Yếu tính TM và chìa khoá đời sống kitô hữu

Thứ bảy - 11/06/2016 23:57  1495

V. Lòng xót thương và công lý của Thiên Chúa nơi cuộc sống chúng ta

Sứ điệp mà Đức Giê-su nói về Thiên Chúa Cha, rồi nội dung mà Ngài diễn tả một cách rõ ràng cụ thể nơi các dụ ngôn, và điều mà Ngài khẳng định minh bạch trong những lời loan báo về cuộc khổ nạn cũng như trong những lời truyền phép của Bữa Tiệc Ly, tất cả những điều đó, thánh Phao-lô đã suy tư trong mọi chiều sâu khôn dò của nó. Khi làm điều này, thánh tông đồ đặt Thánh Giá là tâm điểm của lời tuyên xưng của mình. Phao-lô không muốn biết điều gì ngoài Đức Ki-tô, Đấng Chịu Đóng Đinh (1Cr 2,2). Thần học của thánh Phao-lô là thần học về Thập Giá. Nhưng, trong lời tuyên xưng của vị tông đồ dân ngoại này, thần học về Thập Giá không bao giờ tách rời khỏi sứ điệp Phục Sinh của Đức Giê-su. Rút ra từ trong truyền thống có trước nơi Giáo hội sơ khai, Phao-lô cùng lúc đề cập tới cả hai yếu tố này (1Cr 15,3-5). Thật thế, nơi truyền thống đó, thánh nhân đã khám phá ra lời tuyên xưng đức tin rằng: đúng theo lời Thánh Kinh - tức là đúng theo ý định cứu rỗi có trước của Thiên Chúa - Đức Giê-su đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta (u`pe.r tw/n a`martiw/n h`mw/n) (1 Cr 15,3; x. 11,24).

Không có cuộc Phục Sinh, thập giá Đức Giê-su sẽ chỉ là dấu thất bại của Ngài. Nhưng, vì cuộc Phục Sinh, thập giá trở thành dấu chỉ của cuộc vinh thắng (1Cr 15,54t), và là nền tảng của đức tin; không có cuộc Phục Sinh thì mọi sự trở nên trống rỗng và vô nghĩa (1Cr 15,14-17). Thế nên, Giáo hội ở những thế kỷ đầu trình bày Thánh Giá không như là một dụng cụ để treo Đức Ki-tô, nhưng như là một dấu chỉ ắp đầy ý nghĩa vinh thắng[1]. Dấu chỉ chiến thắng này nói với chúng ta rằng: tình yêu chiến thắng hận thù, sự sống vượt trên sự chết và cuối cùng, lòng xót thương đã toàn thắng xét xử kết án (Gc 2,13).[2] 

Dưới ánh sáng Phục Sinh, Phao-lô đã đào sâu biến cố Thập giá và ý niệm về việc đền tội thay mà ngài đã thấy có trong truyền thống tuyên xưng đức tin của cộng đoàn tín hữu của ngài. Trong các lá thư của ngài, ta thường thấy lặp lại nhiều lần thành ngữ: Đức Giê-su đã chết vì chúng ta (Rm 8,3; 2Cr 5,21; Gl 3,13). Theo chiều hướng này, thánh Phao-lô muốn nhấn mạnh rằng: chính Đức Giê-su đã mang vào mình án phạt bất hạnh của tội và lề luật, mà theo đó thì tội nhân phải chết. Thực vậy, thánh nhân còn triển khai tư tưởng này trong một lối nói sâu xa tận căn: Thiên Chúa đã biến Đức Giê-su thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta (2Cr 5,21). Chính Đức Giê-su là Đấng vô tội, nhưng Ngài đã tự nguyện mang vào mình những đòi hỏi luận phạt công minh mà đáng lẽ chúng ta phải chịu, để cho chúng ta được hưởng nhờ (Rm 8,3; Gl 3,13).

Sự hiểu biết về cái chết và Phục Sinh của Đức Giê-su như thế sẽ là nền tảng để ta hiểu tư tưởng của Phao-lô về công lý của Thiên Chúa (dikaiosu,nh qeou,).[3] Theo lý lẽ con người, nếu chúng ta là tội nhân, thì công lý đòi án chết. Nhưng bây giờ, công lý có nghĩa sự tha thứ để được sống. Như vậy, sự đòi hỏi của lề luật không phải vì thế mà bị hủy bỏ, nhưng đúng hơn, chính Đức Giê-su đã mang vào mình, thay cho chúng ta, án phạt mà công lý đòi hỏi. Ngài đã lấy khỏi chúng ta sự đòi hỏi tự biện hộ cho mình; chính Ngài trở thành sự công chính cho chúng ta (1Cr 1,30). Như vậy, nơi Đức Giê-su Ki-tô, công lý của Thiên Chúa không phải là sự kết án hay trừng phạt, nhưng là công lý làm cho người ta trở nên công chính. Công lý này bào chữa cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa, hoàn toàn do ân sủng, chứ không do công trạng của chúng ta; ngay cả khi chúng ta không xứng đáng. Công lý này được ban tặng cho chúng ta, không phải do công việc ta làm, nhưng do đức tin của chúng ta (x. Rm 1,17; 3,21.28; 9,32; Gl 2,16; 3,11). Đó là công lý bênh vực một người và làm cho họ trở nên công chính.

Theo chiều hướng này, lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ cách quyết định trên Thập Giá. Lòng xót thương cho phép chúng ta, những người chịu án phạt phải chết, được sống và sống cuộc đời mới mà không phải do sự nỗ lực của ta. Lòng xót thương này trao tặng chúng ta niềm hy vọng, mặc dầu không còn gì để trông cậy (Rm 4,18). Nó tạo ra một môi trường sống và tự do cho con người. Nó không hề làm giảm đi, cũng không hề làm mất tự do của con người. Nhưng trái lại, đức công chính mới này tái tạo tự do của chúng ta, và làm trổ sinh hoa trái dồi dào nơi những hành động công bằng và trong các hành động dấn thân cho công lý giữa lòng thế giới (2Cr 9,10; Cl 1,10). Thế nên, sứ điệp về đức công chính hóa, đã được ban tặng nhờ đức tin là: thiết lập tự do Ki-tô giáo (Gl 5,1.13).[4]

Phải ghi nhận rằng, công lý của Thiên Chúa không phải là một công lý trừng phạt, nhưng đúng hơn là công lý mà tội nhân nhờ đó để biện hộ cho mình. Có lẽ đó như là một trong những khám phá vĩ đại của nhà cải cách Martin Luther. Chính khám phá này cho phép ông thoát khỏi những âu lo về tội tỗi và thoát khỏi những dằn vặt lương tâm. Khám phá của Luther, đi cho đến cùng, đó là một tái khám phá. Bởi vì nó đã cắm lễ trong truyền thống chung của Giáo hội thời sơ khai. Chúng ta thấy những gốc rễ này đã có nơi thánh Augustin,[5] vị thánh mà Luther rất ngưỡng mộ; rồi nơi thánh Bernard de Claivaux, người mà Luther biết khá rõ. Chính Bernard đã vui mừng nhận thấy sự hồi sinh ngay trước thời kỳ chia rẽ với Luther. Nhưng thật tiếc, những cuộc tranh luận xoay quanh chủ đề ơn công chính hóa ở thế kỷ thứ 16 đã trở thành những điểm chính mâu thuẫn nhau. Để rồi thế kỷ sau đó, cuộc tranh luận đã gây ra bao hiểu lầm tranh cãi, khiến Ki-tô giáo Tây Phương bị chia rẽ,  và là nguyên nhân của bao điều bất hạnh cho dân chúng ở Châu Âu. Chỉ mãi tới thế kỷ 20, mới có một sự thống nhất nền tảng giữa hệ phái Luther và Công giáo.[6] Ngày hôm nay, tạ ơn Thiên Chúa, những người thuộc phái Lu-ther và những người Công giáo có thể cùng nhau làm chứng về đức tin giữa lòng thế giới ưu phiền, một thế giới đang bị thất vọng chán chường về chính nó: Đừng sợ! Đức công chính của Thiên Chúa là lòng thương xót của Ngài; và lòng thương xót của Thiên Chúa là đức công chính của Ngài. Lòng thương xót giải thoát chúng ta khỏi mọi nỗi ưu phiền trần thế, tặng ban ta cuộc sống mới, niềm hy vọng mới, một cuộc sống vì tình yêu và cho tình yêu.

Thánh Phao-lô đã diễn giải một cách chi tiết về cả hai phương diện của tự do Ki-tô giáo: mặt tích cực và tiêu cực. Tự do ở đây không thể lẫn lộn với ý niệm độc đoán cho rằng: Tôi được phép làm mọi sự (x.1Cr 6,12; 10,23). Trước hết, về mặt tiêu cực, tự do giải thoát ta khỏi gánh nặng của lề luật; gánh nặng mà chúng ta nghĩ rằng khi hoàn tất lề luật, ta có thể đạt được ơn công chính hóa; nhưng thực tế thì chúng ta không bao giờ cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn, vì điều lề luật đòi hỏi vượt quá sức của chúng ta. Tự do đề cập ở đây là việc giải thoát tận căn sức đè nặng của tội lỗi đã trói buộc tù túng chúng ta, gánh nặng mà chính chúng ta không thể tự mình thoát ra khỏi. Tự do này làm ta thoát khỏi lo âu và cám dỗ muốn tự mình đạt được ơn công chính hóa bằng: thành công, tiền bạc, quyền lực, danh dự, khoái lạc hay thỏa mãn tính dục. Tự do đích thực giải thoát ta khỏi cảnh nô lệ của những thực tại trần thế thống trị chúng ta. Nó cứu ta khỏi nỗi sợ hãi về một cuộc đời vô nghĩa và về cái chết. Nếu như có «tự do khỏi» (tiêu cực), thì cũng có «tự do cho» (tích cực) Thiên Chúa và cho người khác. Vậy về mặt tích cực, tự do là hiệu quả của tình yêu (Gl 5,6). Tình yêu thì tự do, tự do khỏi những sở hữu bản thân, tình yêu có thể thay đổi tận căn. Yêu thương thì chu toàn tất cả lề luật (Rm 13,10).

Thánh Phao-lô đã gói ghém sự hiểu biết về ơn công chính hóa bằng hình ảnh một cuộc trao đổi. «Vì chúng ta, Thiên Chúa đã làm cho Ngài (Đức Giê-su Ki-tô), Đấng không hề biết tội là gì, thành hiện thân của tội lỗi, để trong Ngài chúng ta trở nên công chính hóa» (2Cr 5,21). «Quả thế, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có» (2Cr 8,9). Không phải tự chúng ta giao hòa với Thiên Chúa; nhưng chính Thiên Chúa đã giao hòa chúng ta với Người nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Vì Ngài đã làm thế, nên chúng ta trở thành thụ tạo mới trong Đức Ki-tô (2Cr 5,17-19).

Cuộc trao đổi thánh thiêng này (sacrum commercium) thường được các giáo phụ của Giáo hội triển khai thêm, và dư âm còn được thấy trong cuộc đời họ. Các ngài nhắc đi nhắc lại: người công chính đã chết cho kẻ bất lương để làm cho kẻ bất lương thành người công chính. Nhờ Đức Ki-tô đã chết mà chúng ta có thể sống. Các giáo phụ của Giáo hội còn đi xa hơn nữa khi nói rằng: Thiên Chúa đã trở nên người phàm để người phàm có thể trở thành Thiên Chúa[7]. Trong lời kinh tiền tụng thứ ba của mùa Giáng Sinh, chúng ta đọc: «Vì nhờ Người mà hôm nay tỏa sáng một cuộc trao đổi lạ lùng, cuộc trao đổi tái tạo sự sống chúng con: khi Ngôi Lời của Ngài đảm nhận tính mỏng giòn yếu đuối của chúng con, không những Ngài làm cho bản chất phải chết của nhân loại nhận được vinh dự thường tồn, mà còn nhờ cuộc hiệp thông lạ lùng này, chúng con cũng được sống muôn đời».[8] Matin Luther nhiều lần nhấn mạnh ý niệm về sự trao đổi này, và  ông gọi đó là cuộc biến đổi và hiến trao ân phúc[9].

Thần học về thập giá còn được thấy cách hoàn hảo hơn trong một thánh thi cổ về Chúa Ki-tô mà thư gửi tín hữu Phi-líp-phê 2,6-11 đã nhắc tới.[10] Nơi đó diễn tả cách đặc biệt về mầu nhiệm kenosis (tự hóa mình ra không) của Thiên Chúa. Thánh Phao-lô đề cập tới việc Đức Giê-su Ki-tô làm cho mình ra trống rỗng (ke,nwsij), Ngài vốn là phận Thiên Chúa (morfh qeou,), đã đảm nhận phận nô lệ (morfh dou,lou). Phần đông các nhà chú giải cho rằng thánh Phao-lô đã xen vào bài ca mà ngài thấy nơi cộng đoàn tín hữu thời sơ khai chi tiết này: «hạ mình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên thập giá».Chính Đức Giê-su tự nguyện tùng phục như là nô lệ trong tay quyền lực mù quáng của trần thế, và cùng lúc Ngài hoàn toàn vâng phục cho đến chết trên thập giá. Thiên Chúa đã không bỏ mặc Ngài dưới quyền lực sự chết, nhưng đã siêu tôn Ngài và tặng ban cho Ngài danh hiệu là Chúa muôn loài (ku,rioj). Như thế, khi Đức Giê-su phục vụ như là một nô lệ thay cho vị thế chúng ta, Ngài đã khai mở một luật mới cho nhân loại. Một cuộc đổi thay về quyền làm chủ đã được hoàn tất; một trật tự mới của thế giới đã bắt đầu hiện diện. Lấy lại tư tưởng này, bài thánh thi trong thư gửi tín hữu Cô-lô-sê đã diễn tả: «Người là khởi đầu, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại… Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời» (Cl 1,18-20).

Huyền nhiệm kenosis của Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, điều mà chúng ta đã thấy nơi Cựu Ước, cho phép chúng ta đi đến kết luận: Thiên Chúa tự rút mình đi, nhường chỗ cho lòng thương xót của Ngài, vì thế cũng nhường chỗ cho sự sống. Tân Ước còn đào sâu tư tưởng này một cách tận căn hơn: Thiên Chúa dấn mình vào lịch sử nhân loại tới độ đi ngược lại với chính mình, Ngài mang cái chết vào thân thể mình và tùng phục quyền lực sự chết. Nơi Đức Giê-su Ki-tô, chính Thiên Chúa đã chết[11]. Nhưng cái chết không giữ nổi Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng Vĩnh Hằng. Ta có thể nói, chính cái chết bị tiêu diệt trên thập giá. Thế nên, cái chết của Đức Giê-su trên thập giá là dấu chấm hết của tử thần, ở đó là chiến thắng của sự sống. Theo chiều hướng này, thánh Phao-lô có thể chế nhạo tử thần:

«Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng,
Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi?
Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi» (1Cr 15,54tt).

Như vậy, trên thập giá, lòng thương xót của Thiên Chúa cùng với sự sống đã chiến thắng trọn vẹn. Qua Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã giao hòa thế gian với Người (2Cr 5,18). Thiên Chúa là Đấng xót thương (2Cr 1,3) và giàu ân nghĩa (Ep 2,4). Nhờ lòng thương xót của Ngài, chúng ta được thoát khỏi sự chết (Ep 4,24), và được tái sinh cho niềm hy vọng sống động (1Pr 1,3; Tt 3,5). Chính vì lý do này, thánh Phao-lô có thể xác tín: «không gì có thể tách chúng ta khỏi tình yêu của Đức Ki-tô; phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo» (Rm 8,35tt)? Nhưng trong mọi sự, không có gì làm chúng ta thất vọng; dù là sự sống hay dù là sự chết, Thiên Chúa luôn an ủi, nâng đỡ, và yêu mến chúng ta.

Thư thứ nhất của thánh Gio-an cũng triển khai tư tưởng này nữa: Thiên Chúa lớn lao hơn tấm lòng chúng ta (1Ga 3,20). Ngài vĩ đại hơn tính toán nhỏ nhặt của chúng ta và lớn lao hơn ngay cả những lo âu của chúng ta. Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta và đã đưa chúng ta vào trong tương quan hiệp thông với Ngài và trong tình hiệp thông với Chúa Ki-tô (1,3). Thế nên, lá thư thứ nhất của thánh Gio-an có thể đúc kết: «Thiên Chúa là Tình Yêu» (4,8.16). Như vậy, như là sự lan tỏa của tình yêu Thiên Chúa, lòng thương xót cô đọng cả Tin mừng.

Ngày hôm nay, khá nhiều người không chịu đựng nổi khi nhìn lên thập giá và Đấng Chịu Đóng Đinh. Họ cho rằng việc treo Thánh Giá nơi công cộng là điều không còn thích hợp, thành ra họ muốn gỡ bỏ các Thánh Giá ấy đi. Nhưng, những thái độ như thế của hiện tượng thế tục hóa nơi một xã hội đa nguyên đang bị chất vấn: phải chăng đau khổ vắng mặt trong thế giới của những người khỏe mạnh? Có thực sự chúng ta đẩy lui hoặc xóa bỏ đau khổ được chăng? Thế giới của chúng ta thiếu vắng điều gì? Cụ thể, điều gì sẽ thiếu vắng đối với nhiều người đau khổ, nếu như chúng ta không để dấu Thánh Giá, dấu của tình yêu và lòng xót thương, được hiện diện cách hữu hình? Chúng ta lại chẳng nhớ rằng «vì thương tích của Ngài mà chúng ta được chữa lành» sao (Is 53,5; 1Pr 2,24)? Tin tưởng vào Người Con Chịu Đóng Đinh, ấy là xác tín rằng: tình yêu luôn hiện diện trong thế giới, tình yêu mãnh liệt hơn hận thù bạo tàn, và tình yêu mãnh liệt hơn tất cả gian ác trói buộc con người. «Tin tưởng vào tình yêu này có nghĩa là tin tưởng vào lòng thương xót».[12]

Như vậy, tin vào tình yêu, làm cho tình yêu trở thành máu thịt nhập thể và hiểu biết ý nghĩa về cuộc đời, đó là những yếu tố có vai trò rất quan trọng. Chúng đánh dấu cuộc cách mạng thực sự về: hình ảnh của chúng ta có về Thiên Chúa; về sự hiểu biết chính mình cũng như cuộc sống thực hành của chúng ta; về đường lối hoạt động của Giáo hội và cách cư xử của chúng ta giữa lòng thế giới. Tình yêu đến từ nguồn lòng thương xót. Tình yêu này có thể và phải trở thành nền móng cho cuộc sống văn hóa mới của chúng ta, nền móng cho cả Giáo hội và xã hội nữa.
 
***
Chúng ta vừa cùng theo những suy tư của Đức hồng y Wal-ter Kasper về lòng thương xót của Thiên Chúa trong Cựu Ước và Tân Ước. Những tư tưởng của ngài được gợi hứng từ chính suối nguồn Lời Chúa, thành ra rất hữu ích nuôi dưỡng chúng ta trong năm thánh Lòng thương xót. Cùng lúc ta cũng ghi nhận rằng đôi lúc tư tưởng của ngài khá cô đọng, nên đòi hỏi phải tập trung tư tưởng và suy tư nhiều. Nhưng bù lại, những suy tư về lòng thương xót Thiên Chúa luôn có sự liền mạch theo phương pháp tiệm tiến thống nhất, thành ra độc giả cũng dễ nắm bắt được những tư tưởng chính. Khép lại phần tìm hiểu lòng thương xót Thiên Chúa nơi Kinh Thánh, chúng ta được thôi thúc tiếp tục đem ra cuộc sống thực hành.

[1] W. Kasper, Jesus the Christ, 124-59.
[2] Frnz Mussner, Der Jakobusbrief: Auslegung, Freiburg: Herder, 1964, 126 t.
[3] G. Schrenk, , Theologisches Wörterbuch zum Neuen Testament, 2: 204-14.
[4] W. Kasper, Jesus the Christ, 156-58.
[5] Augustine, On the Spirit and the Letter, 9:15.
[6] Franz Posset, The Real Luther: A Friar at Erfurt and Wittenberg, Saint Luis, 2011.
[7] http://www/vatican.va/roma_curia/pontifical_councils...
[8] Irenaeus of Lyons, Against Heresies, III, 19,1.
[9] Martin Luther, The Freedom of a Christian, in Luther’s Works, Philadelphia: 1955-86, 31.
[10] Ernst Käsemann, Kritische Analyse von Phil 2,5-11, in Exegetische Versuche und Besinnungen, Bd. I, Göttingen: 1960, 51-95.
[11] Eberhard Jüngel, God as the Mystery of the World: On the Foundation of the Theology of the Crucified One in the Dispute between Theism and Atheism, Grand Rapids: 1983, 63-100.
[12] John Paul II, Dives in Misericordia, 1980, 7.

Tác giả: Vincent Mai Kim chuyển ngữ

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập203
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm177
  • Hôm nay50,568
  • Tháng hiện tại582,276
  • Tổng lượt truy cập70,610,033
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây