Về quê

Thứ ba - 29/08/2017 04:30  2312
download (1)Bảo lững thững đi quanh nhà thờ. Chàng đi thật chậm, nhìn thật kỹ ngôi nhà thờ. Chàng thu vào trong mắt, trong tâm trí chàng mọi ngóc ngách của ngôi nhà thờ mà bao lâu chàng mới gặp lại và cũng sắp xa nó.


Thoáng chốc đã hai tháng Bảo về quê. Đêm nay chàng sẽ về lại Sài Gòn. Chàng lại xa quê hương lần nữa, nhưng lần này sẽ không phải xa lâu như lần trước – chàng tự hứa với chính mình như thế. Chỉ ít tháng nữa thôi, lễ Truyền Dầu của Bùi Chu sẽ tổ chức ở Hải Nhuận quê chàng. Mọi người đã mời chàng. Và chàng cũng đã tự hứa sẽ sắp xếp công việc để có thể đưa mẹ cùng về quê dịp ấy.
Bing…boong…

Tiếng chuông vang lên từ ngọn tháp của nhà thờ, báo hiệu sắp đến giờ lễ. Bảo lại nhớ ngày trở về chàng đã khóc khi thấy hai ngọn tháp này. Chính nhờ hai ngọn tháp này mà chàng biết mình đã về quê thật rồi. Hai tháp chuông vươn lên giữa khoảng trời mênh mông, dù quê chàng giờ đây đã biết bao ngôi nhà cao tầng mọc lên. Hai tháp chuông tô điểm cho vẻ đẹp của ngôi nhà thờ. Mà nhà thờ quê chàng giờ cũng đã khác trước nhiều. Bước vào cổng nhà thờ là hai hồ nước rộng, mát cùng hai hàng cây ven bờ rủ bóng xanh xuống mặt hồ. Khuôn viên nhà thờ giờ như một “công viên mi-ni”, không còn là công trình dở dang, ngổn ngang như ngày nào nữa. Đường Thánh Giá quanh đường kiệu tôn lên vẻ bề thế cho khuôn viên nhà thờ. Những mảng cỏ xanh xung quanh làm mát con mắt khi ngắm nhìn nhà thờ. Trong nhà thờ là hai hàng cột kéo dài lên đến tận gian cung thánh, nơi có tòa vàng uy lệ đầy trang trọng. Mỗi lần đi lễ, Bảo đều ngắm mọi thứ thật kỹ. Những lúc ấy, trong Bảo là cảm giác lâng lâng, tự hào. “Quê cậu giờ khác xưa rồi. Đẹp hơn xưa rồi”. Câu nói của ông cụ trên chuyến xe về quê văng vẳng trong tâm trí chàng.

- Các em thiếu nhi tập trung xếp hàng! - Hiệu lệnh tập trung của các em huynh trưởng.

Bảo rất thích đi lễ thiếu nhi ở quê chàng. Chàng thích nhìn những thiên thần ấy ngây ngô xếp hàng. Cả những đứa tinh nghịch trêu đùa các bạn xung quanh. Nhìn chúng Bảo lại nhớ tuổi thơ nghịch ngợm của chàng và bạn bè. Và chàng cũng nhớ đến đứa em trai nhỏ của chàng. Nó không được may mắn để về lại quê hương như chàng. Nó mất khi vào miền Nam được ba năm, khi Bảo lên tám và nó mới sáu tuổi. Nhớ đến em, Bảo vẫn còn ngậm ngùi.

Chàng vào nhà thờ khi các em thiếu nhi đã ổn định chỗ ngồi. Chàng ngồi hàng ghế gần cuối cùng. Các hàng ghế trên đã ních người. Lễ thứ Bảy và Chúa Nhật nào, nhà thờ quê chàng cũng chật ghế như thế. Bảo nhìn lên Thánh Giá, ồi lại nhìn quanh hết một lượt. Chỉ mấy giờ đồng hồ nữa thôi, chàng sẽ xa nơi này. Chỉ mấy giờ đồng hồ nữa thôi, chàng lại quay lại guồng quay của cuộc sống, công việc. Trong lúc ấy, quê chàng vẫn chuyển mình, thay đổi. Trong lúc ấy, quê chàng vẫn ngày ngày phát triển hơn.

- Chúa ơi! Một năm nữa con về lại, quê con sẽ thay đổi thế nào? – chàng băn khoăn thầm nghĩ.
Ca đoàn bắt đầu hát. Cha xứ từ phòng thánh bước ra.
Bảo cùng mọi người đứng dậy. Thánh lễ bắt đầu.
***
- Bảo ơi! Sắp đồ xong hết rồi chứ?
- Cháu xong rồi chú ơi.

Hai chú cháu Bảo sắp đồ của chàng ra xe để chuẩn bị xuống chợ Cầu, đón xe cho chàng. Lúc về thì chàng không mang nhiều đồ, nên chỉ có một ba-lô và một túi xách đồ.

Còn lúc đi thì chàng thêm hai túi đồ nữa mà vẫn còn thấy chặt. Rặt là đồ bà con láng giềng gửi Bảo. Những túi bánh nhãn đặc sản của Hải Hậu quê chàng. Những chai rượu nếp quê. Cả những tấm bánh chưng bà Thìn ngon nổi tiếng của Hải Hậu quê chàng. Nếu hai túi đồ mang thêm chưa thật nặng thì dễ cả gạo Tám thơm, nét riêng của vùng đất nông nghiệp quê chàng. Bảo nghĩ vậy. Thành ra Bảo lại “đi ít về nhiều”.

- Cậu Bảo đi bằng an nhé! Cho chúng tôi gửi lời hỏi thăm mọi người trong đấy.
- Dạ vâng thưa cụ. Con cảm ơn mọi người. Mọi người ở lại giữ gìn sức khỏe.

Đó là những người hàng xóm sang chào tiễn Bảo. Dù đã tối muộn nhưng mọi người vẫn sang chào thăm chàng. Bác Bằng, bác Châu,…những người hàng xóm thân thiết với gia đình chàng hồi xưa. Quê chàng là thế. Mọi người coi nhau như gia đình. Nhà nào có giỗ chạp, cưới hỉ hay ma chay gì, cả xóm đều xúm lại giúp đỡ như công việc nhà mình. Bố Bảo vẫn hay nói “bán an hem xa, mua láng giềng gần” là vì vậy. Bao năm xa quê, chàng vẫn cảm nhận được cái tình thân thiết ấy qua những lời hỏi thăm, những cái nắm tay thật chặt, nụ cười thân thiết của mọi người trong quãng thời gian chàng ở quê. Bảo vẫn là con, là cháu của mảnh đất thân thương này, dù chàng có xa quê bao nhiêu năm trời.

- Cậu nhà văn nhớ sắp xếp để về lễ Truyền Dầu năm tới ở quê đấy nhé. – bác Vĩnh, người rất thân thiết với bố chàng khi xưa vỗ vai chàng dặn dò.

- Dạ vâng ạ. Giờ cháu nhớ đường về quê rồi nên lúc nào muốn về là về thôi bác ạ. Không sợ bị lạc đường nữa.

Cả nhà cười ồ lên với câu nói vui của Bảo.

Đồng hồ chỉ 23 giờ đêm.

- Cháu xin phép các bác cháu đi. Chúc mọi người ở lại mạnh khỏe ạ.

Bảo và chú chàng ra xe máy.
Chàng ngoái lại nhìn những ngôi nhà thân thương của xóm làng lần nữa. Không còn là những ngôi nhà tranh lụp xụp như khi xưa. Quê chàng tuy không phải đã giàu, nhưng đời sống đã ổn định hơn. Nhưng điều làm Bảo mừng hơn cả là tình cảm, sự gần gũi của mọi người quê chàng vẫn như xưa. Về nơi đây, Bảo vẫn cảm nhận được cái vị ngọt ngào của chùm khế ngọt mà chàng vẫn mơ về. Tuy giờ lại phải xa lần nữa, nhưng Bảo biết sẽ có ngày không xa chàng được gắn bó với nơi đây nhiều hơn nữa.

***
- Xe đến rồi kìa Bảo! – Chú chàng gọi, chỉ về xe khách đang đến gần.

Bảo liếc xem đồng hồ. Đã 23 giờ 30. Xe đến chợ Cầu rồi. Chú của chàng giúp chàng chuyển đồ lên xe. Chàng chỉ mang theo mình có ba-lô. Còn mấy túi quà quê kia, họ bảo chàng để bên dưới thùng xe.

Xóm quê chàng đang yên giấc. Góc chợ Cầu vẫn sáng lên nhờ những xe khách đến và đi. Chàng cầm lấy ba-lô của mình. Tự nhiên Bảo thấy tay mình nằng nặng, dù ba-lô cũng không có nhiều đồ. Mắt hơi rơm rớm. Chàng lén lau mấy giọt nước mắt đang chực chảy ra, không để chú chàng nhìn thấy mắt chàng đang đỏ hoe.

- Cháu chào chú cháu đi.

- Đi mạnh giỏi, bình an nhé! Nhớ về lễ Truyền Dầu, cho mẹ về nữa nhé. – Chú chàng vỗ vai.

Bảo lên xe. Chàng sợ rằng nhìn vào mắt chú – rất giống với người bố đã khuất của chàng – chàng không kìm mình được.

Ngồi yên tại chỗ, chàng quay ra vẫy tay chào chú lần nữa để chú yên tâm về. Ngày trước gia đình chàng cũng lên xe giờ này để bắt đầu chuyến hành trình mới của mình. Ngày ấy chàng và em trai háo hức, chạy lăng quăng, leo trèo trên xe. Còn bây giờ, lòng chàng cứ bíu ríu không rời. Chàng nhìn quê chàng lần nữa, đang yên bình trong giấc ngủ.
Xe chạy. Từng ngôi nhà lùi dần, lùi dần phía sau chàng.

Bảo cứ ngoảnh lại. Quê chàng vẫn im lìm. Lòng chàng bịn rịn. Qua cầu Lạc Quần, Bảo chỉ còn biết nhìn những ánh đèn đang lóe lên phía xa xa, cho đến khi chúng khuất đi.

Những dòng chảy trong chàng ứ lại, ứ lại. Nó chực tuôn ra. Trong đầu chàng vẫn miên man hình ảnh cây tháp chuông, cánh đồng xanh,… Phải có gì cho đám xôn xao trong đầu chàng được tỏa ra.
Bảo lấy giấy, bút.

Chàng viết:
“Quê tôi như chùm khế chín đầu mùa
Đợi tôi về thưởng mùi thơm ngon, ngọt.
Tựa bầu sữa đượm vấn vương từng giọt
Ôi! Hải Nhuận quê tôi thương mến thương.”
QUANG HẢI
Hà Nội, 22/8/2017
 

Tác giả: Quang Hải

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập202
  • Máy chủ tìm kiếm61
  • Khách viếng thăm141
  • Hôm nay54,590
  • Tháng hiện tại586,298
  • Tổng lượt truy cập70,614,055
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây