Yếu tính TM và chìa khoá đời sống kitô hữu

Thứ sáu - 13/05/2016 00:09  1068

III. Lòng xót thương của Chúa Cha trong các dụ ngôn

Chúa Giê-su giải thích cho chúng ta sứ điệp lòng xót thương của Chúa Cha một cách đẹp nhất nơi các dụ ngôn của Ngài.[1] Đặc biệt hơn nơi dụ ngôn người Sa-ma-ri-a nhân hậu (Lc 10,25-37) và dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (Lc 15,11-32)[2]. Những dụ ngôn này đã bừng cháy trong tâm trí nhân loại và đã trở thành những câu châm ngôn cửa miệng.

Trong dụ ngôn người Sa-ma-ri-a nhân hậu, thật ý nghĩa khi Đức Giê-su giới thiệu cho chúng ta chính Ngài là người Sa-ma-ri-a ấy, và vượt lên trên tất cả, chính Người như là khuôn mẫu về lòng xót thương. Thời đó, người Do-thái không nhìn nhận những người Sa-ma-ri-a như những người Do-thái chính thống, mà khinh miệt coi họ như những người ngoại giáo. Thái độ này hẳn sẽ thấy sự phản ứng rõ ràng nơi các thính giả của Chúa Giê-su, mà trước hết là một vị tư tế, rồi một thầy Lê-vi đi ngang qua nạn nhân đang nằm bên vệ đường, họ chẳng hề để ý quan tâm tới anh ta. Trong khi đó, cụ thể là người Sa-ma-ri-a đã chăm sóc anh ta. Người Sa-ma-ri-a không hề lãnh đạm đi ngang qua anh nạn nhân nằm bất tỉnh bên lề đường, anh ấy bị đánh trọng thương bởi bọn cướp. Khi thấy nạn nhân, người Sa-ma-ri-a động lòng trắc ẩn, anh quên công việc đi lại buôn bán của mình, anh cúi mình xuống trên nạn nhân bẩn thỉu, ra tay giúp những nhu cầu cần thiết đầu tiên, băng bó vết thương của nạn nhân. Cuối cùng, chính anh còn quảng đại trả tiền trước cho quán trọ về những chi phí và những việc chăm sóc.

Chúa Giê-su kể dụ ngôn này như là lời đáp cho câu trả lời: thế ai là người thân cận của tôi? Câu trả lời của Ngài là: chẳng phải là ai đứng cách xa, nhưng đúng hơn đó là người mà vì họ mà bạn trở thành người thân cận; là người mà bạn thực sự gặp gỡ, và người đó cần tới sự giúp đỡ của bạn trong một hoàn cảnh cụ thể. Chúa Giê-su không rao giảng tình yêu của những người đứng ở quá xa, nhưng là tình yêu của những người tới gần nhất. Tình yêu này không hề bị giới hạn ở trong khuôn khổ gia đình, bạn bè, tôn giáo, hay giữa các thành viên của một chủng tộc. Tình yêu này được đo lường theo đau khổ cụ thể và tùy theo nhu cầu của người mà ta gặp trên đường.

Chúa Giê-su đi xa thêm một bước nữa trong dụ ngôn của Tin mừng Lu-ca về người con hoang đàng (mà ngày nay người ta gọi là dụ ngôn Người Cha nhân hậu). Với các dụ ngôn này trong Lc 15, Chúa Giê-su phản ứng lại tiếng xầm xì tức giận của những người biệt phái và luật sĩ. Họ thất vọng khi thấy Đức Giê-su dành ưu tiên đón tiếp và ăn uống với những người tội lỗi (Lc 15,2). Theo họ, Chúa Giê-su đã vi phạm những điều luật mà tiền nhân truyền lại. Nhưng với dụ ngôn của Ngài, Chúa Giê-su dạy cho những người xầm xì ấy bài học. Thái độ của Ngài phản ảnh đức công chính vĩ đại và cao vời của Cha Ngài trên trời. Một cách cụ thể, nơi các dụ ngôn này Chúa Giê-su nói: Ngài đối xử làm sao thì chính Thiên Chúa cũng đối xử như vậy trong tương quan với các tội nhân và với những người sống chân thành, có sao có vậy.

Điều đó còn được diễn tả cách tài tình trong dụ ngôn người con hoang đàng, mà một cách xác thực hơn thì phải gọi là dụ ngôn người Cha giàu lòng xót thương (Lc 15,11-32). Quả thật, các từ «công lý» và «lòng xót thương» không xuất hiện trong dụ ngôn này. Nhưng lại thấy cái thảm cảnh được trình bày ở đó, thảm cảnh về mối tương quan giữa tình thương của người cha và sự bỏ nhà ra đi của người con, một người con phá tán tài sản của cha bằng đời sống phóng đãng trác táng, tới độ mất cả quyền làm con. Anh ta không còn gì để tự bào chữa cho mình trước mặt cha anh.

Dù vậy, người cha vẫn là cha và mãi mãi là cha của con, cũng như người con vẫn là con và mãi mãi là con của cha. Vì thế, người cha giữ lòng trung tín với chính mình và cũng trung thành với con của ngài. Khi ông nhìn thấy con mình từ xa trở về nhà, ông động lòng trắc ẩn (Lc 15,20). Quả thật, người con đã phá hoại tài sản cha mình, đã làm mất tư cách là con và làm hư hại nhân phẩm của mình, nhưng anh ta không hoàn toàn mất chúng. Bởi thế, người cha không đứng chờ đợi con mình tới, mà chính ông đã chạy đến với anh ta, ôm lấy anh và hôn anh tha thiết. Khi trao cho anh áo mới, xỏ nhẫn vào ngón tay anh, người cha đã khôi phục anh là con của mình. Người cha trả lại quyền làm con cho anh ta và nhận biết nhân phẩm mới của anh như là một người con. Ông còn tặng cho con mình mối tương giao sống động không ở mức độ như những gì anh ta mong ước; mà lòng xót thương của người cha vượt quá mọi đo lường mà anh đã nghĩ. Lòng xót thương của người cha thể hiện qua sự quan tâm của ông dành cho con, không phải dựa trên vật chất của cải, nhưng đúng hơn là ở nhân phẩm của người con. Đó chính là thước đo tình yêu của người cha.

Dường như không có dụ ngôn nào mà Chúa Giê-su lại diễn tả lòng xót thương mãnh liệt của Thiên Chúa như trong dụ ngôn này. Nơi dụ ngôn này, Chúa Giê-su muốn khẳng định: như Ta đã làm, thì Chúa Cha cũng làm. Lòng thương xót của Chúa Cha nơi dụ ngôn này là cách thức biểu lộ công lý cao cả của Ngài. Chúng ta có thể nói rằng: lòng thương xót là cách thể hiện tuyệt hảo nhất của công lý. Lòng xót thương thần linh [Barmherzigkeit] hướng con người quay trở về với sự thật của chính họ. Lòng xót thương Thiên Chúa [Erbarmen] không hạ nhục con người. «Tương giao lòng xót thương được đặt nền tảng trên kinh nghiệm chung về sự thiện nơi con người, và trên kinh nghiệm chung về phẩm giá riêng của họ[3]».

Dụ ngôn về người Sa-ma-ri-a nhân hậu cũng như dụ ngôn về người con hoang đàng trở thành tục ngữ quen thuộc. Thực vậy, lòng trắc ẩn của người Sa-ma-ri-a đã vượt quá thực tại Ki-tô hữu và Giáo hội, nó đã trở thành tên của nhiều tổ chức từ thiện hay các ngành phục vụ khẩn cấp (Samariter-Notdienst,   Arbeiter-Samariter-Bund, Internationales Hilfswerk Samarierdienst). Điều đó cho thấy rằng sứ điệp Kinh Thánh về lòng trắc ẩn, cảm thông và lòng xót thương đã in sâu vào trong ý thức nhân loại và vào cả lối sống tục hóa nữa.

Tuy nhiên sẽ sai lầm cho rằng sứ điệp của các dụ ngôn trên dừng lại với chủ nghĩa nhân đạo phổ quát. Đúng hơn, các dụ ngôn nhằm làm sáng tỏ thái độ đặc thù của Chúa Giê-su như là diễn tả thái độ của Chúa Cha trên trời. Ngài muốn khẳng định: như Ta đã làm, thì chính Chúa Cha cũng làm. Ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha (Ga 14,7.9). Nơi Ngài, xuất hiện lòng thiện hảo và tình thương nhân ái của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta (Tt 3,4). Nơi Ngài, chúng ta có một vị thượng tế, Người có thể thông cảm mọi nỗi yếu đuối của chúng ta và Người cũng chịu mọi thử thách như chúng ta, nhưng không phạm tội (Dt 4,15). Chúa Giê-su cũng muốn nói với từng người chúng ta: câu chuyện đời con đã được kể trong câu chuyện của người con hoang đàng. Chính con là người con hoang đàng ấy, con cũng cần phải hối cải. Nhưng đừng sợ! Chính Thiên Chúa đến nhìn con và ẵm con vào vòng tay của Ngài. Ngài không làm con nhục nhã, nhưng Ngài trao lại cho con nhân phẩm như là một người con.

[1] C.H.Dodd, The Parables of the Kingdom, New York: Scribner, 1961.
[2] Benedict XVI, Jesus of Nazareth: F-rom the Baptisme to the Transfiguration, 194-211.
[3] John Paul II, Dives in Misericordia, 1980.

Tác giả: Vincent Mai Kim chuyển ngữ

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập316
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm283
  • Hôm nay49,057
  • Tháng hiện tại910,592
  • Tổng lượt truy cập69,970,466
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây