Ngước nhìn xót thương

Thứ tư - 16/12/2015 14:48  1957
“Chúa nhìn con”. Lời tâm niệm này thường thấy trong nhà Salêđiêng, nơi các phòng  học, phòng hội, nhà cơm, nhà nguyện, đặc biệt trong các bài huấn từ tối, Don Boscô và các học trò của ngài thường nhắc lại niềm xác tín này cho thanh thiếu niên. “Chúa nhìn con!” là bài giáo lý sâu sắc của mẹ Magarita[1], một người dân quê, ít học nhưng với đức tin vững vàng đã giáo dục nên vị thánh cho thời đại.
 
“Chúa nhìn con!” Chúng ta cùng tìm hiểu ánh mắt tình yêu diệu huyền của Đức Giêsu trong Phúc âm, ánh mắt quyền năng của Ngài nhìn ai, người đó được đổi mới.
 
Ngước nhìn gọi tên đích danh
 
Đức Giêsu nhìn hết mọi người, thấu hiểu tâm can từng người, có những người đi đằng sau, chỉ sờ vào gấu áo, Ngài đã thấu biết người ấy cần gì. Có người lấp trong bụi cây nhưng Ngài vẫn thấy chỉ mặt gọi tên đích danh.
 
Nhất lé nhì lùn! Giakêu, xét về thể lý là người lùn, nhưng ông khiến nhiều người phải ngước cổ nhìn. Ông thấp, nhưng cao hơn nhiều người khác cái đầu, cao về khả năng nghề nghiệp, đứng đầu về sự khôn khéo “trèo lên” để được thấy Đức Giêsu, ông là người giàu có vật chất hơn người nhờ nghề thu vén của dân, nhưng cũng giàu về tinh thần trao ban khi gặp được ánh sáng Tin Mừng.
 
Giakêu lùn, nên giữa đám đông ông không nhìn xa trông rộng, ông đã khéo léo “trèo lên”. Động lực thúc đẩy và hành vi thực hiện, xét theo thức thời là cách khôn khéo tự nhiên, sự tò mò hiếu kỳ; nhưng sâu thẳm trong tâm hồn Giakêu là sự khát khao tìm kiếm chân lý. Đức Giêsu đã nhìn thấy nét son nơi khuôn mặt được người đương thời cho là kẻ tội lỗi. Giakêu đã trèo lên cây, có lẽ ông đã trèo lên rất cao và phủ mình trong lớp lá để che đậy thân phận tội lỗi của mình và giữ thể diện tư cách là một vị quan dân. Đức Giêsu “ngước nhìn”, ánh mắt của Ngài đã chạm ánh mắt Giakêu, và  gọi đích danh tên ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi vì hôm nay Tôi phải ở lại nhà ông” (Ga 9,5). Tin mừng kể lại “Giakêu vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người”. Giakêu đã được biến đổi ngay khi nghe tiếng gọi, ông đã “tụt xuống” khỏi vị thế, khỏi con người kiêu ngạo. Chúa đã đến và ở lại với ông. Cuộc gặp gỡ diệu kỳ đã biến đổi ông thành con người mới. Ông đã rời bỏ lối sống cũ, sửa sai những lầm lỗi, đền bù thiệt hại đã gây ra và chia sẻ gia tài cho người nghèo. Ông không còn là người thu thuế của xã hội, nhưng là người thu thuế của nước trời, thu thuế của ân sủng – lãnh nhận và trao ban, một thái độ đích thực của người tín hữu thời sơ khai và là một công dân nước trời hiện hữu trên trần gian.
 
Thiên Chúa luôn hằng hữu và trường tồn, Ngài ở giữa mọi người và ở bên mỗi người. “Con có lên trời, Ngài đang ở đó, nằm dưới âm ty vẫn gặp thấy Ngài” (Tv139,8). Lạy Chúa xin hãy gọi tên con để con tỉnh ngộ sau mỗi lần sai đường lạc bước. Xin biến đổi con, để con sống ánh sáng tình yêu của Ngài.
 
Ngước nhìn được bình an

Thiên Chúa luôn hiện hữu mọi nơi, mọi lúc trong vũ trụ, một sự hiện diện phổ quát, nhưng cụ thể, ánh mắt của Người luôn dõi theo và thấu suốt mọi sự “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng, con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa” (Tv139, 1b-2).
 
Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy! Ngài thấy và thấu suốt trong tình yêu thương quan phòng nhân từ nâng đỡ, chứ không phải cách thấy dò xét quan án-hình sự, họ chỉ thấy được thực tại bên ngoài mà không thấy được quá khứ và tương lai. Sự kiện người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang là thật theo bối cảnh trình bày (Ga 8,1-11). Nhưng sự thật của tội có phải do người nữ không hay cô ấy chỉ là nạn nhân vì hoàn cảnh, vì cưỡng bức, bị vu oan như bà Susanna[2]. Cho dù có vấp ngã, người nữ ấy vẫn còn có hy vọng, đổi mới trong tương lai như Madanêla đã thay đổi cuộc đời 180o. (Mc16,9-11) khi gặp được Đức Giêsu.
 
 Lòng nhân từ của Thiên Chúa không chấp nhặt với yếu đuối thực tại của con người. “Ngài thấu suốt cả sau lẫn trước”, Ngài kiên nhẫn đợi cây vả mùa sau sinh trái (Lc 13,9), “tim đèn leo lét Ngài không lỡ dập tắt” (Mt 12,20). Khi người ta tố giác tội người phụ nữ, “Đức Giêsu cúi xuống lấy tay viết trên đất” (Ga 8,5b). Đức Giêsu đã không kết tội, Ngài đã “cúi xuống” với sự buồn rầu, không vui vì những tội lỗi con người vấp phạm; tội thiếu tình bác ái đối với anh em. Lòng nhân từ của Thiên Chúa luôn chờ đợi và hy vọng con người biết đứng lên sau mỗi lần ngã quỵ. Đức Giêsu đã ngẩng đầu lên “ngước nhìn” và với quyền năng của Đấng xét xử: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11b).
 
Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo! Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự, lòng nhân hậu bao la, Ngài ghét bỏ tội lỗi, nhưng thương tội nhân, Ngài luôn mở rộng vòng tay, với ánh mắt trìu mến, ân cần mong chờ những người con lầm lạc trở về để Ngài tha thứ chúc phúc, ban ơn bình an và sức sống mới trong sự sung mãn của Thần khí.
 
Ngước nhìn được no thỏa
 
“Ngước nhìn” là hành động có chủ đích, quan tâm, chú ý. Ánh mắt Đức Giêsu đã ngước nhìn với thái độ cảm thông, yêu thương, nhân từ và tha thứ. Ánh mắt ấy đã đem lại sự bình an, ân sủng biến đổi nơi con người.
 
Trước khi dấu lạ hóa bánh ra nhiều khởi sự: Thánh Tông đồ Gioan kể lại: “Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ “ngước mắt lên” Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình” (Ga 6,3-5). Ngồi trên núi, ngồi để nói cho hơn năm ngàn người nghe được thì phải ngồi vị trí cao nhất, cao về địa hình cũng như cao về phẩm vị, Đức Giêsu là Thầy, là Chúa, Người thấu suốt mọi sự. Thánh ký sử dụng từ ngữ “ngước lên” chỉ về Đức Kitô – Ngôi Hai Thiên Chúa đã hạ mình làm người để cảm thông thân phận con người, đặc biệt những kẻ nghèo hèn bệnh tật, đói khổ thiếu thốn bơ vơ, bị người đời hắt hủi. Bàn tay uy quyền đầy tình thương của Ngài luôn mở rộng, ánh mắt Ngài luôn “ngước nhìn” mời đón mọi người đến với Ngài: “Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ đã từng chứng kiến những dấu lạ Ngài đã làm cho những kẻ đau ốm” (Ga 6,3).
 
 Ngước nhìn! Ngài đã thấy và cảm thông “Đức Giêsu thấy một đám người rất đông, thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6,34). Đức Giêsu nhận ra tâm hồn nghèo nàn của họ đói khát vì không có ai chăn dắt, nên Người đã dạy họ nhiều điều, Người cũng chạnh lòng vì họ vất vả đói khát, khổ đau bệnh tật. Từ ánh mắt “ngước nhìn” đầy cảm thông yêu thương Ngài đã làm cho cả đám đông được no thỏa.
 
Phúc âm kể lại rất phong phú về ánh mắt tình thương quan phòng của Đức Giêsu. Ngài ngước nhìn ai, người ấy được đổi mới, tràn đầy niềm vui, hi vọng và hạnh phúc, như:  Phêrô trong biến cố Quo vadis, Saolô trên đường Damas, Mathêu bên bàn thu thuế... Chúa nhìn mỗi người một cách khác nhau.
 
“Chúa nhìn con!”  Đức Giêsu ngước nhìn đám đông, nhưng không bỏ rơi một ai, ánh mắt xót thương của Người không ngừng chuyển động. Xưa cũng như nay, Ngài đang nhìn tôi, nhìn bạn, nhìn tất cả mọi người chúng ta. Những ai chạy đến với Ngài, ngước nhìn Ngài bằng con mắt đức tin và lòng khao khát tìm kiếm chân lý sẽ chạm được ánh mắt Tình yêu đem lại bình an, ân sủng và no thỏa mọi khát vọng.

Laurensô Đặng

[1]Magarita, Mẹ của Don Boscô và những người trẻ Salêđiêng.
[2] Bà Susanna vợ ông Giô-gia-kim, một người xinh đẹp và kính sợ Đức Chúa, bị hai kỳ lão thèm muốn, nhưng không chiếm hữu được bà nên đã bày kế hãm hại. Đa-ni-en đã giải cứu bà khỏi mưu xấu của các kỳ mục (Đn13).

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập284
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm256
  • Hôm nay56,138
  • Tháng hiện tại917,673
  • Tổng lượt truy cập69,977,547
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây