Tin mừng Mátthêu, Tin mừng Đấng Emmanuel (1)

Thứ sáu - 13/01/2017 14:03  6976
PHẦN I
KHÁI QUÁT TIN MỪNG MÁT-THÊU
 
Phải ghi nhận rằng thời Giáo hội sơ khai, các tín hữu rất yêu mến Tin mừng Mt. Đến thời các Giáo phụ, Tin mừng này cũng được trích dẫn rất nhiều trong các tài liệu của Giáo hội[1]. Tiếp đến, trước Vaticanô II, Mt cũng được trưng dẫn rất nhiều. Và cho tới hôm nay, Mt luôn được yêu mến một cách đặc biệt. Tại sao vậy? Lý do đơn giản trước hết là vì Tin mừng này được viết với lối văn dễ hiểu, lại có cấu trúc khá chặt chẽ, dễ nhớ và dễ sử dụng cho việc dạy Giáo lý. Đàng khác, trong quá khứ, với sự ảnh hưởng của thánh Augustinô, người ta cho rằng Mt là bản văn cổ nhất, được viết đầu tiên, thành ra nó có giá trị. Lý do thứ ba, có lẽ vì Tin mừng Mt mở đầu bằng một gia phả Đức Giêsu Kitô gắn liền với các tổ phụ của dân riêng, thành ra Tin mừng này có thể là cầu nối liền lạc giữa Cựu Ước và Tân Ước.
 
Dù rằng không phải tất cả các lý do trên đều chính xác, chẳng hạn cho rằng Tin mừng Mt được sáng tác đầu tiên[2]. Nhưng có một điều chắc chắn là trong tiến trình hình thành quy điển[3] Tân Ước, thẩm quyền chính thức của Giáo hội đã xếp Tin mừng Mt ở đầu 27 tác phẩm của Tân Ước. Hẳn rằng nơi Tin mừng Mt có những “viên ngọc” độc sáng mời gọi ta khám phá. Để thấy được những nét tinh hoa của Tin mừng này, dưới đây trong phần khái quát này, ta cùng tìm hiểu: Tác giả và độc giả của Tin mừng là ai? Tin mừng này có cấu trúc và tư tưởng thần học nào độc đáo?

I. Tác giả và độc giả.
 
1. Tác giả.
 
Nói tới tác giả của Tin mừng Mt, ấy là nói tới người soạn thảo[4]. Theo truyền thống Kitô giáo ở thế kỷ thứ hai, đặc biệt lời chứng của Giám mục Pa-pi-as (khoảng năm 138), thì tông đồ Matthêu chính là tác giả của Tin mừng thứ nhất[5]. Matthêu theo tiếng Hylạp là Maqqai,on (Maththaion), còn tiếng Do-thái là Mattanaya có nghĩa là ân huệ của Đức Chúa.
 
Có lẽ đời của ông là một ân huệ lạ lùng của Đức Chúa khi được Đức Giêsu đoái mắt nhìn tới. Chính Tin mừng Mt tường thuật lại ơn gọi của Matthêu như sau: “Bỏ nơi đó, Đức Giêsu đi ngang qua thấy một người ngồi ở nơi sở thuế, gọi là Matthêu, và Ngài nói: Hãy theo Ta. Và ông đứng dậy đi theo Ngài” (x. Mt 9, 10; 10, 3). Mt kể lại ơn gọi của ông thật vắn gọn, và ngài không ngại nhận mình vào số những người “thu thuế”, những người thường bị khinh chê dưới con mắt của những người lãnh đạo tôn giáo (x. Mt 9,11). Mc và Lc cũng thuật lại ơn gọi của Mát-thêu, nhưng với tên gọi là Lê-vi[6] (Mc 2, 13-14; Lc 5, 27-28). Chính Chúa đã kể Mát-thêu vào số một trong 12 tông đồ của Ngài, sai ông đi truyền giáo (x. Mt 10, 3) và tin tưởng trao cho ông quyền năng trên các thần ô uế (x. Mt 10, 1). Nói cách khác, chính Mát-thêu đã được sống và chứng kiến cuộc đời Đức Giêsu, thế nên Tin mừng này có thẩm quyền đặc biệt.
 
2. Độc giả và năm tháng viết.
 
Chắc chắn là Tin mừng Mt nhắm gửi cho cộng đoàn tín hữu thấm đượm Lời Chúa trong Cựu Uớc[7]. Thế nên, tác giả thường xuyên trích dẫn Cựu Ước trong tác phẩm của mình, để dưới ánh sáng của Đức Kitô, lời Cựu Ước được soi sáng. Cộng đoàn này, theo đa số các học giả, là cộng đoàn Kitô hữu gốc Do-thái, rất có thể là ở vùng Antiôkia tại Syrie[8]. Theo lời chứng của Giám mục Pa-pi-as thành Giêrusalem, Tin mừng Mt có thể được viết bằng tiếng A-ram, ngôn ngữ thông dụng thời Chúa Giêsu. Sau đó Tin mừng này được chuyển ngữ sang tiếng Hy-lạp. Và ngày nay ta chỉ có bản văn bằng tiếng Hy-lạp.
 
Sau khi các Tông Đồ qua đời, để lưu giữ lời giảng dạy của truyền thống của các ngài, có người đã biên soạn Tin mừng này. Tin mừng Mt như là biên soạn lại Tin mừng của Mc. Cả 16 chương của Mc đều thấy có nơi Mt. Tuy nhiên, Mt biên soạn theo lối riêng của mình, thêm nguồn Q (chung với Lc) và một nguồn riêng của Mt (M) nữa[9]. Chắc chắn Tin mừng này được viết sau biến cố năm 70, rất có thể vào những năm 80-90.
 
II. Cấu trúc và vài tư tưởng thần học độc đáo.
 
1. Cấu trúc Tin mừng.
 
Thông thường ai cũng thấy nơi Tin mừng Mt có năm bản diễn văn (Mt 5-7; 10; 13; 18; 24-25), mà mỗi bài được kết thúc với cùng một câu : “Khi Đức Giêsu giảng dạy những điều ấy xong” (x. 7,28; 11,1; 13,53; 19,1; 26,1). Bên cạnh đó, ta thấy năm bài diễn văn trên được xen kẽ với năm trình thuật kể chuyện. Từ hai tiêu chuẩn này, chúng ta có thể phân chia cấu trúc của Tin mừng Mt gồm ba phần chính[10] :
 
A. Gia phả và thời thơ ấu Đức Giêsu, Đấng Mêsia (Mt 1-2)
B. Năm trình thuật xen kẽ năm bài diễn văn (3-25)[11].
C. Thương Khó và Phục Sinh (26-28).
 
Quan sát cấu trúc, ta thấy Mt có cấu trúc rất độc đáo với năm trình thuật xen kẽ năm diễn văn. Hẳn rằng tác giả muốn tổ chức tác phẩm của mình theo con số năm tác phẩm của bộ Ngũ Thư. Và như vậy, dưới con mắt của Mát-thêu, Chúa Giêsu chính là Môsê mới, và Tin mừng của ngài như thể là tân Ngũ thư[12].
 
2. Vài tư tưởng thần học độc đáo.
 
a. Kitô học.

Giữa hoàn cảnh chính trị đầy biến động xung quanh thế kỷ I, lòng dân có một khát khao cháy bỏng đợi trông Đấng Mêsia[13] đến để đem lại một làn gió mới, một trật tự mới. Cũng như ba Tin mừng khác, Mt ước mong làm nổi bật khuôn mặt của Đấng Cứu Tinh theo cách riêng của mình. Tác giả muốn khẳng định Đức Giêsu Nazaret là Đấng Mêsia đích thực, Ngài là Đấng mà Thiên Chúa hứa ban cho Dân Ngài. Nhưng Đấng Mêsia phải trải qua con đường khổ nạn và phục sinh để giải thoát muôn dân.
 
Đặc biệt, khi trình bày Đấng Mêsia, trình thuật Mt không kể những chuyện quá khứ xa xôi, nhưng là làm chứng về con người trọn vẹn sống động của Đức Giêsu Kitô, Ngài chịu chết và tiếp tục sống giữa các môn đệ của Ngài. Nói cách khác, sứ điệp Tin mừng nhắm hiện tại hóa cuộc đời Đức Giêsu và lời giảng dạy của Ngài trong đời sống cộng đoàn. Từ đầu Tin mừng tới cuối, Mt nhấn mạnh rằng: nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa luôn hiện diện với dân Ngài, Ngài là Đấng Emmanuen (1, 23), và Ngài hứa ở với các môn đệ mọi ngày cho đến tận thế (28, 20).
 
b. Giáo hội học.
 
Tin mừng Mt nhấn mạnh cùng lúc đặc tính độc đáo riêng tư và phổ quát của Giáo hội (Mt 1 và 28). Ngay ở đầu Tin mừng, Đức Giêsu được trình bày là con (thuộc dòng dõi) “của Đa-vít” và “con của Áp-ra-ham”. Đó là hai khuôn mặt căn bản theo truyền thống rất riêng tư của Do-thái. Gợi nhớ hai khuôn mặt này đó cũng là cách nhấn mạnh rằng cộng đoàn Đức tin vào Đức Giêsu được thấm đẫm trong dòng lịch sử Đức tin của Ítraen, bởi vì Ápraham là tổ phụ của Đức tin; rồi cộng đoàn Giáo hội này cũng tiếp tục đón nhận niềm mong đợi Đấng Cứu Tinh từ Dân Riêng, bởi lẽ có truyền thống mong đợi Đấng Cứu Tinh đến từ dòng dõi Đa-vít.
 
Song song với tính riêng tư độc đáo này, Tin mừng Mt mở ra cho muôn dân. Kết thúc Tin mừng ta thấy rõ ràng tính mở rộng phổ quát này. Đấng Phục sinh sai các môn đệ tới muôn dân làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (x. Mt 28,16-20). Chính Giáo hội này hướng lòng cách đặc biệt tới những người ngoại, những người ở vùng Galilê. Galilê nơi Mt được coi là Galilê của dân ngoại[14]. Galilê là mảnh đất của cởi mở về phía người khác.
 
Người tín hữu, môn đệ Đức Kitô, theo nhãn giới Mt, ấy là người hoàn tất Thánh Ý Chúa Cha (14, 22-33). Người môn đệ cần đảm nhận tính nghịch lý giữa “cảnh khốn cùng” và “điều vĩ đại lớn lao”. Khốn cùng hệ tại ở chỗ: Đức tin nhỏ bé, yếu đuối ấy vậy mà lại phải đương đầu với quyền lực thế gian (14, 22-33). Lớn lao vĩ đại, bởi vì người môn đệ được mời gọi tiếp nối và đảm nhiệm sứ mạng của Đức Giêsu, Đấng cho phép người môn đệ vượt qua ngưỡng cửa của thử thách.
 
c. Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và Lề luật.
 
Đối với Mt, việc có mặt của Đức Giêsu Kitô gợi lên câu hỏi tận căn về vai trò của Lề Luật. Người môn đệ được mời gọi vâng phục lề luật và cùng lúc vượt qua Lề Luật để tiếp cận Vương Quốc Nước Trời (5, 20). Chúa Giêsu đến để kiện toàn Lề Luật chứ không phải là để phá hủy (x. 5, 17). Ngài kiện toàn Lề Luật nhờ cuộc tử nạn và phục sinh. Hay nói cách khác, nhờ cuộc vuợt qua của Đức Giêsu Kitô mà Lề Luật đạt tới mức trọn vẹn. Chính Đức Kitô là chìa khóa để giải thích Lề luật và các ngôn sứ, nhờ đó người ta đạt tới sự sống.
 
Mt trình bày sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô chính là Đấng làm cho Nước Trời hiện diện. Vương quyền của Thiên Chúa ngự trị trong lòng mỗi người. Và vương quyền này quá dư giàu có phong phú, thành ra Mt hay dùng các dụ ngôn để diễn tả một vài khía cạnh sắc bén của Nước Trời.
 
d. Ứng nghiệm lời Kinh Thánh.
 
Đọc Mt, độc giả thấy được nhắc đi nhắc lại thành ngữ “như vậy là để ứng nghiệm lời Kinh Thánh” tới 130 lần, trong đó 43 lần trích dẫn trực tiếp[15]. Thành ngữ “ứng nghiệm Kinh Thánh”, một đàng chỉ cho độc giả thấy rõ rằng chính Đức Giêsu Kitô là Đấng mà toàn thể Thánh Kinh loan báo, đàng khác cho thấy rằng dự án của Thiên Chúa giờ này được thành toàn nơi Đức Giêsu Kitô. Điều này nhấn mạnh việc nối tiếp chặt chẽ giữa Tân Ước và Cựu Ước. Cựu Ước như là tiên trưng (per typologiam) của Tân Ước[16]. Như thế Tân Ước được ẩn tàng trong Cựu Ước, còn Cựu Ước được tỏ bày trong Tân Ước. Và theo ngôn từ của thánh Augustinô thì “cái Mới tiềm ẩn trong cái Cũ, còn cái Cũ xuất hiện trong cái Mới[17]”. Có lẽ đây là lý do sâu xa để thẩm quyền chính thức của Giáo hội xếp Mt ở đầu 27 tác phẩm Tân Ước.
 
Lm. Vinhsơn Mai Kim, ĐCV Bùi Chu
 
 

[1] NIB (The New Interpreter’s Bible), Matthew and Mark, volume VIII, Abingdon Press, 1994, tr. 89.
[2]Ngày nay với khoa phê bình lịch sử bản văn, thì rõ ràng không phải Tin mừng Mt được viết đầu tiên, mà phải là Mác-cô. Nhưng dù sao thì Tin mừng Mt vẫn luôn được nhiều người trích dẫn. X. Claude TASSIN, Tin mừng Mát-thêu-L’Evangile de Matthieu : Centurion 1991, (Chú giải mục vụ), Bản dịch tiếng Việt không rõ năm xuất bản, tr. 13.
[3] X. Thomas RÖMER (éd.), Introduction à l’Ancien Testamenet (Dẫn nhập Cựu Ước), Genève: Labor et Fides, 2004, tr. 17. Nguyên nghĩa của chữ Quy điển phát xuất từ chữ Canon, có nghĩa là danh sách các sách linh hứng được thẩm quyền chính thức công nhận. Từ Canon có nguyên gốc từ tiếng Hy-lạp kanon có nghĩa là “cây sậy, cây mía”. Người Hy-lạp hay dùng cây sậy để làm công cụ đo lường hoặc thước đo. Thật ra nghĩa của chữ Canon là vay mượn từ ngôn ngữ Do-thái quaneh: cọc, nhánh cây. Mãi cho tới thế kỷ thứ 4, với thánh giáo phụ Athanasiô, thì từ Canon trở thành từ chuyên môn với nội dung cụ thể: danh sách các tác phẩm linh hứng được Giáo hội công nhận.
[4] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN), Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Nxb Tôn giáo, 2010, tr. 48, điều 105 và 106. Tham khảo thêm CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 11 (Ngôi Lời Thiên Chúa) : ASS (1966) 822-823 : « Thật vậy Hội Thánh, Mẹ thánh chúng ta, nhờ Đức tin tông truyền xác nhận rằng toàn bộ Sách Cựu Ước cũng như Tân Ước (…) được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần (…). Để viết ra các sách Thánh, Thiên Chúa đã chọn những con người và dùng họ trong tài năng và sức lực của họ, để khi chính Ngài hành động trong họ và qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thật tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ những điều đó thôi ».
[5] Claude TASSIN, Tin mừng Mát-thêu - L’Evangile de Matthieu : Centurion 1991, (Chú giải mục vụ), Bản dịch tiếng Việt không rõ năm xuất bản, tr. 17. X. Le POITTEVIN, Lecture de l’évangile selon saint Matthieu, CE n°9, 1974, tr. 13.
[6] Xavier LEON-DUFOUR, Dictionnaire du Nouveau Testament, Paris: Seuil, 1978, tr. 337. Nghĩa nguyên thủy của tên Lêvi không chắc chắn lắm. Nhưng một cách bình dân, Lêvi với gốc tiếng Híp-ri là ywIle - (Lêvi) có thể mang ý nghĩa là: thông dự, gắn kết tháp nhập vào.
[7] Daniel J. HARRINGTON, S.J, The Gospel of Matthew, (Sacra Pagina 1), Minnesota: The Liturgical Press, 1991, tr. 1-2.
[8] Le POITTEVIN, Lecture de l’évangile selon Saint Matthieu, CE n°9, 1974, tr. 12.
[9] Daniel J. HARRINGTON, S.J, The Gospel of Matthew, (Sacra Pagina 1), Minnesota: The Liturgical Press, 1991, tr. 5-7. X. Claude TASSIN, Tin mừng Mát-thêu-L’Evangile de Matthieu : Centurion 1991, (Chú giải mục vụ), Bản dịch tiếng Việt không rõ năm xuất bản, tr. 11-12.
[10] Raymond E. BROWN, An Introduction to the New Testament (Dẫn nhập vào Tân Ước), Nxb Doubleday, 1997. Sách này được dịch ra tiếng Pháp với tựa đề Que sait-on du Nouveau Testament? Bayard, 2011, tr. 214.
[11] Năm trình thuật xen kẽ năm bài diễn văn ở Phần 2 (Mt 3-25) được chi tiết như sau:
1. Công bố Nước trời (3-7).
- Trình thuật về Gioan Tẩy giả, Phép rửa Đức Giêsu…(3-4)
- Diễn văn: Bài giảng trên núi (5-7)
2. Rao giảng Nước Trời tại Galilê (8-10).
- Trình thuật: Mười phép lạ (8-9).
- Diễn văn truyền giáo (10).
3. Mầu nhiệm Nước Trời (11-13).
- Trình thuật: Cứng lòng tin, tranh luận về ngày Sabat (11-12)
- Diễn văn bằng dụ ngôn (13,1-52)
4. Cộng đoàn Nước Trời (13,53-18,35).
- Trình thuật: từ chối ở Nazarét, hóa bánh ra nhiều ( 13,53-17,27)
- Diễn văn về Giáo hội (18,1-35).
5. Rao giảng Nước Trời tại Giêrusalem (19-25).
- Trình thuật: giảng dạy, dụ ngôn xét xử…(19-23).
- Diễn văn thời cánh chung (24-25).
 
[12] Le POITTEVIN, Lecture de l’évangile selon saint Matthieu, CE n°9, 1974, tr. 16-17.
[13] Mêsia theo tiếng Do-thái là Mâchiah (hsm) có nghĩa là Đấng được Xức Dầu, tiếng Hilạp gọi là Đấng Xri,stoj - Đấng Kitô.
[14] Le POITTEVIN, Lecture de l’évangile selon saint Matthieu, CE n°9, 1974, tr. 15.
[15] Le POITTEVIN, Lecture de l’évangile selon saint Matthieu, CE n°9, 1974, tr. 14.
[16] HĐGMVN, Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, Nxb Tôn giáo, 2010, tr. 54.
[17] Thánh Augustinô, Quaestiones in Heptateucum, 2,73.

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập279
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm255
  • Hôm nay51,226
  • Tháng hiện tại638,108
  • Tổng lượt truy cập70,665,865
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây