành, vì dù Đức Mẹ luôn luôn được Chúa yêu thương, Đức Mẹ vẫn không ngừng chăm chỉ duy trì sự kết hợp với Chúa và tỏ ra trong thực hành bằng việc chăm sóc Chúa Giêsu và thương yêu giúp đỡ mọi người.

Nói đến Mẹ Vô Nhiễm là chúng ta hiểu ngay rằng, Mẹ là Đấng chẳng hề mắc tội Tổ Tông và tội riêng. Nghĩ đến Mẹ Vô Nhiễm, là chúng ta phải tôn nhận Mẹ là Đấng hoàn toàn tinh tuyền thánh thiện, phải sốt sắng cùng với sứ thần Gabrien cất lời ca chúc: “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc”.
 
Ôi Maria tinh tuyền thánh thiện, nhìn lên tấm gương trong sáng của Mẹ, chúng con cảm thấy hổ thẹn biết bao! Đã nhiều lần chúng con không xứng đáng ca tụng Mẹ! Đã nhiều lần chúng con không xứng đáng gọi Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm là Mẹ của chúng con! Giờ đây, xin Mẹ dủ tình thương đến những đứa con tội lỗi của Mẹ. Trong tuần 9 ngày ngày này, chúng con muốn dọn tâm hồn cho trong sạch, sốt mến, để kính mừng ơn Vô Nhiễm của Mẹ, xin Mẹ giúp chúng con. Amen.

 

NGÀY THỨ SÁU

SÙNG KÍNH MẸ VÔ NHIỄM
 
Là con Đức Mẹ Maria, Giáo Hội hằng nhắc nhở các tín hữu tôn kính yêu mến Mẹ. Giáo Hội lập lễ Mẹ Vô Nhiễm là đại lễ vào đầu Mùa Vọng để tôn kính Đức Mẹ như một ngôi sao sáng chói giữa đêm hy vọng, và để chúng ta nhớ rằng, Đấng Cứu Độ thiên hạ đợi trông, Đấng sẽ đến phán xét kẻ sống và kẻ chết, cũng chính là Đấng đã sinh ra bởi cung lòng trinh nữ Maria Vô Nhiễm.

Từ xưa tới nay, có biết bao thánh đường nguy nga đã được xây dựng để dâng kính Mẹ Vô Nhiễm, có biết bao dòng tu đã nhận Mẹ Vô Nhiễm làm tước hiệu, có biết bao xứ họ đã nhận Mẹ Vô Nhiễm làm Quan Thầy, có biết bao tâm hồn hằng ngày dâng những lời kinh nguyện, sự hy sinh và những việc lành bác ái tôn kính Mẹ Vô Nhiễm, có biết bao người hằng chiêm ngắm Mẹ Vô Nhiễm như lý tưởng của cuộc đời mình, có biết bao lời tán dương Mẹ thánh thiện, có biết bao bài ca chúc tụng Mẹ tinh tuyền. Nơi con cái trần gian có biết bao thương tích được Mẹ thương chữa lành, có biết bao sầu khổ được Mẹ ủi an, có biết bao tâm hồn tan vỡ được Mẹ thương băng bó! Ôi Maria, Mẹ Vô Nhiễm! Mẹ là Nữ Vương trên trời và dưới đất, thiên quốc và thế trần xin là bài ca chúc tụng Mẹ không ngừng.

Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh yêu thương Mẹ. Các Thiên thần tôn kính Mẹ, các thánh tổ phụ trông đợi Mẹ, các thánh tiên tri nói về Mẹ, các thánh Tông đồ vây quanh Mẹ, các thánh hiển tu noi gương Mẹ, các thánh tử đạo trông cậy Mẹ, các Thánh Tiến sĩ hỏi han Mẹ, các thánh đồng trinh ca khen Mẹ, các Thánh nam nữ hướng về Mẹ, con cái trần thế chạy đến với Mẹ, quân thù là tội lỗi đầu hàng Mẹ. Mẹ tiến lên ngai vàng Nữ Vương trời đất rực rỡ như hừng đông, đẹp như ánh trăng thanh và uy hùng như đoàn quân xếp hàng dàn trận!

Ôi Maria! Mẹ đã đem lại cho con cháu Evà nơi khóc lóc một nguồn hy vọng, một lý do vui mừng, một lời ca ngân không ngớt và một tình thương bao la! Chính Mẹ cũng đã cất tiếng ca ngợi: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa… vì Người đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”.

Chớ chi mọi lá rừng biến thành miệng lưỡi để ca khen Mẹ! Chớ chi mọi âm thanh hòa lại thành bài ca tán tụng Mẹ! Chớ chi nước biển biến thành lệ tri ân và tất cả trái cây biến thành những trái tim biết yêu mến! Chớ gì con được ngập chìm trong tiếng hoan hô của muôn người và lạc đi trong biển người chạy đến cùng Mẹ!
 
Hôm nay là ngày thứ 6 trong tuần chín ngày trước lễ kính Mẹ Vô Nhiễm, con muốn hiến dâng trót cuộc đời con cho Mẹ. Ước chi đời con sẽ là bài ca chúc khen Mẹ, luôn chạy đến cầu khẩn Mẹ, luôn noi gương và trung thành yêu mến Mẹ. Ước chi từ đây, con có làm gì cũng là làm để phụng sự Thiên Chúa và tôn vinh Mẹ, có nói gì cũng là để nhằm sáng danh Chúa và chúc tụng Mẹ. Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ vui lòng nhận lấy ước nguyện của con, để con được thuộc về Mẹ luôn mãi. Amen.

 

NGÀY THỨ BẢY

MẸ VÔ NHIỄM VÀ TRÀNG HẠT MÂN CÔI
 
Trong các lần hiện ra ở Salétta (1846), ở Lộ Đức (1858) và nhất là ở Fatima (1917), có một điều luôn được Đức Mẹ nhắc nhớ chúng ta, và cũng là điều chúng ta không thể bỏ qua, đó là Tràng Hạt Mân Côi.

Ở Salétta, Đức Mẹ hiện ra với hai em nhỏ, dạy các em phải lần hạt sớm chiều, và nếu có thời giờ, phải năng lần hạt hơn nữa. Ở Lộ Đức, Mẹ hiện ra với tràng hạt trên tay, và điều này không còn ngụ ý nào khác là bảo chúng ta hãy siêng năng lần hạt. Chính Đức Mẹ cũng lần hạt khi em Bênađétta đọc kinh Mân Côi. Ở Fatima, Đức Mẹ dạy mọi người phải lần hạt, và lời dạy của Đức Mẹ đã được coi như là một mệnh lệnh phải thi hành và là điều kiện để được ơn bình an hồn xác.

Năm 1830, khi hiện ra với nữ tu Catarina Labure dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh sơn để ban bố chỉ dẫn về mẫu ảnh và lời cầu xin Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ta quen gọi là mẫu ảnh Đức Mẹ ban ơn lành. Ảnh đó một mặt là ảnh Đức Mẹ, với lời cầu xin như Đức Mẹ dạy, mặt kia là chữ M và hai Trái Tim chí thánh của Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Chữ M là thánh danh Mẹ biểu hiệu kinh Kính Mừng, và hai Trái Tim là biểu hiệu các sự mầu nhiệm trong Phép Mân Côi.

Nếu Phép Thánh Thể được gọi là Bí tích yêu thương của Chúa Giêsu, vì là bảo chứng lòng Chúa yêu thương nhân loại “cho đến cùng”, thì ta cũng có thể gọi Phép lần hạt Mân Côi là “bí tích tình thương” của Đức Mẹ, vì đó là bằng chứng Đức Mẹ yêu thương ta, và là cách thế để ta tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ.

Thực vậy, không có ai kính mến Đức Mẹ mà không siêng năng lần hạt, không có nơi nào sùng kính Đức Mẹ mà không lần hạt Mân Côi, không có ai nói đến lòng tôn kính Đức Mẹ mà không nói đến kinh Mân Côi. Lần hạt Mân Côi vừa là dấu chỉ cho lòng kính mến Mẹ, vừa là dấu chỉ bảo đảm cho được rỗi linh hồn. Các Thánh đều dạy rằng: Siêng năng lần hạt Mân Côi là dấu chắc chắn sẽ được lên thiên đàng.

Điều đó dễ hiểu, vì có người con nào yêu mến Mẹ mà không ngợi khen, cầu xin Mẹ, và có người mẹ nào lại không yêu thương đứa con năng ca tụng, cậy trông mình? Nếu được Mẹ Thiên Chúa thương yêu, thì sao có thể lìa xa Thiên Chúa muôn đời được?
 
Lạy Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi, Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng con thành tâm tôn kính yêu mến phép lần hạt Mân Côi của Mẹ. Tràng hạt chính là dây thân ái nối kết chúng con lại với Mẹ, và làm cho chúng con nên tươi tốt xinh đẹp, đáng yêu trước nhan Mẹ. Hôm nay chúng con xin hiến dâng gia đình chúng con cho Mẹ. Cậy nhờ phép lần hạt Mân Côi, xin Mẹ ngự đến gia đình chúng con, xin gìn giữ từng người trong gia đình trong tình yêu của Mẹ. Chớ gì gia đình chúng con từ đây, tràng hạt sẽ là động lực thúc đẩy người cha dũng cảm, trợ giúp người mẹ đảm đang, giao kết tình yêu đôi lứa. Chuỗi Mân Côi sẽ là phương tiện dưỡng tâm hồn trẻ thơ, là lời thúc giục mến Mẹ thiết tha. Nhờ vậy, gia đình chúng con là tổ ấm đoàn tụ yên vui, là nơi chan chứa tình thương có Mẹ ngự trị mãi mãi. Amen.

 

NGÀY THỨ TÁM

MỘT GIÁO PHẬN TÔN NHẬN MẸ VÔ NHIỄM LÀ QUAN THẦY ĐỆ NHẤT
 
Cách đây 158 năm, các vị chủ chăn Giáo phận đã khấn dâng Giáo phận cho Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và tôn nhận Mẹ làm Quan Thầy đệ nhất. Chính Đức Mẹ cũng tỏ ra là Đấng hằng bảo trợ Giáo phận cách riêng.

Năm 1858, khi cơn bách đạo tàn khốc đến cực độ, Giáo phận bị phân tán khủng hoảng, như con thuyền đang bị chìm đắm, thì được Đức Cha thánh Vinh và cha chính Hòa, nhờ ơn Chúa soi sáng, đã chính thức khấn dâng Giáo phận cho Mẹ Vô Nhiễm, trao phó cho Mẹ toàn Giáo phận với tất cả niềm hy vọng và những ánh đèn leo lét của lòng tin còn sót lại. Và tức khắc, lời cầu xin được chấp nhận, nhờ ơn Mẹ, giông tố tan đi và con thuyền Giáo phận lại ra khơi thẳng tiến.

Sau đó hơn 100 năm, tới năm 1960, thì Giáo phận đã có ba Đức Cha bản quốc và đã được nâng lên hàng Giáo phận chính tòa. Một thánh đường nguy nga vào bậc nhất Đông Dương đã được xây dựng để kính Đức Mẹ Vô Nhiễm theo lời khấn hứa, và lễ Mẹ Vô Nhiễm hàng năm luôn là đại lễ long trọng và sầm uất nhất trong Giáo phận. Tất cả các Giáo xứ, Giáo họ trong Giáo phận cũng đều hợp mừng lễ kính Mẹ. Và qua lễ đó, người ta thấy được rằng Mẹ Vô Nhiễm là trung tâm lòng đạo đức và như là linh hồn của Giáo phận Bùi Chu.

Cứ mỗi khi gần đến lễ Mẹ Vô Nhiễm, các thánh đường cũng như các gia đình lại vang lên lời kinh cảm tạ Chúa và cầu xin Mẹ. Bàn thờ Mẹ lại được trang hoàng thêm hoa nến và tuần 9 ngày được mọi người tham dự sốt sắng. Hàng năm, gần tới lễ Mẹ Vô Nhiễm, lòng người giáo dân Bùi Chu lại rộn lên, hướng về Đền thánh Mẹ tại Phú Nhai, và dù đến được hay không, cũng hợp một ý nguyện, một niềm vui và một niềm ao ước, tha thiết cầu xin Mẹ ban ơn cho Giáo phận, cho xứ họ, cho gia đình và cho từng người trong Giáo phận, cầu xin Mẹ giữ gìn tất cả trong niềm tin cậy, kính mến Chúa và trung thành yêu mến Mẹ. Trong ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm, mọi người trong Giáo phận, ai ai cũng cảm thấy một niềm vui êm đềm và một niềm an ủi tràn lan.

Người giáo dân Bùi Chu ngày đêm không ngớt dâng lên Mẹ Vô Nhiễm những tràng kinh Mân Côi đơn thành sốt mến. Những buổi tối tại các thánh đường của các giáo xứ, giáo họ, cũng như tại nhà nguyện các hội dòng, các dâu giáp, các gia đình, lời kinh Mân Côi ngân nga trước những ánh nến lung linh trên bàn thờ Mẹ, như những tiếng lòng thỏ thẻ của đoàn con thảo đối với Mẹ hiền. Thực không còn gì êm đềm và hạnh phúc hơn! Có biết bao gia đình đã tìm được an ủi nơi Trái Tim Mẹ Vô Nhiễm. Có biết bao hạnh phúc nứt rạn được Mẹ hàn gắn! Và có biết bao người thân thương lạc xa đã quay về!
 
Ôi Mẹ Maria Vô Nhiễm! Thực Mẹ là Mẹ của chúng con. Mẹ là Mẹ của Giao phận Bùi Chu. Giờ đây, quỳ trước toà Mẹ, chúng con cảm thấy như đang quỳ bên Đức Cha Thánh Vinh và cha chính Hoà giữa cơn giông tố năm nào, và đang được cùng người đọc lời kinh khấn dâng Giáo phận cho Mẹ. Hôm nay, chúng con muốn đọc lại lời kinh ấy, xin Mẹ lắng nghe lời chúng con, xin Mẹ hằng tỏ ra Mẹ là Mẹ của Bùi Chu. Xin Mẹ chúc lành và cũng làm cho đoàn hậu sinh chúng con những gì Mẹ đã làm cho các bậc tiền nhân xưa. Amen.

 

NGÀY THỨ CHÍN

ĐỀN THÁNH MẸ VÔ NHIỄM
 
Đâu có tôn giáo thì đó cũng có nơi thờ tự. Ở đâu có đạo Công giáo thì ở đó cũng mọc lên những thánh đường. Cũng như đền thờ Giêrusalem xưa là trung tâm của Do thái giáo, thì thánh đường ngày nay là trung tâm của cộng đoàn Kitô giáo và còn xứng đáng hơn nữa, vì nhà thờ là nơi chính thức cử hành hiến tế Con Chiên Thiên Chúa, nơi dâng lên Thiên Chúa của lễ để thờ lạy, chúc tụng, cảm tạ, đền tội và cầu xin.

Thánh đường là trung tâm thờ phượng của một giáo họ, giáo xứ. Chính vì thế, không ai ngạc nhiên khi thấy mọi tín hữu đều đem hết khả năng, nỗ lực của mình đóng góp cho công cuộc xây dựng hay tu sửa thánh đường. Đền thánh Phú Nhai tại Giáo phận Bùi Chu cũng đã được xây dựng lên như thế để kính Mẹ Vô Nhiễm và cũng là để thực thi lời khấn hứa với Đức Mẹ.

Năm 1858, trong cơn bách đạo tàn khốc, Đức Cha thánh Vinh và cha chính Hoà đã khấn dâng Giáo phận cho Mẹ Vô Nhiễm, hứa sẽ nhận Mẹ Vô Nhiễm làm Quan Thầy và sẽ xây một đền thờ dâng kính Mẹ.

Nhờ lời cầu bầu và sự che chở của Mẹ Vô Nhiễm, cơn bách hại đạo tan đi. Đức Cha Vinh được phúc tử đạo, cha chính Hoà được tấn phong Giám mục ngày 01 tháng 01 năm 1868, và chính thức nhận quyền coi sóc Giáo phận năm 1869. Đức Cha Hoà hằng nhớ lời khấn hứa với Mẹ năm xưa, nên đã lo liệu xây một đền thờ rộng lớn tại Phú Nhai để dâng kính Đức Mẹ.

Ơn Đức Mẹ thương, Giáo phận ngày càng tăng tiến, nên Đức Cha Trung đã cho rỡ đền thờ cũ và xây trên nền đó một đền thờ lớn hơn, giống như đền thờ hiện tại, mất 7 năm mới xong (1917 - 1924). Nhưng đến năm 1929, đền thờ bị bão sụp đổ gần hết, chỉ còn lại gian cung thánh, nên năm sau (1930), Đức Cha Trung khởi công xây dựng lại theo mẫu mực như trước, song chắc chắn hơn, và đó chính là Đền thánh Mẹ Vô Nhiễm như ta thấy hiện nay.

Đền thánh Mẹ hiện nay dài 80m, rộng 27m, cao 30m, tháp cao 44m là một trong những công trình lớn, có giá trị nghệ thuật cao nhất của Giáo phận Bùi Chu.

Hằng năm đến ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm, thánh đường Phú Nhai lại được chứng kiến cảnh nhộn nhịp hồ hởi của đoàn con từ khắp bốn phương về dự lễ. Những tiếng chuông ngân vang từ hai tháp chuông cao không át nổi lời kinh tiếng hát, cũng như những khó nhọc vất vả không cản lại được lòng con cái yêu mến Mẹ.

Hôm nay là ngày cung hiến thánh điện này, người giáo dân Bùi Chu càng vui tươi tự hào. Đặc biệt, giáo dân Phú Nhai sung sướng vì được trao phó giữ gìn tấm bia lịch sử đó của Giáo phận, đó là bằng chứng của lòng con cái Bùi Chu yêu mến Mẹ, và cũng chính là bằng chứng của lòng Mẹ Vô Nhiễm thương yêu, che chở con dân Bùi Chu. Ngày kỷ niệm hôm nay gợi lên cho ta biết bao kỷ niệm êm đềm!

Lạy Mẹ Maria, thời gian có qua đi, nhưng qua sao được lòng Mẹ hằng thương mến chúng con! Chớ gì mỗi tấm lòng người tín hữu Bùi Chu là một tấm bia ghi ơn Mẹ! Chớ gì trăm năm bia đá có mòn, nhưng muôn đời những tấm bia lòng đó vẫn còn như xưa. Amen.
 

[1] PHAN TẤN THÀNH, Vầng Trăng Tuyệt Vời, tr 110.
 
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập261
  • Máy chủ tìm kiếm43
  • Khách viếng thăm218
  • Hôm nay22,747
  • Tháng hiện tại850,524
  • Tổng lượt truy cập69,910,398
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây