Nghĩ về Cha – Một đời Linh mục

Thứ năm - 15/10/2015 11:11  6971
Ơn gọi trở thành Linh mục là một sáng kiến tuyệt vời đến từ Thiên Chúa. Lý tưởng ấy không phải là một nẻo đường thênh thang, rộng mở nhưng là một hành trình đầy cam go và thử thách. Dẫu biết rằng ơn gọi nào, chọn lựa nào cũng buộc chúng ta phải trả giá, nhưng đời Linh mục quả thật lắm nỗi truân chuyên. Một chút suy tư dưới đây có thể chỉ là cảm nhận chủ quan của tác giả, nhưng người viết vẫn ước mong bất kỳ ai khi đọc bài viết này sẽ có được một cái nhìn cảm thông hơn, trân trọng hơn, kính phục hơn để rồi luôn cầu nguyện cho các Ngài mỗi ngày.

Linh mục có nhiều nỗi khổ mà nỗi khổ trước hết đến từ việc người giáo dân đặt quá nhiều hy vọng vào các Ngài. Họ nghĩ rằng: còn gì cao quý hơn khi một con người bình thường, nay được Thiên Chúa nâng lên hàng Tư tế. Bao nhiêu vinh quang, bao nhiêu danh dự, bao nhiêu lời tung hô, chúc mừng đều quy về các Ngài trong ngày thụ phong. Thế nhưng, những ấn tượng tốt đẹp ấy sẽ không bao giờ đủ, nếu chúng ta không có cái nhìn cảm thông về những khó khăn các Ngài gặp phải trong đời Linh mục. Hạnh phúc thì chẳng được bao nhiêu, mà thánh giá các Ngài phải vác trên đường sứ vụ thì vô vàn. Gánh nặng ấy đòi mỗi con chiên phải luôn cầu nguyện cho các Mục tử của mình thật nhiều thay vì chỉ trích hay nổi loạn.

Vì coi các Cha xứ như là những vị thánh sống, nên 
giáo dân mặc sức đòi hỏi các Linh mục phải thế này phải thế kia, nhưng kỳ thực các Ngài cũng là những con người bình thường như bao người. Linh mục cũng có những lỗi lầm, những khuyết điểm, những yếu đuối và cả tội lỗi. Vì thế, không lạ gì khi chúng ta thấy các Linh mục cũng nóng nảy, giận hờn, cau có, nặng lời với giáo dân, hoặc không ít lần chúng ta chứng kiến một vài Linh mục bị cám dỗ bởi sức mạnh của đồng tiền, của tình cảm, của quyền lực. Đó âu cũng là điều có thể thông cảm. Dẫu biết rằng các Ngài là những con người đã được thánh hiến dành riêng để phục vụ Thiên Chúa và cộng đoàn, nhưng Linh mục cũng là người trần mắt thịt, cũng phải ăn uống ngủ nghỉ như ai, cũng phải có những nhu cầu và phương tiện phục vụ cuộc sống như bao người. Các Ngài là những người sống trong thế gian nên vẫn chịu sự tác động của thế gian. Thế nhưng một khi Linh mục đã bị con chiên thần thánh hóa, thì đối với các Ngài đó phải chăng là một nỗi khổ, một thập giá?
 
Các Linh mục thật là khổ khi các Ngài trở thành đối tượng để con chiên đem ra so sánh, phê bình. Trong thực tế, không ít lần chúng ta nghe những lời chỉ trích thiếu sự kính trọng thậm chí vô phép của một vài con chiên: “Cha mình không những giảng dai, giảng dài, mà còn giảng dở”; hay đại khái: “Cha nhà mình là Tiến Sỹ gây mê không hồi sức, là chuyên gia ru ngủ có đẳng cấp…”. Thế nhưng, thử hỏi liệu có ai trong chúng ta là con người hoàn hảo để dám chê bai người khác? Hơn nữa, nhìn vào mười hai Tông đồ xưa kia, các Ngài chỉ là những con người rất đỗi nhỏ bé, tầm thường, ít học. Họ chỉ là những ngư phủ, hay nhân viên thu thuế loại xoàng - người mà xã hội thời đó cho là những kẻ tội lỗi đáng bị nguyền rủa. Thế nhưng, Chúa đã chọn các Ngài giữa muôn người để làm nền móng xây dựng Giáo hội. Lạ lùng thay, chính nhờ những con người xem ra kém cỏi ấy, Giáo hội lại có thể tồn tại và đứng vững đến cho ngày nay. Thành ra, các Linh mục cũng chỉ là cây chì nhỏ trong tay Thiên Chúa, để Ngài tự do vẽ lên những gì Ngài muốn. Còn mỗi chúng ta, thân phận yếu hèn, làm sao chúng ta có thể hiểu được ý định của Đấng Tạo Thành. Do đó, thay vì so sánh hay phê bình khả năng của các Linh mục, chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ngài, để các Ngài nhận ra được những khả năng và giới hạn của mình, phát huy những ưu điểm, khắc phục những khuyết điểm, sẵn sàng vâng nghe tiếng Chúa, hầu chu toàn sứ mạng được trao phó.
 
Một nỗi khổ khác mà Linh mục phải chịu đó là việc giáo dân vô tình biến họ thành những “nàng dâu” trăm họ. Cha nào quá thân thiết với một số người thì bị cho là yêu riêng. Sự ngộ nhận này không chỉ xuất phát từ giáo dân mà đôi khi còn xuất phát từ chính các Linh mục. Cha nào đó thân thiết quá với giáo dân của mình cũng bị cha khác cho là “lấn sân”. Còn Linh mục vì mang trong mình trọng trách “cầm cân nảy mực” nên phải nghiêm khắc một chút thì bị mang tiếng là “không hòa đồng”. Chúng ta hay quên rằng các Linh mục cũng là con người, cho nên các ngài cũng cần có bạn bè, có người hợp tính và cũng có kẻ không thích không ưa. Thử hỏi: có ai trong chúng ta cao thượng tiếp đón nồng hậu những người có ác cảm với chúng ta? Điều ấy thật khó khăn! Còn các Linh mục chỉ giữ mức độ xã giao bình thường với những người không hợp tính đã có thể bị cho là “đối xử phân biệt”. Linh mục làm sao có thể làm vừa lòng hết mọi người được. Vô tình hay hữu ý các Linh mục bị biến thành những “nàng dâu” không hơn không kém để rồi bị những "bà mẹ chồng" độc ác thẳng tay “trừng trị” không thương tiếc. Một khi chúng ta đặt mình vào vị trí của các Ngài, chúng ta sẽ dễ dàng thông cảm thay vì quá hà khắc, khắt khe trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Chung quy lại “làm dâu” cũng là một nỗi khổ của đời Linh mục.
 
Ngoài ra, các Linh mục là những người phải nếm cảnh cô đơn thật nhiều nếu không có mối tương giao sâu sắc thân tình với Chúa, vì ngoài Thánh lễ ra có mấy ai đâu mà chia sẻ, tâm sự. Buồn vui cuộc sống chỉ biết âm thầm thân thưa với Chúa, mà Thiên Chúa thì nhân từ, lúc nào Ngài cũng im hơi lặng tiếng trên cây Thập Tự huyền bí. Để lấp vào những khoảng trống cô đơn ấy, một số Linh mục đã nghĩ ra những việc như viết lách, đọc sách, vào internet… để trau dồi thêm kiến thức mục vụ và giảng thuyết, làm việc bác ái, từ thiện… nhưng không phải ai cũng có thể dễ dàng biến cô đơn thành niềm vui. Vậy nếu chúng ta thật sự cảm nhận được những cô đơn của các Linh mục, biết nâng đỡ các Ngài bằng những lời động viên chân thành, bằng ánh mắt cảm thông và một con tim nhân ái thì thiết nghĩ các Linh mục sẽ hạnh phúc biết bao trong đời dâng hiến, phục vụ. Nhưng dù thế nào, cô đơn vẫn là một gánh quá nặng nếu không có Chúa.

Một trong những cái khổ của Linh mục không thể không kể đến là vấn đề thời gian. Thời gian của các Linh mục không còn là của riêng các Ngài nữa. Một Cha xứ luôn phải sống trong tình trạng sẵn sang giống như một cỗ máy di động. Bất cứ khi nào người ta cần đến, Linh mục cũng đều phải có mặt. Có ai chết người ta kêu Cha, rồi ai sắp chết người ta cũng kêu Cha, những người cô đơn, đau khổ cũng tìm đến Cha để mong được sự thông cảm, chia sớt, rồi gia đình bất hòa, vợ chồng con cái xung khắc, Cha cũng lại có mặt... Linh mục bỗng dưng trở thành một chiếc “thùng xả rác di động” cho bao người, mặc dù biết rằng đó là sứ mạng mà Cha phải làm. Chia sẻ cuộc sống với những người Cha được sai đến phục vụ là một niềm hạnh phúc lớn lao nhất của đời Linh mục, nhưng đồng thời cũng là một gánh nặng ghê sợ nhất. Đời sống các Linh mục là một đời sống mang đậm nét đẹp của tình yêu thương, nhưng nó cũng có thể là một đời sống cạn kiệt và khô cằn. Người ta sẽ không cần đến Linh mục khi mọi sự đang diễn ra một cách tốt đẹp, họ cần đến các Ngài khi gặp rắc rối hay thảm hoạ mà thôi. Vì thế, chẳng lạ lẫm gì đối với một Cha xứ vừa mới cử hành Thánh lễ An táng xong thì lại chạy đi ngay tới một nơi khác để làm lễ và chứng hôn cho đôi bạn trẻ, rồi ngay sau đó là tiệc cưới hoành tráng và vui tươi. Linh mục sống đời mục vụ luôn sống trong sự căng thẳng thế đó. Suy cho cùng, đó cũng là một nỗi khổ, vì sức chịu đựng của người ta cũng có giới hạn mà thôi.
 
Các Linh mục không thể nào đáp ứng mọi nhu cầu và đòi hỏi của người giáo dân. Bởi vì, các Linh mục có “quá nhiều công việc” và chịu quá nhiều áp lực trong một ngày mục vụ. Việc Tông đồ luôn là hố sâu không đáy, và cái hố sâu ấy là một nỗi sợ hãi khủng khiếp. Thật là khó để có thể trả lời có hoặc không cho những đòi hỏi của người giáo dân. Mỗi ngày Linh mục luôn phải đối mặt với biết bao chọn lựa để có được những quyết định cho những nhu cầu nào Ngài có thể đáp ứng và những nhu cầu nào Ngài buộc phải chối từ. Thật là khổ!
 
Vì phải đối mặt với quá nhiều thách đố và khó khăn, nên xuất hiện nguy cơ là các Linh mục rơi vào tình trạng thoả hiệp với chính mình. Điều cần lưu ý ở đây là một khi các Ngài đã sống thoả hiệp với bản thân, thì các Ngài rất dễ sa vào những hành vi không còn phù hợp với đời sống Linh mục của mình nữa. Nhiều Linh mục đã cố biện minh cho những hành vi sai trái của mình với suy nghĩ là: “Tôi đáng được hưởng những điều này, vì tôi đã bỏ mọi sự để theo Chúa mà”. Hay là: “Tôi cần những thứ ấy để có thể tiếp tục những công việc mục vụ khó khăn của tôi”. Tuy nhiên, những suy nghĩ như trên chẳng giúp gì hơn cho cuộc sống của các Ngài, trái lại nó lại càng gây thêm rắc rối. Những suy nghĩ và hành động như thế là dấu chỉ cho ta thấy muối chứng nhân của Linh mục phần nào đã bị nhạt và lúc này chúng ta cần cầu nguyện nhiều hơn nữa cho các Linh mục.
 
Một vài tâm tình đơn thành trên đây ít nhiều có thể giúp chúng ta thay đổi cách suy nghĩ và hành động, cũng như có cái nhìn tinh tế hơn, cởi mở và cảm thông hơn trước những khó khăn mà các Linh mục phải vác trên con đường phục vụ Tin Mừng. Ước mong rằng khi chia sẻ những tâm tình này, mỗi người chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa một lời cầu nguyện cho Cha xứ của mình và cho bất cứ Linh mục nào chúng ta quen biết, giúp các Ngài vượt qua mọi khó khăn, thử thách hầu chu toàn sứ vụ Linh mục của mình.

Tác giả: Tâm Thành

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập224
  • Máy chủ tìm kiếm56
  • Khách viếng thăm168
  • Hôm nay41,583
  • Tháng hiện tại573,291
  • Tổng lượt truy cập70,601,048
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây