Dấu ấn Năm Thánh Lòng Thương xót

Thứ ba - 08/11/2016 08:48  3389
Năm Thánh Ngoại thường Lòng Thương Xót khơi mở suối nguồn tình thương của Thiên Chúa trào tuôn khắp Giáo hội, như một luồng Sinh khí mới đến với thế giới. Sống trong mầu nhiệm hiệp thông, các Giáo phận đều được sung mãn một “Năm Hồng Ân”. Để nhìn lại những ân huệ của Năm thánh tại Giáo phận, và làm thế nào để Lòng thương xót Chúa luôn trải dài trong đời sống người tín hữu, Nhịp cầu đối thoại Ra Khơi số 15 xin nối kết cùng Cha Trưởng ban tổ chức Năm thánh:

Kính thưa Cha Giuse Trần Quốc Tuyến, với tư cách trưởng ban tổ chức Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Giáo phận, Cha hiện diện và đồng hành trong hầu hết các ngày hành hương Năm Thánh cấp Giáo phận, xin Cha chia sẻ cho độc giả một số thành quả đã đạt được trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Năm Thánh Lòng Thương Xót đang dần khép lại, nhìn lại một năm tràn đầy niềm vui ơn phúc bởi Trời, chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa là nguồn mạch mọi ơn lành, Đấng đã ban cho chúng ta thời gian quí báu của lòng thương xót và ơn thống hối: biết bao người đã được đụng chạm đến lòng thương xót qua bí tích giao hòa; biết bao người xa đường lạc lối nay sám hối trở về cùng Chúa; biết bao người tội lỗi, khô khan nguội lạnh nay sống đời Kitô hữu tốt lành. Hơn nữa, tinh thần của lòng thương xót đang che phủ khắp Giáo phận, giúp mỗi người chúng ta ý thức hơn trong cung cách cư xử của lòng thương xót, và nỗ lực thực thi lòng thương xót đối với tha nhân như Chúa Cha đã thương xót chúng ta (x. Misericordiæ Vultus, số 14).

Về mặt tổ chức, Giáo phận chúng ta đã cố gắng cử hành Năm Thánh theo đúng lịch trình của Hội Thánh. Chúng ta đã tổ chức 23 ngày hành hương cấp Giáo phận dành riêng cho từng ngành, từng giới. Mỗi ngày hành hương như thế quy tụ từ 5-7 ngàn người, nhiều dịp lên tới hàng chục ngàn người tham dự. Đó là chưa kể đến những ngày mở Cửa Lòng Thương Xót và bế mạc Năm Thánh tại hai Cửa Thánh trong Giáo phận với số khách hành hương lên tới 20-30 ngàn người. Ngoài ra, còn có rất đông đảo tín hữu đi theo các đoàn hành hương của các giáo hạt, giáo xứ, giáo họ nữa. Các hoạt động của ngày hành hương đã diễn ra trong sự bình an, tràn ngập niềm vui ân sủng và thắm tình huynh đệ, giúp cho những người tham dự được học hỏi, chiêm ngắm và đón nhận lòng thương xót. Như vậy, chúng ta đã tạo điều kiện cho hầu hết mọi người, mọi giới, mọi đoàn thể trong toàn Giáo phận có một thời gian thật sự để gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhờ đó, mỗi tín hữu được củng cố đức tin và trở thành nhân chứng cho lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa (x. Thư hướng dẫn mục vụ của ĐTC Phanxicô trong Năm Thánh Lòng Thương Xót).

Với số lượng đông đảo các tín hữu quy tụ trong những ngày hành hương Năm Thánh, cũng như các dịp đại lễ trong Giáo phận, theo Cha điều gì cần quan tâm để giúp cho cộng đoàn đón nhận được nhiều ơn Chúa hơn?

Số lượng đông đảo anh chị em tín hữu hưởng ứng tham dự các buổi cử hành chung như thế cho chúng ta thấy được lòng nhiệt thành khát khao của anh chị em giáo dân đối với ơn thánh. Đồng thời cũng đòi hỏi các vị mục tử phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng những nhu cầu mục vụ ngày càng khẩn thiết, đa dạng và phong phú hơn. Như trên đã nói, mục đích của Năm Thánh Lòng Thương Xót là tạo cơ hội cho tất cả và từng người tín hữu được đụng chạm đến lòng thương xót và trở về sống hiệp nhất trong cộng đoàn Hội Thánh. Vì vậy, ngoài việc gặp gỡ, lắng nghe, chia sẻ và học hỏi để củng cố đức tin, điều quan trọng các vị mục tử cần quan tâm là giúp cho anh chị em tín hữu sống hiệp thông thực sự với Chúa và Hội Thánh qua các giờ cầu nguyện, dọn mình xưng tội, tham dự thánh lễ và rước lễ cách sốt sắng.

Việc xưng tội chính là Cửa Thánh của tâm hồn, và việc cử hành Bí tích Hoà Giải chính là cơ hội để các tín hữu gặp gỡ Đức Kitô đích thực, Đấng giàu lòng xót thương. Vào những ngày hành hương Năm Thánh, cũng như các dịp đại lễ trong Giáo phận, chúng ta vẫn luôn nhìn thấy từng đoàn hối nhân xếp hàng dài trước các tòa giải tội để lãnh nhận ơn tha thứ. Vì thế, Ban tổ chức Năm Thánh đã xin các cha đang làm mục vụ tại các giáo xứ giúp cho đoàn chiên của các ngài được dọn mình xưng tội trước ở nhà. Đương nhiên, tại các Cửa Lòng Thương Xót luôn luôn có sẵn các linh mục thay nhau ngồi tòa giải tội để ân cần đón tiếp và ban ơn tha thứ cho từng hối nhân. Dầu vậy, do số lượng người quá đông, nên trong những ngày đại lễ như thế cần phải có thêm nhiều cha giải tội sẵn sàng hy sinh và kiên nhẫn để trao ban lòng thương xót cho anh chị em tín hữu.

Năm Thánh cũng là dịp quy tụ hiệp nhất nhiều thành phần trong Giáo phận, các thành viên trong đoàn thể có cơ hội gặp gỡ, đến với Chúa và đến với nhau. Theo Cha, sau những ngày hồng ân này Giáo phận cần có những đường hướng mục vụ như thế nào để sự hiệp nhất, đời sống ân sủng Năm Thánh luôn được trải dài?

Trong những ngày đại hội hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót cấp Giáo phận, chúng ta đã cảm nhận được sự đơn sơ trong trắng của các em thiếu nhi và lễ sinh; sự vui tươi thánh thiện của các tu sĩ, chủng sinh và các em dự tu; sự hăng hái năng động của giới trẻ và sinh viên; tấm lòng quảng đại dấn thân phục vụ của các anh chị em Giáo lý viên, truyền thông, ca viên và nhạc công; lòng nhiệt tâm làm việc tông đồ của các hội viên Con Đức Mẹ, Legio Mariæ, Huynh đoàn Đaminh và Gia đình Phạt tạ; những ưu tư của các giáo chức; những lo lắng của các bậc gia trưởng và hiền mẫu; những băn khoăn của các anh chị em dự tòng và tân tòng; đặc biệt là những nỗ lực chịu đựng và hy sinh đón nhận khổ đau của các bệnh nhân, người già và người khuyết tật… Tất cả đều cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa qua bàn tay chăm sóc yêu thương của các vị mục tử trong Hội Thánh.

Sự hiện diện và đồng hành của Đức cha cùng quý cha hữu trách trong suốt hành trình của Năm Thánh đã giúp cho các tín hữu cảm nghiệm được niềm vui trong tình hiệp nhất và sự nâng đỡ của các vị chủ chăn trong đời sống đức tin. Chắc chắn, nỗ lực của chúng ta không chỉ dừng lại trong thời gian cử hành Năm Thánh, mà sẽ tiếp tục cổ vũ và chăm sóc cho những hoa trái của lòng thương xót mà Thiên Chúa đã tặng ban cho mỗi người. Như vậy, Năm Thánh sẽ trở thành khởi điểm cho một chương trình mục vụ của lòng thương xót trong toàn Giáo phận. Những tâm tư ước vọng của cộng đoàn dân Chúa đã được các vị mục tử lắng nghe và đón nhận. Vì thế, trong thời gian tới, chúng ta cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức các ban ngành, tuyển chọn và bổ sung nhân sự phù hợp, mời gọi sự cộng tác của anh chị em giáo dân để tiếp tục duy trì và phát triển các hoạt động mục vụ mà chúng ta đã thực hiện cách hiệu quả trong Năm Thánh. Cùng với ơn Chúa và sự nỗ lực chung tay góp sức của mọi thành phần dân Chúa, ân sủng của Năm Thánh sẽ thấm sâu vào trong cuộc đời mỗi tín hữu và sẽ trải dài trong các sinh hoạt của Giáo phận chúng ta.

Với những anh chị em tân tòng trong Giáo phận, sau cuộc hành hương Năm Thánh, nhiều người được biến đổi, có cái nhìn mới về sức sống của Giáo hội. Họ ước mong, Giáo phận hoặc Giáo hạt, hay trong Giáo xứ có những sinh hoạt dành riêng cho người tân tòng để họ được nuôi dưỡng củng cố đức tin. Cha nghĩ thế nào về những thao thức này?

Vâng, trong Năm Thánh, Ban tổ chức đã sắp xếp cho anh chị em dự tòng và tân tòng có một ngày đại hội hành hương cấp Giáo phận. Biến cố này đã để lại nơi tâm hồn mỗi người một ấn tượng sâu đậm và đã làm cho nhiều người sống gắn bó mật thiết hơn với Hội Thánh. Phải nhìn nhận rằng: hiện nay, các sinh hoạt mục vụ của chúng ta dành cho anh chị em tân tòng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được những thao thức, mong mỏi của họ. Trong thời gian tới, Ban Loan Báo Tin Mừng Giáo phận sẽ phối hợp với các cha xứ và các cha đặc trách các giáo hạt để có những chương trình mục vụ thiết thực và cụ thể, nhằm khơi thắm lại ân huệ mà Thiên Chúa đầy lòng thương xót đã đổ xuống trên cuộc đời các anh chị em tân tòng (x. 2Tm 1,6).

Chúng ta biết rằng tiến trình khai tâm Kitô giáo không dừng lại ở thời gian dự tòng với các bí tích nhập đạo, mà còn phải được tiếp tục trong thời gian nhiệm huấn (x. Nghi thức gia nhập Kitô giáo của người lớn). Vì thế, các anh chị em tân tòng cần phải được đào sâu về mầu nhiệm đức tin, tiếp cận và gắn bó hơn với các buổi cử hành phụng vụ thánh, dấn thân tích cực và sâu xa hơn vào đời sống đức tin của cộng đồng dân Chúa. Do đó, toàn thể cộng đoàn Hội Thánh, cách đặc biệt là các vị mục tử tại các giáo xứ, có trách nhiệm quan tâm nâng đỡ trong suốt tiến trình khai tâm, từ tiền dự tòng đến cả thời gian sau khi đã chịu phép Rửa tội. Thật ý nghĩa và cần thiết khi các giáo xứ, giáo hạt tổ chức những sinh hoạt mục vụ dành riêng cho người tân tòng, tạo điều kiện giúp họ cùng nhau tĩnh tâm, dọn mình xưng tội, tham dự Thánh lễ và rước lễ sốt sắng, để họ được nuôi dưỡng và sống đức tin cách trưởng thành hơn.

Khởi đầu Năm Thánh, có nghi thức mở Cửa Năm Thánh, vậy kết thúc Năm Thánh có “đóng cửa” Năm Thánh không? Phải hiểu nghi thức “mở- đóng” như thế nào?

Theo truyền thống xa xưa của Hội Thánh, mỗi Năm Thánh đều được khai mạc với nghi thức mở Cửa Thánh. Cửa Thánh được đặt tại bốn Đại Vương Cung Thánh Đường ở Rôma, gồm có Đền thờ thánh Phêrô, Đền thờ thánh Gioan Latêranô, Đền thờ Đức Bà Cả và Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành. Bình thường, Cửa Thánh luôn đóng kín và được xây tường phía bên trong để bít lại. Cửa Thánh chỉ được mở ra trong nghi thức khai mạc Năm Thánh và đóng lại trong nghi thức bế mạc.

Thực ra, Cửa Thánh đích thực là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng là cửa cho chiên ra vào (x. Ga 10,1- 10). Vì thế, nghi thức mở Cửa Thánh muốn nói lên một ý nghĩa biểu tượng là Giáo hội mở cửa kho tàng ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô để người tín hữu hành hương qua Cửa Thánh và được lãnh nhận ơn Toàn Xá. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, Cửa Thánh được gọi là “Cửa Lòng Thương Xót, để bất cứ ai bước vào qua đó, sẽ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa là Đấng an ủi, thứ tha và trao ban niềm hy vọng” (Misericordiæ Vultus, số 3).

Để cho các tín hữu khỏi bị thiệt thòi khi không thể hành hương qua Cửa Thánh tại Rôma, Đức thánh cha Phanxicô đã cho phép mở Cửa Lòng Thương Xót tại các Giáo phận trên khắp thế giới. Vào dịp khai mạc Năm Thánh, chúng ta đã được tham dự nghi thức mở Cửa Lòng Thương Xót tại Phú Nhai và Liễu Đề. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Tòa Thánh, tại các Giáo hội địa phương không có nghi thức đóng Cửa Thánh, mà chỉ cử hành Thánh lễ tạ ơn bế mạc Năm Thánh vào Chúa Nhật 33 thường niên, ngày 13/11/2016. Việc đóng Cửa Thánh chỉ diễn ra ở Rôma, ban đầu là cùng với các Giáo hội địa phương, ba Đức hồng y đặc sứ của Đức thánh cha sẽ chủ sự nghi thức đóng Cửa Thánh tại Đền thờ thánh Gioan Latêranô, Đền thờ Đức Bà Cả và Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành. Cuối cùng, chính Đức thánh cha sẽ đóng Cửa Thánh của Đền Thờ thánh Phêrô trong nghi thức bế mạc Năm Thánh vào ngày 20/11/2016, Chúa Nhật lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Việc đóng Cửa Thánh cũng mang ý nghĩa biểu tượng là kết thúc một thời gian ngoại thường của ân sủng. Qua đó, Giáo hội mời gọi các Kitô hữu một khi đã được tràn đầy ân sủng thì phải ra đi đến với muôn dân, “cùng hoạt động để xây dựng một tương lai trổ sinh hoa trái dồi dào” (Misericordiæ Vultus, số 5).

Ban Biên tập Ra Khơi xin chân thành cám ơn Cha!

ĐCV Bùi Chu, Ra Khơi số 15, tháng 11/2016, tr.7-14.
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập200
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm166
  • Hôm nay32,897
  • Tháng hiện tại860,674
  • Tổng lượt truy cập69,920,548
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây